Trong những năm gần đây, thị trường máy bay không người lái (MBKNL) của Trung Quốc phát triển mạnh và quốc gia này đang tìm cách cải tiến và hoàn thiện nhiều hệ thống máy bay trinh sát-tấn công không người lái thế hệ mới.
Máy bay không người lái Wing Loong II cùng các loại vũ khí có thể mang khi triển khai nhiệm vụ trinh sát-tấn công. Ảnh: Sputnik.
Wing Loong
Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc mới đây đã quyết định triển khai dự án chế tạo phiên bản mới của dòng MBKNL Wing Loong có khả năng hoạt động ở độ cao trung bình và có tầm bay xa – Wing Loong ID.
Đây là bản nâng cấp của Wing Loong I được nghiên cứu và phát triển bởi Viện Thiết kế và Nghiên cứu máy bay Thành Đô (CADI) thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc. Wing Loong ID sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên trong năm nay và dự kiến sẽ được bán ra thị trường toàn cầu vào cuối năm 2018.
Ông Li Yidong, Giám đốc thiết kế Wing Loong, cho biết: “Wing Loong ID là thế hệ máy bay trinh sát-tấn công không người lái tối tân đầu tiên của Trung Quốc. Cùng với những “người anh em” khác trong “gia đình” Wing Loong, Wing Loong ID sẽ giúp quảng bá hơn nữa thương hiệu Wing Loong của Trung Quốc trên thị trường vũ khí toàn cầu”.
Wing Loong ID là một loại máy bay trinh sát-tấn công không người lái hiệu suất cao, có thể bay ở độ cao trung bình trong một thời gian dài. Với kiểu dáng mới và được làm hoàn toàn từ vật liệu composite, dòng MBKNL này hứa hẹn sẽ đáp ứng được các yêu cầu của thị trường vốn đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các quốc gia Trung Đông và Đông Nam Á.
Ông Li Yidong nhấn mạnh: “Wing Loong ID có giá cả phải chăng và hiệu suất chiến đấu cao hơn Wing Loong I, có thể đáp ứng nhiều đòi hỏi khác nhau của khách hàng”. Cũng theo ông Li Yidong, Wing Loong ID được lắp đặt động cơ công suất cao, giúp tối ưu hóa thiết kế khí động học.
Ngoài ra, tải trọng tối đa khi cất cánh, trần bay, hệ thống thông tin liên lạc, khả năng mang tải trọng trong và ngoài thân máy bay cũng được tăng cường. So với hai phiên bản đầu tiên, Wing Loong ID có tới 4 thay vì 2 giá treo vũ khí dưới cánh như ở 2 phiên bản ban đầu. Tải trọng mang theo cũng lớn hơn (400kg trong khi 2 phiên bản trước chỉ mang được 200kg).
Wing Loong ID có thể thu thập thông tin, do thám, trinh sát, chống khủng bố, tuần tra biên giới, phòng chống ma túy và buôn lậu. Ngoài ra, phiên bản MBKNL mới này cũng có thể phục vụ trong các lĩnh vực dân sự như khảo sát tài nguyên thiên nhiên, kiểm tra các đường ống dẫn dầu, theo dõi và đánh giá thảm họa.
Theo ông Ji Xiaoguang, Giám đốc CADI, Trung Quốc bắt đầu phát triển Wing Loong từ năm 2005. Wing Loong là dòng máy bay trinh sát-tấn công không người lái cao cấp do Trung Quốc phát triển độc lập nhằm thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, theo dõi và do thám liên tục các mục tiêu trên một phạm vi rộng, mọi lúc và trong mọi điều kiện thời tiết.
Hiện đã có hai thế hệ Wing Long ra đời: Wing Long I và Wing Long II. Wing Long I thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2007 còn Wing Loong II đã hoàn thành chuyến bay đầu tiên của mình vào 27-2-2017.
Wing Loong I có trần bay 6.000m, sải cánh rộng 14m, trọng lượng cất cánh tối đa 1.200kg và có thể mang theo 200kg vũ khí. Wing Loong II có tầm hoạt động 2.000km, hệ thống liên lạc qua vệ tinh, trần bay 9.000m, tốc độ tối đa 340km/h, hoạt động liên tục 20 giờ.
Wing Loong II có sải cánh rộng 20,5m, trọng lượng cất cánh tối đa 4.200kg, có thể mang theo 200kg tải trọng bên trong và 480kg vũ khí bên ngoài thân máy bay.
Wing Loong II được thiết kế để có thể mang 12 tên lửa và bom các loại, trong đó có tên lửa không đối không Blue Arrow 7, tên lửa chống tăng AR-1/HJ-10, bom định vị TG100 laser/INS. Năm ngoái, máy bay này đã lập kỷ lục khi lần lượt bắn hạ thành công 5 mục tiêu liên tiếp bằng 5 tên lửa khác nhau.
Ông Ji Xiaoguang cho biết: “Wing Loong II đã giúp Trung Quốc giành được đơn đặt hàng MBKNL lớn nhất trên thị trường vũ khí toàn cầu. Theo kế hoạch, nhiều phiên bản Wing Loong mới sẽ được nghiên cứu và phát triển trong thời gian tới”.
Những quốc gia hiện đang sử dụng MBKNL Wing Loong của Trung Quốc bao gồm Kazakhstan, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
CH-4
Tháng 1 vừa qua, Caihong 4 (CH-4) – một phiên bản MBKNL khác cũng do Trung Quốc tự sản xuất, đã hoàn thành bài kiểm tra bắn đạn thật kéo dài 6 ngày ở Tây Bắc Trung Quốc với nhiều loại vũ khí khác nhau. Máy bay CH-4 thử nghiệm lần này là phiên bản nâng cấp của bản CH-3, MBKNL của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không Trung Quốc – CASC.
Đây là lần đầu tiên MBKNL của Trung Quốc tiến hành thử nghiệm bắn đạn thật với nhiều loại vũ khí khác nhau, thực hiện nhiệm vụ ném bom trên diện rộng và tấn công chính xác. Các loại vũ khí được thử nghiệm lần này bao gồm bom dẫn đường bằng vệ tinh 100kg, bom dẫn đường bằng laser 100kg, bom chùm 50kg và bom kích nổ từ xa 50kg.
Theo quân đội Trung Quốc, kết quả của bài kiểm tra cho thấy CH-4 đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn đề ra.
Khả năng cùng lúc mang một khối lượng lớn và đa dạng các loại vũ khí giúp CH-4 có thể tiến hành các cuộc không kích hiệu quả đối với nhiều mục tiêu ở khoảng cách xa hơn với tốc độ nhanh hơn, từ đó đặt nền móng cho các mô hình MBKNL trong tương lai và các loại vũ khí đi kèm.
Thêm vào đó, CH-4 thích ứng tốt hơn với các điều kiện thời tiết khác nhau, đặc biệt là điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đồng thời được trang bị mạng dữ liệu hoàn toàn mới, tích hợp khả năng thu thập và phân phối dữ liệu trên không-mặt đất.
Theo CASC, CH-4 có hiệu suất chiến đấu cao hơn so với máy bay MQ-1 Predator do Mỹ sản xuất trong thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, do thám và tấn công.
CH-4 có diện mạo giống với MQ-1 Predator của Mỹ nhưng lớn hơn với chiều dài sải cánh lên tới hơn 20m, trần bay 8.000m, trọng lượng cất cánh tối đa gần 1.500kg, tải trọng mang theo tối đa là 345kg, có thể bay liên tục trong 38 giờ, gấp 1,5 lần so với thời gian hoạt động của MQ-1 Predator.
CH-4 không chỉ giới hạn trong lĩnh vực quân sự mà còn có thể đảm nhiệm một loạt các hoạt động dân sự như khảo sát địa chất, tuần tra trên biển, liên lạc khẩn cấp, dự báo khí tượng và phòng chống cháy rừng.
Chen chân vào thị trường ngoại
Caihong nói riêng và MBKNL của Trung Quốc nói chung đang rất được các quốc gia Trung Đông ưa chuộng, nhất là Iraq, Saudi Arabia, UAE. Tháng 2 vừa qua, tờ Southfront dẫn lời một sĩ quan cao cấp trong quân đội Mỹ cho biết CASC đã ký hợp đồng xây dựng nhà máy sản xuất MBKNL tại Saudi Arabia.
Đây là nhà máy sản xuất MBKNL đầu tiên của Trung Quốc ở Trung Đông, cho thấy bước nhảy vọt của quân đội Trung Quốc bởi nó không chỉ đơn thuần là vấn đề lợi nhuận mà Bắc Kinh còn muốn gia tăng ảnh hưởng của mình tại Trung Đông, khu vực địa-chính trị quan trọng vốn từ lâu luôn là thị trường vũ khí truyền thống của Mỹ và Israel.
Đáng chú ý là trong khi Mỹ hạn chế xuất khẩu MBKNL hoặc bán với giá rất cao, Trung Quốc được cho là có xu hướng sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất MBKNL mà không có điều kiện đi kèm và bán ở mức giá rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại của Mỹ.
Cụ thể, trong khi mỗi chiếc MQ9-Reaper (phiên bản Predator B) của Mỹ có giá 30 triệu USD thì mỗi chiếc Caihong chỉ có mức giá 1-2 triệu USD.
Tại những nước mà Mỹ từ chối bán MBKNL như Saudi Arabia, Iraq, Ai Cập, UAE, các loại MBKNL của Trung Quốc như CH-4 đã có mặt từ nhiều năm nay và ngày càng có nhiều hợp đồng mua MBKKNL được ký kết.
Trong khi Jordan là một trong những khách hàng trung thành của Wing Loong thì Pakistan đang tích cực hợp tác với Trung Quốc trong việc sản xuất MBKNL Burraq – phiên bản xuất khẩu của CH-3.
Những tiến bộ đạt được gần đây của ngành sản xuất MBKNL Trung Quốc cho thấy tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở việc chế tạo các loại máy tiêm kích thế hệ mới như J-20 và J-31 mà còn ngày càng chú trọng đến việc nghiên cứu và phát triển ngành khoa học-quân sự công nghệ cao.