Tuesday, November 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiMỹ-Triều "qua mặt" nhóm họp, kịch bản quá xấu cho TQ?

Mỹ-Triều “qua mặt” nhóm họp, kịch bản quá xấu cho TQ?

Theo giới phân tích, Trung Quốc sẽ mất đi quyền phát ngôn tại bán đảo Triều Tiên khi Bình Nhưỡng có ý đồ gạt nước này ra bên lề và đây là kịch bản rất xấu cho Bắc Kinh.

Hai ông Kim-Tập hội đàm tại Đại Liên vừa qua. Ảnh: KCNA

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đáp máy bay tới thành phố Đại Liên tỉnh Liêu Ninh, tiến hành gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần thứ hai trong hai ngày 7/5 – 8/5/2018.

Trong cuộc gặp gỡ này, hai bên khẳng định nhận thức chung mà hai nước đạt được trong chuyến thăm không chính thức lần trước (25/3 – 28/3/2018) tại Bắc Kinh, xác nhận duy trì tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước, đồng thời đi sâu trao đổi về những diễn biến tình bán đảo Triều Tiên.

“Tình hữu nghị giữa hai nước và tình hình bán đảo Triều Tiên giành được tiến triển có ý nghĩa đều do công lao của cuộc gặp gỡ mang tính lịch sử lần trước”, ông Kim Jong Un đồng thời khẳng định hiện nay là thời kỳ then chốt của sự phát triển nhanh chóng ở khu vực này.

Vì sao hai bên gặp gỡ liên tiếp hai lần trong thời gian chưa đầy 2 tháng?

Hơn 40 ngày – 2 lần gặp mặt

Giới phân tích cho rằng, mục đích tới Trung Quốc lần này của ông Kim là nhằm thông báo tình hình bán đảo và cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Triều – Mỹ sắp tới với Trung Quốc, hy vọng cùng phía Trung Quốc tăng cường hiểu biết và hợp tác chiến lược, thúc đẩy quan hệ hữu nghị Triều – Trung đi vào chiều sâu.

Đa chiều (Mỹ) cho rằng hai chuyến thăm Trung Quốc của Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã làm thay đổi tình trạng căng thẳng hai nước Triều – Trung 6 năm qua, đưa quan hệ hai nước trở lại mối quan hệ đặc biệt mang tính “đồng minh được xây dựng bằng máu” như trước đây.

Theo tờ này, trong bối cảnh quan hệ hai nước ấm lên, hai bên chẳng những tiến hành gặp gỡ thượng đỉnh mà các quan chức Trung Quốc như Trưởng ban đối ngoại trung ương Tống Đào, Ngoại trưởng Vương Nghị đã lần lượt thăm Triều Tiên và được đón tiếp trọng thị.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đích thân tới bệnh viện thăm hỏi những nạn nhân Trung Quốc bị tai nạn giao thông ở Triều Tiên và tiễn đưa xe chở thi hài những nạn nhân Trung Quốc bị thiệt mạng trong tai nạn giao thông về Trung Quốc. Điều này cho thấy phía Triều Tiên thừa nhận vai trò chính trị và địa vị “ông anh cả” của Trung Quốc.

Hai cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Triều – Trung vừa qua đã xua tan những hoài nghi của dư luận các nước về việc “Trung Quốc bị gạt ra rìa” trên bán đảo Triều Tiên. Ngay Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đánh giá tích cực về gặp gỡ thượng đỉnh Trung – Triều vừa qua, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của Trung Quốc.

Ông Trump nói: “ Mỹ đánh giá rất cao về lập trường của Trung Quốc ở bán đảo Triều Tiên, mong muốn cùng Trung Quốc tăng cường hiểu biết và phối hợp với nhau, cùng thúc đẩy thông qua đàm phán hiệp thương giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên.”

Bị “ra rìa” – kịch bản xấu cho Trung Quốc

Kể từ khi phía Triều Tiên tuyên bố cùng Hàn Quốc tổ chức thành một đoàn chung tham gia Olympic mùa đông tại PyeongChang tháng 2 năm 2018, tiếp đó tuyên bố gặp gỡ thượng đỉnh liên Triều và Triều – Mỹ được cho không tham khảo trước ý kiến của Trung Quốc, thì phía Trung Quốc tỏ ra rất lo ngại mình bị “gạt ra rìa” trong bố cục chiến lược bán đảo Triều Tiên.

Khi đó Giáo sư Thời Ân Hồng thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng, nếu Triều Tiên và Mỹ đạt được thỏa hiệp, trong đó Triều Tiên hợp tác với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc, đây là kịch bản xấu đối với Trung Quốc. Một giáo sư khác thuộc Viện nghiên cứu Trung Quốc ở Seoul lại cho rằng hiện nay hai nước Triều – Trung không có độ tin cậy lẫn nhau và sự thay đổi chính sách ngoại giao của Kim Jong Un đã đẩy Bắc Kinh ra ngoài lề.

Giáo sư Trương Liên Khôi thuộc Trường đảng trung ương Trung Quốc nói, Triều Tiên có ý đồ gạt Trung Quốc ra ngoài bán đảo Triều Tiên, nếu vậy Trung Quốc sẽ mất đi quyền phát ngôn tại bán đảo Triều Tiên. Nếu Trung Quốc tham gia vào đối thoại Mỹ – Triều thì có thể làm thay đổi ý định của Triều Tiền định “lợi dụng tâm lý đối kháng Mỹ – Trung để giành lấy những điều kiện có lợi cho mình”.

Tờ Tokyo Shimbun ngày 15/3/2018 bình luận, việc Mỹ và Triều Tiên qua mặt Trung Quốc tiến hành gặp gỡ thượng đỉnh nằm ngoài dự kiến của Trung Quốc. Đây là một kịch bản rất xấu đối với Trung Quốc.

Học giả Alexander Zhebin (Nga) cho rằng, “Trung Quốc quyết không để Triều Tiên bắt tay Mỹ kiềm chế Trung Quốc. Bởi vậy, trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Kim Jong Un, phía Bắc Kinh muốn có được những thông tin đầu tiên là rốt cuộc ông Kim Jong Un thỏa thuận gì với Mỹ”.

“Phải biết rằng một khi người bạn đã quên đi anh thì rất có khả năng anh ta sẽ tìm cách thỏa hiệp với kẻ địch. Bởi vậy, trong chuyến thăm tháng 3/2018, phía Trung Quốc muốn Bình Nhưỡng biết rõ rằng Trung Quốc vẫn là bạn của Triều Tiên và muốn ngăn chặn Triều Tiên khi gặp khó khăn thì liên hợp với Mỹ, nhất là Triều Tiên lại là nước sở hữu vũ khí hạt nhân”, ông Zhebin viết.

Trong quá khứ, năm 2008 Triều Tiên đã phụ thuộc vào Trung Quốc tới 73% về kinh tế, sau khi bị Liên Hợp Quốc trừng phạt thì về thương mại đã phụ thuộc với 90%. Một khi quan hệ thân thiết được nối lại thì đương nhiên viện trợ của Trung Quốc cho Triều Tiên sẽ tăng lên gấp bội, góp phần giải quyết được những khó khăn kinh tế của Triều Tiên sau nhiều năm bị quốc tế trừng phạt.

Phía Triều Tiên cũng biết rất rõ rằng, về thế và lực Bình Nhưỡng không thể ngang bằng với Mỹ và Hàn Quốc, vì vậy phải có chỗ dựa là Trung Quốc làm hậu thuẫn cho gặp gỡ thượng đỉnh để tiếng nói của Triều Tiên nặng ký hơn, đồng thời cũng là một sức ép thúc đẩy Mỹ thực hiện những cam kết sau khi đạt được trong gặp gỡ thượng đỉnh. Bởi vậy, việc nối lại quan hệ thân thiết với Trung Quốc là sự đảm bảo cho thỏa thuận đạt được trong gặp gỡ thượng đỉnh Triều – Mỹ thời gian tới..

Cho dù sau này Trung Quốc trở thành một đối tác bình thường như những nước khác trong quan hệ với Triều Tiên, thì điều này, Trung Quốc vẫn cảm thấy dễ chịu hơn là ở bên cạnh một nước láng giềng có quan hệ không tốt sở hữu hạt nhân nhưng giống như con ngựa bất kham. Nếu quan hệ thân thiết được nối lại là điều Trung Quốc đang mong muốn vì nó đảm bảo quyền phát ngôn cũng như lợi ích của Trung Quốc ở bán đảo Triều Tiên.

RELATED ARTICLES

Tin mới