Saturday, December 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, Donald Trump "tạt gáo...

Hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, Donald Trump “tạt gáo nước lạnh” vào 5 cường quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (08/05) cuối cùng cũng đã “xé toạc” thỏa thuận hạt nhân từng được các cường quốc Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc miêu tả là bước đột phá mang tính lịch sử và cũng được coi là di sản của chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Ông Trump đã thẳng thừng phá đổ di sản của người tiền nhiệm Obama, tạt gáo nước lạnh vào 5 cường quốc bằng hành động hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, miêu tả đó là thỏa thuận “thảm họa” và “gây xấu hổ”.

Tổng thống Trump phát biểu, Mỹ hiện không có “bằng chứng chắc chắn” về việc Iran đang nói dối về hoạt động theo đuổi vũ khí hạt nhân của nước này khi Nhà nước Hồi giáo ký vào thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Ông chủ Nhà Trắng đã đe dọa rằng giới lãnh đạo Tehran sẽ phải “chịu thêm những trận đau đầu” nếu nối lại các hoạt động theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.

“Nếu chính quyền Iran tiếp tục theo đuổi tham vọng hạt nhân, họ sẽ phải đối mặt với những vấn đề lớn hơn mà họ chưa từng vấp phải trước đây”, Tổng thống Mỹ cảnh báo. “Đối với tôi, có một thực tế rất rõ ràng là chúng ta không thể ngăn cản một quả bom hạt nhân của Iran bằng một định chế mục ruỗng và thối nát của thỏa thuận hiện nay”, ông Trump đã nói gay gắt như vậy về thỏa thuận hạt nhân Iran trong thông báo hủy bỏ ngày hôm qua.

“Thỏa thuận hạt nhân Iran là thỏa thuận khiếm khuyết từ cốt lõi bên trong. Nếu chúng ta không làm gì, chúng ta biết chính xác điều gì sẽ xảy ra: Chỉ trong một thời gian ngắn, quốc gia hàng đầu trong việc tài trợ cho khủng bố sẽ sớm có được những vũ khí nguy hiểm nhất thế giới”, ông Trump tuyên bố.

Ngay khi còn đang tranh cử, ông Trump đã phản đối kịch liệt thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với 6 cường quốc. Ông Trump từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng, ông này sẽ xé nát thỏa thuận hạt nhân mà 6 cường quốc ký với Iran năm 2015, miêu tả đó là “thảm họa”, là “thỏa thuận tồi tệ nhất từng được đàm phán từ trước đến nay”. Ông Trump nhấn mạnh, “ưu tiên số 1” của ông khi lên cầm quyền là hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran. Và hôm qua, ông chủ Nhà Trắng đã thực hiện lời cam kết mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử và khi lên cầm quyền.

Quan hệ giữa Mỹ và Iran trở nên căng thẳng cao độ sau khi Iran tiến hành thử tên lửa đạn đạo hồi đầu năm ngoái. Mỹ đã tuyên bố đặt Iran vào “tầm ngắm” đồng thời nhanh chóng tung ra các biện pháp trừng phạt nước Cộng hòa Hồi giáo. Tổng thống Trump từng cảnh báo: “Iran đang đùa với lửa. Họ không trân trọng việc Tổng thống Obama đã tử tế với họ như vậy. Tôi thì không”. Tehran cũng phản ứng lại một cách cứng rắn không kém. Giới chức Iran liên tục cảnh báo sẽ “đáp trả Mỹ một cách thích đáng”.

Bước đi mới nhất của ông Trump chắc chắn sẽ khiến cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran leo thang nhanh chóng.

Phản ứng của ông Obama và các cường quốc trước động thái gây sốc của ông Trump

Lập trường của ông Trump đối với thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa 6 cường quốc gồm Nga, Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Trung Quốc với Iran từ lâu đã gây lo ngại không chỉ với Nga và Trung Quốc mà ngay cả với các đồng minh thân thiết của Mỹ.

Các nước G7 trong hội nghị gần đây đã bày tỏ quan ngại về viễn cảnh Tổng thống Trump “xé bỏ” thỏa thuận hạt nhân mang tính đột phá mà các cường quốc ký được với Iran hồi năm 2015. Các đồng minh phương Tây của ông Trump vẫn tin rằng, việc thực hiện thỏa thuận mà họ ký với Iran là cách tốt nhất để ngăn chặn Tehran tiếp tục theo đuổi năng lực chế tạo bom nguyên tử. Giới chức phương Tây trong thời gian qua đã ra sức kêu gọi Mỹ duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran để tránh làm cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran bùng phát căng thẳng trở lại.

Tuy nhiên, chính quyền của ông Trump đã không thay đổi lập trường. Quyết định được đưa ra ngày hôm qua của ông Trump nhanh chóng vấp phải phản ứng của các đồng minh cũng Mỹ cũng như của cựu Tổng thống Obama.

Ông Obama và cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump là sai lầm và không cần thiết. Theo lời ông Obama, việc hủy bỏ thỏa thuận sẽ khiến Mỹ “quay lưng lại với các đồng minh thân thiết nhất và quay lưng lại với một thỏa thuận do các nhà ngoại giao, khoa học và tình báo hàng đầu của Mỹ tham gia đàm phán”.

“Trong một nền dân chủ, sẽ luôn có sự thay đổi về chính sách và những ưu tiên từ chính quyền này đến chính quyền tiếp theo. Tuy nhiên, việc liên tiếp hủy bỏ các thỏa thuận mà đất nước chúng ta đã tham gia ký kết có nguy cơ làm xói mòn uy tín của nước Mỹ và đặt chúng ta vào tình trạng đối đầu với các cường quốc lớn khác của thế giới”, ông Obama nhấn mạnh thêm.

Cựu Tổng thống Obama cũng thận trọng cho biết, thỏa thuận hạt nhân năm 2015 “chưa bao giờ có ý định giải quyết tất cả các vấn đề với Iran. Chúng tôi biết rất rõ Iran đang thực hiện những hành động gây bất ổn, trong đó có việc tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, và đe dọa Israel cũng như các nước láng giềng. Nhưng đó là lý do chính xác tại sao việc ngăn cản Iran có được vũ khí hạt nhân là rất quan trọng”.

Lãnh đạo của ba cường quốc đồng minh Châu Âu thân thiết nhất của Mỹ là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May hôm qua đã ra tuyên bố chung yêu cầu Mỹ không được làm gì để ngăn cản họ tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran mà không cần có sự tham dự của Washington.

Phía Nga thì thẳng thừng bày tỏ “sự thất vọng sâu sắc” trước quyết định của Mỹ trong việc rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, hành động của Mỹ “vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Mỹ một lần nữa đi ngược lại với lập trường của hầu hết các nước trong khi một mình theo đuổi những lợi ích hẹp hòi, ích kỷ và chốc lát”.

RELATED ARTICLES

Tin mới