Dự kiến vải và nhãn sẽ được mùa lớn năm nay nên Bộ NN&PTNT đã tổ chức họp bàn giải pháp tiêu thụ để tránh lặp lại kịch bản “được mùa mất giá”. Các địa phương kiến nghị Bộ đàm phán, khai thông thị trường Trung Quốc bởi đây vẫn là nước tiêu thụ lớn của Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, thời tiết năm nay thuận lợi nên tỷ lệ cây vải và nhãn ra hoa, đậu quả đạt trên 90%. Dự tính năm nay, vải và nhãn hứa hẹn sẽ có một vụ mùa bội thu.
Sản lượng vải 3 tỉnh ước đạt trên 217.000 tấn, trong đó Bắc Giang ước đạt 150.000 tấn, Hải Dương 55.000 tấn và Hưng Yên 12.000 tấn. Riêng với nhãn, sản lượng ước đạt khoảng 80.000 tấn.
Vải thiều năm nay dự kiến được mùa lớn do thời tiết thuận lợi. (Ảnh minh họa)
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết vụ vải năm nay, diện tích trồng vải ở địa phương là gần 29.000 ha, sản lượng ước tính tăng gấp 2 lần so với năm trước. Với sản lượng vải đạt 150.000-180.000 tấn sẽ gây áp lực lớn cho Bắc Giang trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, rào cản lớn nhất hiện nay đối với đầu ra của vải là việc mới đây tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc yêu cầu truy xuất nguồn gốc hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo bà Hà, đây là chính sách mới, các cơ quan, doanh nghiệp của tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể. tránh làm ảnh hưởng tới việc tiêu thụ vải.
“Đề nghị Bộ NN&PTNT sớm làm việc với cơ quan chức năng Trung Quốc để sớm tháo gỡ khó khăn về truy xuất nguồn gốc, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, đồng thời đàm phán về xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này”, bà Hà nói.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND Sơn La, cũng cho rằng hiện nay Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính đối với vải, nhãn Việt Nam. Do đó, lãnh đạo tỉnh Sơn La kiến nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao tìm cách khai thông những rào cản khi xuất khẩu hoa quả sang thị trường này.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng để tránh tình trạng phụ thuộc chủ yếu vào thị trường truyền thống, các địa phương chủ động khai thác, mở rộng thị trường trong nước, không để thương lái Trung Quốc ép giá.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho biết mùa vải năm 2017, giá vải thiều bán ở Hà Nội cao hơn cả giá xuất đi Trung Quốc, thậm chí có những thời điểm thương lái Trung Quốc nhập với giá ngang bằng thị trường trong nước.
Theo đại diện Sở Công thương Hà Nội, nếu mở rộng hệ thống tiêu thụ trong nước, giá bán vải cao cũng gây áp lực thương lái Trung Quốc không thể ép giá nông dân.
Câu chuyện được mùa mất giá hay giá nông sản rớt thảm vì bị thương lái Trung Quốc “bỏ bom” vốn đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người nông dân Việt Nam.
Trong nửa đầu năm 2017, có tới hàng chục mặt hàng nông sản Việt rớt giá mạnh, phải kêu gọi giải cứu vì tiểu thương Trung Quốc đột ngột ngừng mua dẫn tới bế tắc đầu ra.
Gần đây nhất, hồi cuối tháng 3/2018, sau khi ồ ạt thu mua với giá cao kỷ lục, thương lái Trung Quốc bất ngờ rút đi khiến nhiều hộ trồng chuối ở Đồng Nai mất cả trăm triệu đồng vì giá rớt nhanh chóng.
Giới chuyên gia cho rằng nhiều mặt hàng chủ yếu xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch nên chuyện bị thao túng giá là khó tránh khỏi.