Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “khai tử” toàn bộ di sản ngoại giao quan trọng nhất của tổng thống tiền nhiệm đã từng được dư luận Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế công nhận, gồm: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; bình thường hóa với Cuba; chương trình bảo hiểm y tế Obamacare và Thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran.
Ông Donald Trump đã đảo ngược hàng loạt chính sách của người tiền nhiệm Obama
Ngày 8/5/2018, bất chấp sự phản đối của các đồng minh và đối tác cũng như nhiều nhân vật trong chính giới Mỹ, Tổng thống Donald Trump chính thức tuyên bố đưa Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân do Nhóm P5+1 gồm 5 thành viên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và Đức ký với Iran vào năm 2015.
Với quyết định này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “khai tử” toàn bộ di sản ngoại giao quan trọng nhất của tổng thống tiền nhiệm đã từng được dư luận Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế công nhận, gồm: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; quá trình bình thường hóa với Cuba; chương trình bảo hiểm y tế Obamacare và Thỏa thuận hạt nhân lịch sử của Nhóm P5+1 với Iran.
Một câu hỏi rất tự nhiên cần được đặt ra ở đây là do đâu ông Donald Trump lại hành động một cách lạ lùng như vậy? Quan sát toàn bộ hoạt động của Tổng thống Donald Trump trong hơn một năm cầm quyền vừa qua có thể nhận thấy có nhiều lý do dẫn tới những quyết sách kỳ lạ của ông.
Lý do thứ nhất: ông Donald Trump tự cho mình là tổng thống vĩ đại nhất nhì trong lịch sử Mỹ, chỉ đứng sau Abraham Lincoln.
Ông Donald Trump tự đánh giá mình là tổng thống vĩ đại hàng đầu trong lịch sử Hoa Kỳ, chỉ đứng ở vị trí số 2 sau Tổng thống Mỹ huyền thoại Abraham Lincoln. Ông Donald Trump còn tự đánh giá mình là một “thiên tài ổn định” xét cả về tâm lý, sức khỏe và sự thông tuệ. Vì thế, Donald Trump tuyên bố sẽ xóa bỏ toàn bộ di sản của Barack Obama bởi ông coi di sản ấy của người tiền nhiệm là “những thứ phải bỏ đi”, chứ không phải là “thành tựu” gì hết. Đặc biệt, để chứng tỏ mình là người “thiên tài”, bất chấp sự phản đối của tuyệt đại đa số các nước trên thế giới là thành viên của LHQ, Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Lý do thứ hai: thực hiện tư tưởng học thuyết “nước Mỹ trên hết”.
Tư tưởng của học thuyết “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump thể hiện rất rõ trong quyết định của ông đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran.
Vì “nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Donald Trump quyết định đưa Mỹ trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt số 1 thế giới. Để thực hiện mục đích đó, trước hết ông Donald Trump phải để các quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới nằm trong tầm kiểm soát của Mỹ, trong đó Iran là mục tiêu hàng đầu và trọng điểm. Vì thế, Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố rằng ông muốn thay đổi thể chế cầm quyền ở Teheran.
Vừa qua, Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm John Bolton-người đã từng đóng vai trò quyết định trong việc tạo dựng “kịch bản vũ khí hóa học của Iraq” và cuộc chiến tiêu diệt Tổng thống Iraq Saddam Hussein năm 2003 và nay chủ trương “tuyên chiến với Iran”, giữ cương vị Cố vấn an ninh quốc gia. Vì thế, không phải ngẫu nhiên Tổng thống Donald Trump đưa ra tuyên bố về quyết định đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran chỉ vài ngày sau khi chính thức bổ nhiệm ông John Bolton là Cố vấn an ninh quốc gia.
Quyết định của Tổng thống Donald Trump đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran và tiếp tục áp đặt các biện pháp cấm vận ngặt nghèo nhất nhằm vào Teheran còn là để đánh vào các đối thủ cạnh tranh hàng đầu thế giới là Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) là những quốc gia có lợi ích chiến lược rất quan trọng ở Iran. Chính vì thế, ba nước lớn hàng đầu ở châu Âu là Pháp, Đức, Anh cũng như Trung Quốc và Nga đều phản đối quyết định vừa qua của ông Donald Trump. Những nước này tuyên bố sẽ ký kết một thỏa thuận mới với Iran mà không có Mỹ, tương tự như 11 nước đã từng ký thỏa thuận đối tác xuyên Thái Bình Dương mới sau khi Tổng thống Donald Trump đưa Mỹ rút khỏi TPP. Federica Mogherini-Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU tuyên bố liên minh này sẽ “quyết tâm bảo toàn” thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời kêu gọi các bên ở lại thỏa thuận này.
Lý do thứ ba: bảo vệ lợi ích của Israel-đồng minh số 1 của Mỹ trong việc thực hiện chiến lược mới của Donald Trump ở Trung Đông.
Theo giới phân tích, các cuộc bầu cử ở Mỹ cũng đồng thời là cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của người Do Thái ở quốc gia này, trong đó có nhiều nhà tài phiệt có ảnh hưởng rất lớn có thể làm chao đảo chính trường Mỹ. Do đó, ứng cử viên nào nhận được sự ủng hộ của người Do Thái sẽ có nhiều cơ hội trúng cử. Trong khi đó, ứng cử viên Donald Trump nhận được sự ủng hộ rất lớn của các cứ tri cũng như các nhà tài phiệt người Do Thái. Do đó, trong chiến dịch tranh cử, ứng cử viên Donald Trump đồng quan điểm với Israel khi ông đưa ra tuyên bố rằng Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran là một “thỏa thuận rất tồi tệ” và “cần thay đổi hoặc xóa bỏ nó”. Đối với cá nhân ông Donald Trump, việc ủng hộ Israel còn một lý do khác: cô con gái đáng yêu nhất của ông, cô Ivanka, là một người đã cải đạo thành người Do Thái chính thống trước khi kết hôn với chồng Jared Kushner là người dốc Do Thái. Vì thế, người Do Thái biết rằng, Donald Trump bí mật đứng về phía họ, ủng hộ họ.
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama ký quyết định tham gia Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran vào năm 2015, Israel là quốc gia đầu tiên kịch liệt phản đối thỏa thuận này bởi Iran bị chính quyền Tel-Aviv coi là “kẻ thù không đội trời chung”. Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại coi Israel là đồng minh số 1 của Mỹ trong việc thực hiện chiến lược mới của ông ở Trung Đông là kiểm soát tài nguyên dầu mỏ và khí đốt của khu vực này. Vì thế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump bất chấp sự phản đối của tuyệt đại đa số các nước trên thế giới, đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Cũng chính vì thế, chỉ ít ngày trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra quyết định cuối cùng rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran, ngày 30/4/2018 Israel cho công bố tập hồ sơ được cho là tuyệt mật chứng tỏ Iran che giấu hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân. Ngay lập tức, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ủng hộ tuyên bố đó của Israel.
Trước đây, trong chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài sau khi nhậm chức tới Arab Saudi, Israel và Vatican trong tháng 5/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố thành lập “NATO của các nước Arab”. Nếu NATO ở châu Âu nhằm đối đầu với Nga, thì “NATO của các nước Arab” nhằm mục đích chống phá Iran. Vì thế, tháng 8/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump phê duyệt Đạo luật HR-3364, trong đó xác định rõ Iran là “quốc gia xâm lược” và là “quốc gia tài trợ khủng bố”. Theo Đạo luật HR-3364, Washington sẽ áp đặt các biện pháp cấm vận toàn diện và ngặt nghèo nhất nhằm vào Iran ngay cả khi Mỹ chưa rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran.
Vì vậy, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “khai tử” Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran, Israel tuyên bố sẽ tấn công các mục tiêu của Iran trên lãnh thổ Syria.
Không phải vì “nước Mỹ trên hết”?
Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố về quyết định đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran, nguyên Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Hillary Clinton cảnh báo trên twitter rằng quyết định này của ông Donald Trump là một “sai lầm lớn”, có tác dụng hủy hoại uy tín của nước Mỹ trước cộng đồng quốc tế và làm thiệt hại nền an ninh quốc gia của Mỹ. Theo bà Hillary Clinton, quyết định này sẽ gây khó khăn cho nước Mỹ trong các cuộc đàm phán với các đồng minh về các biện pháp cấm vận mới chống Iran cũng như trong việc hóa giải các nguy cơ khác đối với nước Mỹ.
Nguyên Tổng thống Mỹ Barack Obama ủng hộ quan điểm của bà Hillary Clinton. Ông coi quyết định của Tổng thống Donald Trump đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran sẽ khiến các đồng minh quay lưng lại với Hoa Kỳ, làm băng hoại niềm tin vào nước Mỹ và đưa Mỹ đối đầu với các cường quốc thế giới. Nguyên Bộ trưởng ngoại giao Mỹ John Kerry cũng nhận định, quyết định của Tổng thống Donald Trump đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran sẽ cô lập Mỹ đối với các đồng minh và đẩy Israel tới trước những rủi ro và thách thức mới.