Theo thời gian, Trung Quốc dần đuổi kịp và vượt Đài Loan về tiềm năng tài chính và tiềm lực quân sự. Đài Loan hiện không còn là đối thủ của Trung Quốc trên cả hai phương diện ấy.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Canadian Press
Đài Loan bị cô lập chính trị
Sử sách có ghi lại câu “Chúng ta không có cả đồng minh vĩnh viễn lẫn kẻ thù vĩnh viễn. Chúng ta chỉ có lợi ích bền vững” của Gaius Iulius Caesar (năm 100 – 44 trước Công Nguyên), một chính trị gia đẳng cấp nhà nước, một vị chỉ huy quân đội và một nhà văn thời La Mã cổ đại.
Câu “Không có bạn bè vĩnh viễn và kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn” được cho là của Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill.
Nhưng không ai chỉ rõ được người này nói câu này khi nào, ở đâu hay viết ra trong tài liệu nào.
Trong tuyển lựa 60 câu nổi tiếng nhất của Winston Churchill chỉ có câu “Người ta không có bạn nào không thể bị mất và không có kẻ thù nào có thể không chuốc cho mình”.
Ngôn từ được sử dụng có khác nhau nhưng nội hàm lại rất giống nhau. Nếu hiện tại thế giới cần bằng chứng cụ thể mới nhất thì chỉ cần nhìn vào chuyện nước Cộng hoà Dominica và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau.
Sau Sao Tome và Princip cũng như Panama, Dominica là nước thứ ba trong thời gian không đầy một năm ngừng quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan để chuyển sang thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc.
Hiện tại chỉ còn 19 quốc gia trên thế giới có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.
Những quốc gia này không có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc vì Bắc Kinh thực thi chính sách “Một Trung Quốc”.
Theo đó, nếu các nước muốn thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc thì không được đồng thời có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.
Dominica tuy là đảo quốc nhỏ nhưng đã có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan từ 77 năm nay.
Trừ Toà thánh Vatican, 18 nước hiện có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan đều là quốc gia nhỏ và chậm phát triển, không phải là những đối tác kinh tế và thương mại quan trọng của Đài Loan, nhưng lại rất quan trọng về chính trị và ngoại giao đối với Đài Loan.
Đài Loan đã bị mất ghế trong LHQ từ năm 1972 và càng mất đi đồng minh ngoại giao thì càng bị cô lập thêm về chính trị trên thế giới. Mà đấy lại là một trong những mục tiêu của Trung Quốc.
Khi xưa, xứ Đài sử dụng cái gọi là “Ngoại giao hầu bao” để tranh thủ các đối tác bên ngoài.
Nhưng rồi Trung Quốc cũng vận hành đúng chiêu thức ấy với sự khác biệt duy nhất là mức độ còn mạnh mẽ hơn. Theo thời gian, Trung Quốc dần đuổi kịp và vượt Đài Loan về cả tiềm năng tài chính và tiềm lực quân sự.
Đài Loan hiện không còn là đối thủ của Trung Quốc nữa trên cả hai phương diện ấy.
Lợi thế của Trung Quốc
Là quốc gia với vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới cũng như đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư đầy tiềm năng, Trung Quốc không chỉ dễ dàng mà đã dần đánh bại Đài Loan trong cuộc đấu giành về những nước đã có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.
Chỉ cần nhìn vào trường hợp Dominica vừa rồi là có thể thấy được rất rõ lợi thế hiện tại thuộc về Đài Loan hay Trung Quốc.
Theo thoả thuận từ trước, Đài Loan vừa viện trợ quân sự cho Dominica khoảng 35 triệu USD. Trung Quốc ký luôn một thoả thuận tín dụng cho Dominica trị giá hơn 3 tỷ USD.
Năm 2017, Dominica đã trở thành đối tác thương mại quan trọng thứ 2 của Trung Quốc ở khu vực Trung Mỹ. Dominica không thể cưỡng lại được sự quyến rũ của Trung Quốc. Lợi ích khiến cho đồng minh suốt 77 năm qua bất ngờ trở thành kẻ lạ và kẻ lạ trở thành đồng minh.
Đối với Trung Quốc, đây là chuyện “mạnh về gạo, bạo về tiền”. Đối với Dominica, đây là chuyện lựa chọn giữa cái tốt và cái tốt hơn. Đối với cả hai, đấy là chuyện lợi ích thần thánh hoá công cụ. Đúc kết trí tuệ của người xưa thật đâu có sai.
Đài Loan sẽ còn càng ngày càng thêm khó khăn trong đối phó với Trung Quốc trên phương diện này và bản danh sách 19 thành viên kia chắc chắn rồi sẽ còn tiếp tục giảm. Trung Quốc đã nhằm vào Toà thánh Vatican từ khá lâu nay rồi.
Cô lập Đài Loan về chính trị và ngoại giao trên thế giới là cách Trung Quốc đối phó với những ý đồ và nỗ lực ở Đài Loan muốn ly khai đại lục. Trong chuyện này, Trung Quốc gặp 2 khó khăn không dễ khắc phục.
Thứ nhất là thế hệ trẻ ở Đài Loan không dễ bị Trung Quốc chinh phục và không mặn mà nhiều nhặn gì với chuyện tái thống nhất giữa đảo và đại lục.
Thứ hai, Mỹ không để Trung Quốc muốn làm gì Đài Loan cũng được. Nếu không có dàn xếp ổn thoả với Mỹ, Trung Quốc không thể thu hồi được Đài Loan.
Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng lại có hẳn một bộ luật về đảm bảo an ninh cho Đài Loan.
Nhưng chuyện dàn xếp giữa Mỹ và Trung Quốc trên lý thuyết không phải không có thể xảy ra bởi đối với cả hai đối tác này cũng có thể áp vào triết lý nói trên của cổ nhân.