Giới chuyên gia cảnh báo Trung Quốc có thể đang biến đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thành trung tâm tình báo nhằm tăng cường khả năng kiểm soát Biển Đông.
Theo Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), Trung Quốc đã xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập hệ thống liên lạc hoặc cảm biến lớn hơn so với những thiết bị tương tự được tìm thấy trên những đảo nhân tạo phi pháp khác tại Trường Sa.
Nhận định được đưa ra sau khi so sánh hình ảnh vệ tinh và chụp từ trên không do tờ Philippine Daily Inquirer đăng tải hôm 5.2. “[Điều này cho thấy] đá Chữ Thập có thể đang bị biến thành một trung tâm liên lạc hoặc tình báo cho lực lượng Trung Quốc trong khu vực”, AMTI nhận định trong bài phân tích mới.
Đá Chữ Thập là thực thể bị Trung Quốc xây dựng phi pháp nhiều nhất tại Trường Sa hồi năm 2017, với các công trình chiếm tổng diện tích ước tính 100.000 m2, theo AMTI. Trong đó có đường băng dài 3 km và nhà chứa máy bay đủ lớn cho máy bay ném bom. Cũng theo AMTI, Bắc Kinh có thể đã hoàn tất lắp đặt hệ thống radar và liên lạc ở đây.
Trước đó, Trung Quốc ngang nhiên thông báo đã bồi đắp phi pháp 29 hecta trên Biển Đông, bao gồm các công trình phục vụ mục đích quân sự. Trong bài viết ngày 25/12/2017, tờ Hoàn cầu Thời báo, phụ san của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngang nhiên tuyên bố nước này đã tăng tốc xây dựng và tăng cường sự hiện diện quân sự trên các đảo, đá, bãi cạn ở Biển Đông.
Tờ này dẫn một báo cáo của chính quyền khẳng định trong năm 2017, các dự án xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông có tổng diện tích 29 hecta, bao gồm các cơ sở phục vụ tòa nhà chính quyền, rada, nhà kho ngầm.
Số liệu này tương đối trùng khớp với báo cáo của chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) đưa ra hồi tháng trước. AMTI dẫn hình ảnh vệ tinh để đưa ra kết luận Trung Quốc bồi đắp và xây dựng 29 hecta tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam trên Biển Đông.
Báo cáo của Trung Quốc còn ngang nhiên nhấn mạnh nước này “mở rộng hợp lý” tại các đảo trên Biển Đông để tăng cường năng lực phòng thủ quân sự. Thậm chí, Trung Quốc còn nói năng lực quốc phòng trên đảo đã được cải thiện với việc triển khai binh sĩ đồn trú.
Theo Hoàn cầu Thời báo dẫn lời chuyên gia Trần Tương Miểu tại Viện nghiên cứu Nam Hải, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động bồi đắp và xây dựng trong tương lai với sự tham gia của các tàu nạo vét.
Trong khi đó, theo giới quan sát quốc tế, hoạt động xây dựng và quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn làm suy giảm lòng tin và gây phức tạp tình hình khu vực.