Một số chuyên gia cảnh báo các loại tên lửa mà có tin vừa được Trung Quốc điều tới quần đảo Trường Sa sẽ giúp Bắc Kinh tăng khả năng kiểm soát và tạo ra mối đe dọa trong khu vực.
Sáng nay 3.5, kênh CNBC dẫn một số nguồn tin tiết lộ trong 30 ngày qua, Trung Quốc đã triển khai tên lửa hành trình diệt hạm YJ-12B và hệ thống tên lửa đối không HQ-9B trên ba bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi, cả ba đều đã bị Trung Quốc bồi đắp thành các đảo nhân tạo phi pháp, trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
CNBC dẫn lời giới phân tích cảnh báo YJ-12B cho phép Trung Quốc tấn công các tàu nổi trong phạm vi cách 3 bãi đá nói trên gần 550 km còn HQ-9B có thể nhắm tới tên lửa hành trình, máy bay cũng như máy bay không người lái trong phạm vi gần 300 km. Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối bình luận về thông tin này, theo Reuters.
Trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên, Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển tại Đại học Philippines, nhận định dù Bắc Kinh biện hộ những hoạt động quân sự của mình ở Biển Đông chỉ mang tính phòng thủ, loại tên lửa Trung Quốc vừa triển khai tới Trường Sa cũng có tiềm năng tấn công, đặc biệt đối với các nước nhỏ hơn ở khu vực.
“Xét về tầm hoạt động/mức độ bao phủ, Trung Quốc có thể kiểm soát và gây tác động tới tất cả hoạt động trên biển cũng như trên không ở Biển Đông”, ông Batongbacal phân tích.
Cũng theo Giáo sư Batongbacal, vụ lắp đặt tên lửa ở Trường Sa là một bước leo thang trong quá trình quân sự hóa liên tục những đạo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp. “Thông qua việc này, Trung Quốc thật sự đang đặt không phận và vùng biển thuộc phần phía nam Biển Đông dưới sự kiểm soát quân sự của họ”, ông Batongbacal cảnh báo.
Tương tự, trả lời Thanh Niên, chuyên gia an ninh biển Collin Koh thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) cảnh báo việc Trung Quốc triển khai tên lửa tới Trường Sa là nhằm củng cố khả năng kiểm soát của nước này ở Biển Đông. Ông Koh còn cho rằng động thái mới có thể là cách Trung Quốc gia tăng yêu sách đối với ASEAN và thúc đẩy cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) theo hướng có lợi cho mình.
Từ những quan ngại trên, Giáo sư Batongbacal cho rằng các bên tranh chấp khác nên cực lực phản đối động thái triển khai tên lửa của Trung Quốc, nhanh chóng thảo luận về nguy cơ và đưa ra lập trường thống nhất về vấn đề này.