Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTốc độ phát triển vũ khí của TQ thách thức Mỹ

Tốc độ phát triển vũ khí của TQ thách thức Mỹ

Những tiến bộ của Trung Quốc trong phát triển vũ khí, nhất là tên lửa không đối không cùng với sự trợ giúp từ Nga trở thành thách thức chiến lược cho Mỹ và đồng minh.

Trong vòng 1/4 thế kỷ qua, Mỹ và đồng minh thống lĩnh trên bầu trời, tham chiến với tư tưởng không quốc gia nào có thể đánh bại sức mạnh không quân của mình, nhưng giờ đây Trung Quốc và Nga đang thách thức vị thế này, chuyên gia Douglas Barrie, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định.
Các chuyên gia nhận định tốc độ phát triển công nghệ vũ khí nhanh chóng của Trung Quốc, nhất là hệ thống tên lửa không đối không phóng từ máy bay đang thay đổi cục diện đối với các lực lượng không quân phương Tây và thị trường vũ khí toàn cầu. Bên cạnh đó, Nga và Trung Quốc đẩy mạnn hiện đại hóa không quân. Đây được là thách thức về mặt chiến lược đối với Mỹ và đồng minh, theo tờ South China Morning Post.
Tên lửa không đối không
Hồi tháng 3, Không quân Mỹ đã ký kết hợp đồng trị giá 500 triệu USD nhằm cung cấp cho các đồng minh thân cận những tên lửa không đối không tầm xa của hãng Raytheon, có thể bắn trúng máy bay đối phương ở khoảng cách 160 km. Trong khi đó, châu Âu có tên lửa không đối không với tầm bắn 100 km.
Tuy nhiên, tên lửa không đối không mới nhất của Trung Quốc PL-15 có tầm bắn 300-400 km, lớn hơn cả hai loại tên lửa của Mỹ và châu Âu. Bên cạnh đó, so về mặt giá thành thì vũ khí Trung Quốc cũng có nhiều lợi thế, một tên lửa không đối không của nước này với giá 1-2 triệu USD có thể tiêu diệt một máy bay quân sự 150 triệu USD.
Tốc độ phát triển vũ khí của Trung Quốc thách thức Mỹ - ảnh 1

Chất lượng chiến đấu cơ (có thể được trang bị tên lửa không đối không tối tân) cải thiện đáng kể

Ảnh chụp màn hình Tân Hoa xã

“Ở Mỹ chúng ta đã ngơi nghỉ trong suốt 25 năm qua và có thể còn lâu hơn. Chúng ta đã lơ là trong phát triển công nghệ mới và quên rằng vị thế đứng đầu có thể bị lung lay”, ông Michael Griffin, thứ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách nghiên cứu công nghệ phát biểu tại Viện nghiên cứu Hudson ở thủ đô Washington D.C.
Ông Griffin lo ngại Trung Quốc và Nga đẩy mạnh phát triển tên lửa siêu thanh diệt tàu sân bay, trong khi Mỹ vẫn chưa đủ năng lực để truy vết và bắn hạ. Bên cạnh đó, chất lượng chiến đấu cơ nội địa của Trung Quốc cải thiện đáng kể, với nhiều phi đội được phát triển dựa trên khung sườn và động cơ do Nga cung cấp. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng cường sắm vũ khí Nga. Trong năm 2018, không quân Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục nhận 24 chiến đấu cơ Su-35 theo đơn đặt hàng với Nga, cùng lúc đưa vào hoạt động máy bay chiến đấu tàng hình nội địa J-20.
Tổ chức nghiên cứu chính sách toàn cầu Rand đánh giá Trung Quốc lần đầu tiên trong năm ngoái đã sánh bằng Mỹ về sức mạnh không quân nếu xảy ra xung đột giữa hai bên liên quan đến vấn đề Đài Loan.
Đường còn dài
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn phải mất thời gian dài mới có thể bắt kịp công nghệ của Mỹ, theo các chuyên gia, theo Rand. Công nhệ động cơ máy bay chiến đấu của Trung Quốc yếu kém và phải phụ thuộc vào Nga, cùng lúc những loại vũ khí mới đa số không được kiểm nghiệm trong môi trường tham chiến thật sự. Đội ngũ phi công Trung Quốc cũng thua xa phương Tây trong khâu huấn luyện và năng lực tham chiến.
Chẳng hạn, giới chuyên gia đánh giá chất lượng động cơ chiếc J-20 quá nghèo nàn nên dễ bị chiến đấu cơ Mỹ F-22 tìm diệt. Tuy nhiên, chiếc J-20 vẫn có thể là mối đe dọa do có thể mang theo nhiều tên lửa diệt hạm.
“Máy bay quân sự mới của Trung Quốc, kết hợp với hàng loạt tên lửa hành trình, diệt hạm, không đối không tân tiến cùng hệ thống phòng không S-400 của Nga (được quảng cáo là số 1 thế giới) là mối đe dọa đáng gờm đối với Mỹ”, chuyên gia Tim Heath thuộc tổ chức Rand, nhận định.
Tốc độ phát triển vũ khí của Trung Quốc thách thức Mỹ - ảnh 2

Trung Quốc-Pakistan đang hợp tác sản xuất chiến đấu cơ JF-17 kể từ năm 2007

AFP

Ngoài ra, Mỹ cũng như Ấn Độ phải để mắt chú ý đến động thái Nga cung cấp linh kiện vũ khí cho Trung Quốc và Bắc Kinh hỗ trợ Pakistan. Trung Quốc-Pakistan đang hợp tác sản xuất chiến đấu cơ JF-17 kể từ năm 2007 và Nga cung cấp động cơ chất lượng cao. Hồi tháng 3, truyền thông Trung Quốc loan tin JF-17 sẽ được trang bị hệ thống radar tối tân có thể phát hiện mục tiêu ở tầm xa.
Moscow được cho là có khả năng phê chuẩn cho Bắc Kinh bán lại động cơ máy bay chiến đấu của Nga cho Pakistan. Nếu chiến đấu cơ Pakistan được trang bị radar mới và tên lửa không đối không tối tân của Trung Quốc (hiện có phiên bản xuất khẩu) thì rõ ràng các phi đội già nua MiG của Ấn Độ không phải là đối thủ nếu xung đột xảy ra. Pakistan sở hữu trên 100 chiếc JF-17 và sản xuất 25 chiếc mỗi năm.
 
Theo South China Morning Post, Trung Quốc đã thay đổi vị thế truyền thống là bán vũ khí cỡ nhỏ giá rẻ cho quốc gia nghèo sang nhà cung cấp vũ khí đứng hàng thứ 3 thế giới nếu tính về số lượng xuất khẩu. Trung Quốc sẵn sàng bán máy bay không người lái (UAV) quân sự cho Ả Rập Xê Út, Iraq và các quốc gia khác bị Mỹ từ chối bán UAV Reaper. Một số tên lửa Trung Quốc sản xuất với sự hỗ trợ của Nga cũng được đánh giá có chất lượng và giá cả phù hợp trên thị trường vũ khí toàn cầu.
Trong năm 2017, chi tiêu ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng 5,6%, trong khi Nga giảm 20%, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Cụ thể, Trung Quốc chi 228 tỉ USD trong năm 2017 và Nga là 66,3 tỉ USD, SIPRI cho hay. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc cao gấp gần 3 lần so với Nga, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ là 610 tỉ USD.
RELATED ARTICLES

Tin mới