Tuesday, November 19, 2024
Trang chủBiển nóngTiêm kích Su-35 TQ "lượn" sang Nga: Nâng cao mức độ nguy...

Tiêm kích Su-35 TQ “lượn” sang Nga: Nâng cao mức độ nguy hiểm

Một chiếc tiêm kích Su-35 (số hiệu chiến đấu 61271) của Không quân Trung Quốc đã bị các thợ săn “tóm sống” khi nó xuất hiện ở khu vực Novosibirsk, Nga.

Tiêm kích Su-35 cùng máy bay ném bom H-6K của Không quân Trung Quốc thực hành huấn luyện tuần tra trên biển xa.

Hôm 11/05 vừa qua, một thợ săn ảnh quân sự đã tung loạt ảnh có độ phân giải cao về sự xuất hiện của một chiếc tiêm kích Su-35 của Không quân Trung Quốc ở sân bay Tolmachevo, Novosibirsk, Nga.

Chiếc tiêm kích Su-35 (có số hiệu chiến đấu trên thân 61271) này đã được Nga bàn giao cho Trung Quốc vào năm 2017 và nó được cho là đang trên đường tới Viện nghiên cứu bay mang tên M.M. Gromov ở Zhukovsky ngoại ô Thủ Đô Moscow, Nga.

Dọc đường bay, chiếc Su-35 này có chặng dừng chân ở Novosibirsk nơi bị thợ săn ảnh “chộp” được. Dự kiến ngày mai 14/05, nó tiếp tục thực hiện một chuyến bay dài từ sân bay Tolmachevo tới Zhukovsky, Moscow.

Có ý kiến cho rằng dường như chiếc Su-35 này “lượn” sang Nga nhằm tham gia chương trình huấn luyện bay đề cao cho các phi công của Không quân Trung Quốc dưới sự hướng dẫn của các giáo viên bay đẳng cấp người Nga ở Viện nghiên cứu bay mang tên M.M. Gromov.

Tính tới thời điểm này, Trung Quốc đã nhận được 14 trong tổng số 24 tiêm kích Su-35 hiện đại trong hợp đồng ký tháng 11.2015 với Công ty xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport (Nga).

4 chiếc Su-35 đầu tiên trong hợp đồng này đã được sản xuất tại Nhà máy mang tên Yu. Gagarin thuộc Liên hợp chế tạo máy bay Komsomolsk-on-Amur và bàn giao cho Trung Quốc vào ngày 25/12/2016, 5 chiếc tiếp theo được bàn giao vào ngày 03/07/2017 và loạt gần nhất gồm 5 chiếc đã được Trung Quốc tiếp nhận hôm 30/11/2017.

Được biết, hiện nay các máy bay tiêm kích Su-35 Trung Quốc được biên chế cho Lữ đoàn không quân số 6 (trước đây là Trung đoàn không quân số 6, thuộc Sư đoàn không quân số 2) đồn trú tại sân bay Suizi gần Trạm Giang (tỉnh Quảng Đông). Đơn vị này trước đó được trang bị tiêm kích Su-27SK cũng do Nga sản xuất.

Mặc dù tiếp nhận Su-35 đã hơn 1 năm, tuy nhiên quá trình huấn luyện làm chủ dòng tiêm kích mới, hiện đại này của Trung Quốc sẽ còn phải tiếp tục trong một thời gian dài nữa, trước khi khai thác hết được tình năng kỹ chiến thuật của chúng.

Vì thế, để rút ngắn thời gian, nâng cao trình độ của phi công, Không quân Trung Quốc cần phải có sự hỗ trợ của Nga và vì thế, chiếc tiêm kích Su-35 số hiệu 61271 đã tới Nga làm phương tiện huấn luyện dưới sự hướng dẫn của các giáo viên bay cừ khôi của Nga tại Viện nghiên cứu bay mang tên M.M. Gromov.

Một khi hoàn thành khóa học, các phi công Su-35 Trung Quốc sẽ trở nên nguy hiểm hơn khi họ tiếp nhận được các kỹ năng mới mà chỉ những phi công giỏi của Nga mới thực hiện được. Tất nhiên, người Nga vẫn phải “giữ miếng” nên sẽ không truyền thụ hết toàn bộ các tuyệt chiêu cho người Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới