Thương mại hóa tín ngưỡng và các địa danh tâm linh là vấn nạn tồn tại nhiều năm qua ở Trung Quốc. Tình trạng gây bức xúc đến mức dư luận Trung Quốc gần đây phải lên tiếng.
Một công ty du lịch ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vừa học được một bài học rằng có những thứ quá linh thiêng để phục vụ cho các mục đích “trần tục” như kinh doanh, mua bán.
Công ty Putuoshan Tourism Development Co. bị tố thương mại hóa cái tên Phổ Đà Sơn (Putuoshan) – một trong 4 ngọn núi Phật giáo linh thiêng của Trung Quốc, trong kế hoạch lên sàn chứng khoán (IPO) vào tháng 6 sắp tới.
Câu chuyện một lần nữa báo động về nạn thương mại hóa danh lam thắng cảnh, đặc biệt những nơi tâm linh, ở Trung Quốc trong hơn 10 năm qua. Bên thủ lợi là “liên minh” chính quyền địa phương và doanh nghiệp.
Trong trường hợp Putuoshan Tourism, thông cáo IPO của công ty này gây sự chú ý của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc và họ đã phản ánh trên website hồi tuần trước.
Trong bài viết mang tựa đề “Ai đang thương mại hóa đạo Phật – những lo lắng xung quanh vụ IPO của Putuoshan”, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc chỉ trích công ty này bôi bẩn Phật giáo bằng các yếu tố trần tục và thương mại, làm tổn thương thanh danh của tôn giáo 2.500 năm tuổi.
Năm 2012, Cục Quản lý tôn giáo Trung Quốc từng khuyến nghị cấm thương mại hóa các địa danh tâm linh thông qua phát hành cổ phiếu, thành lập liên doanh nước ngoài, chia cổ tức và các hình thức khác.
Năm ngoái, cơ quan này tiếp tục công bố chính sách cấm dùng tên gọi tôn giáo trong các hoạt động niêm yết sàn chứng khoán hoặc gây quỹ.
Đáng chú ý, cổ đông lớn nhất nắm giữ 72% cổ phần Putuoshan Tourism là chính quyền thành phố Chu San (thuộc tỉnh Chiết Giang). Một ngày sau khi Hiệp hội Phật giáo lên tiếng, cổ đông này nhanh chóng khuyến nghị công ty bỏ cụm từ Phổ Đà Sơn ra khỏi cái tên.
Dù lần này Phổ Đà Sơn thoát khỏi số phận bị thương mại hóa, tên 3 ngọn núi thiêng khác của Phật giáo Trung Quốc đều đã bị khai thác, bao gồm Nga Mi Sơn, Cửu Hoa Sơn và Ngũ Đài Sơn.