Việc Triều Tiên quyết định dừng thử hạt nhân và tên lửa trước thềm các hội nghị thượng đỉnh khiến nhiều người đặt câu hỏi về chiến lược của nước này.
Chiến lược đậm chất ngoại giao
Giáo sư Leonid Petrov, chuyên gia về Triều Tiên tại Nga cho rằng tuyên bố của Triều Tiên không phải là điều không thể dự đoán. “Tôi nghĩ rằng đây là một bước đi đúng, nó là một tuyên bố mang đậm tính ngoại giao. Ông Kim Jong-un chỉ xác nhận rằng Triều Tiên quyết tâm phi hạt nhân hóa và quyết định dừng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa là một bước đi chiến lược”.
Theo giáo sư Leonid Petrov, tuyên bố dừng thử tên lửa, hạt nhân hay đóng cửa bãi thử hạt nhân không chỉ tạo bầu không khí tích cực cho các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều, mà nó còn là một tuyên bố vô cùng “khôn khéo” khiến ông không bị “mất mặt” với người dân trong nước.
Lý do là bởi ông Kim Jong-un không nói sẽ hoàn toàn hủy bỏ vũ khí hạt nhân. Ông không nói tên lửa sẽ bị hủy bỏ. Ông đơn giản chỉ nói là các vụ thử đã không còn cần thiết nữa và các thiết bị hạt nhân mới sẽ không cần phải được phát triển hay thử nghiệm.
“Vì thế tôi nghĩ đây là một bước đi ngoại giao rất quan trọng và được tính toán kỹ lưỡng, đưa ra chỉ đúng 1 tuần trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, và tiếp theo đó là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Đó hoàn toàn là một động thái chiến lược”, ông Petrov nói.
Bất ngờ dự đoán được
Giáo sư Petrov cho rằng, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều được biết đến là kiểu nhà lãnh đạo ôn hòa, nhưng vẫn thường có với những động thái gây bất ngờ.
“Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng năm ngoái, khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo và thử vũ khí nhiệt hạch lần đầu tiên (hồi tháng 9/2017), thì giữa Bình Nhưỡng và Washington đã có những cuộc đàm phán bí mật. Đó là cách chúng ta giải thích vì sao hai bên dù khẩu chiến gay gắt nhưng vẫn có những lời hứa hẹn về kết quả tốt đẹp từ đàm phán”, ông Petrov nói.
Theo ông Petrov, ông Donald Trump đã thực sự hứa hẹn từ trước khi đắc cử Tổng thống Mỹ rằng, một ngày nào đó, ông sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cùng ngồi xuống, ăn hamburger và giải quyết tất cả những bất đồng. Bầu không khí hiện nay cho thấy ông Trump đang thực hiện đúng cam kết đó.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lại đang ở trong một tình huống vô cùng khó khăn sau những biện pháp trừng phạt thắt chặt của quốc tế, thậm chí cả Nga và Trung Quốc cũng có vẻ “xa cách” với Bình Nhưỡng.
Ông Petrov nhấn mạnh: “Chúng ta có thể thấy sự thay đổi từ phía Triều Tiên xuất phát từ chính tình hình này khi mà thương mại quốc tế đã trở nên gần như bất khả thi đối với Triều Tiên. Nó khiến Triều Tiên, quốc gia vốn phụ thuộc vào nguồn cung cấp dầu và tiêu thụ hàng hóa từ Trung Quốc, khí đốt và điện từ Nga thực sự lo ngại về phát triển kinh tế. Đó là lý do ông Kim Jong-un một lần nữa tái khẳng định tầm quan trọng của phát triển kinh tế”.
Cái nhìn tích cực
Theo ông Petrov, sẽ rất khó để dự đoán cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ kết thúc như thế nào hay liệu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều có đem lại kết quả hứa hẹn không.
“Nhưng tôi nghĩ những gì mà Hàn Quốc và Triều Tiên đang làm bây giờ là cố hết sức tránh chiến tranh – điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng đe dọa. Chúng ta biết rằng, nếu có một cuộc chiến tranh chống lại Triều Tiên, thì Hàn Quốc sẽ là nạn nhân đầu tiên. Không ai muốn cuộc chiến này, vì sẽ chẳng có bên nào được lợi. Trong khi đó, nếu xảy ra, nó sẽ là một thảm họa cho toàn khu vực”, ông Petrov nói.
Ông Petrov cũng cho rằng, nên có cái nhìn tích cực về những diễn biến hiện nay. Suốt 10 năm cầm quyền của chính phủ bảo thủ ở Hàn Quốc đã không có cuộc đối thoại nào với Bình Nhưỡng. Hàn Quốc và Triều Tiên đã dừng đối thoại, khu vực kinh tế chung bị đóng cửa. Mọi thứ chỉ được cải thiện khi ông Moon Jae-in đắc cử Tổng thống Hàn Quốc với hứa hẹn sẽ cải thiện quan hệ với Triều Tiên.
Ở thời điểm này, ít nhất đường dây nóng quân sự giữa 2 bên đã được khôi phục. Ông Petrov nhận định, điều tiếp theo là Hàn Quốc sẽ ngừng chương trình phát thanh tuyên truyền ở biên giới, vì thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra ở Bàn Môn Điếm, nằm giữa biên giới của Hàn Quốc và Triều Tiên. “Tôi nghĩ họ sẽ thảo luận khả năng khôi phục khu công nghiệp chung Kaesong, mở cửa trở lại khu nghỉ dưỡng núi Kim Cương (Kumgang), nơi từng tổ chức đoàn tụ các gia đình ly tán vì chiến tranh Triều Tiên”.
Ông cũng nói thêm rằng, “Đã từng có bầu không khí rất khác biệt trước đây, khi người Hàn Quốc có thể lái ô tô dọc khu phi quân sự, và các vận động viên Triều Tiên có thể tham gia các đại hội thể thao quốc tế hay World Cup ở Seoul. Bầu không khí giữa hai miền đầu những năm 2000 đã từng hoàn toàn khác biệt. Tôi nghĩ người Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn nhớ những bầu không khí tích cực đó và đang cố gắng để tiến thêm một bước tới hòa giải và một ngày nào đó là thống nhất đất nước”