Trung Quốc được cho đã âm thầm đưa tên lửa hành trình diệt hạm và tên lửa đất đối không đến quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Đài CNBC hôm qua dẫn lời các nguồn tin nắm được bản báo cáo của tình báo Mỹ tiết lộ các tên lửa trong vòng 30 ngày qua đã được chuyển đến đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của VN.
Theo CNBC, tên lửa hành trình diệt hạm loại YJ-12B giúp Trung Quốc có thể tấn công tàu chiến trong phạm vi 546 km. Còn loại tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9B có thể đánh trúng các mục tiêu là máy bay, máy bay không người lái và tên lửa hành trình trong phạm vi 296 km. Các tên lửa cùng loại này trước đó cũng xuất hiện trong hình ảnh vệ tinh chụp đảo Phú Lâm bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa của VN.
Phản ứng trước thông tin này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không xác nhận nhưng ngang ngược cho rằng Bắc Kinh cần triển khai những loại vũ khí phòng thủ nhằm bảo vệ cái gọi là chủ quyền và an ninh quốc gia. Tờ The Wall Street Journal hôm 9.4 dẫn lời quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết Trung Quốc cũng đã triển khai các thiết bị gây nhiễu quân sự trên đá Chữ Thập và Vành Khăn.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc, vốn nhiều lần phản đối hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, từ chối bình luận thông tin này. Tuy nhiên, trong buổi họp báo hôm qua ở thủ đô Manila (Philippines), Đại sứ Mỹ Sung Kim khẳng định hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện ở Biển Đông và tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải nhằm “bảo vệ quyền quốc tế cho tất cả mọi người”, đồng thời phản đối hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại vùng biển này. Trước đó, trong phiên điều trần trước quốc hội Mỹ hồi tuần rồi, người đứng đầu Bộ Tư lệnh các hạm đội Mỹ Philip S.Davidson cảnh báo: “Trung Quốc đã xây dựng đủ cơ sở quân sự để kiểm soát toàn bộ Biển Đông trong nhiều hoàn cảnh, ngoại trừ xung đột trực tiếp với Mỹ”.
Không chỉ triển khai vũ khí, Trung Quốc gần đây đẩy mạnh hoạt động thăm dò tài nguyên ở Biển Đông. Cơ quan Khảo sát địa chất Trung Quốc hôm qua thông báo hai tàu lặn (có thể lặn tới độ sâu 4.500 m) đã thăm dò phía nam nước này ở Biển Đông và phát hiện băng cháy, một dấu hiệu cho thấy có nguồn khí đốt mới.
Hành vi tạo nhiều tiền lệ nguy hiểm
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên ngày 3.5, tiến sĩ Trần Thăng Long (Trường ĐH Luật TP.HCM) khẳng định việc Trung Quốc đưa tên lửa đến quần đảo Trường Sa nếu có là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và tạo ra nhiều hệ lụy nguy hiểm. Ông Long nhấn mạnh hành vi này “cho thấy bước đi tiếp theo nguy hiểm của Trung Quốc nhằm thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông, bất chấp sự quan ngại của cộng đồng quốc tế trong suốt mấy năm qua”. Cũng theo tiến sĩ Long, động thái mới “càng chứng minh sự không đáng tin trong lời nói và hành xử của Trung Quốc vốn đã tuyên bố các cơ sở ở Trường Sa chỉ được dùng cho mục đích phòng thủ”.