Thursday, November 28, 2024
Trang chủĐàm luậnCuộc gặp Trump-Kim: TQ hy vọng cao nhất và mong đợi thấp...

Cuộc gặp Trump-Kim: TQ hy vọng cao nhất và mong đợi thấp nhất

Tại cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sắp tới, Trung Quốc có hy vọng cao nhất và mong đợi thấp nhất. Hy vọng cao nhất là Mỹ-Triều đạt được một thời gian biểu và lộ trình phi hạt nhân hóa bán đảo đáng tin cậy và có thể thực hiện được. Mong đợi thấp nhất là hội đàm không thất bại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố: ngày 12/6 ông sẽ hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore. Singapore cũng đã xác nhận sẽ tổ chức cuộc hội đàm, nhưng không công bố thêm bất cứ chi tiết nào. Trongkhi đó Triều Tiên vẫn chưa đưa ra bất cứ thông tin nào sau tuyên bố của ông Trump.
Về cuộc gặp lịch sử này, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc hôm 11/5 có bài phân tích 5 lý do Trump-Kim chọn Singapore làm địa điểm gặp nhau.

Theo chuyên gia Viện Nghiên cứu các Vấn đề Quốc tế Trung Quốc Dương Hy Vũ: Trước hết, đó là sự xem xét về mặt chính trị. Singapore là địa điểm của bên thứ ba mà hai bên Mỹ-Triều Tiên đều có thể chấp nhận. Mỹ coi Singapore là một “quốc gia trung lập”. Trong lịch sử nước này là đồng minh của Mỹ và hiện nay có quan hệ khăng khít với Mỹ về chính trị, quân sự. Còn đối với Triều Tiên, Singapore cũng là địa điểm phù hợp với nước này. Trong mấy năm qua hai nước không có quan hệ xấu, cũng không có xung đột với nhau.

Hai là, sự cân nhắc mang tính kỹ thuật. Triều Tiên hiện có Đại sứ quán tại 47 nơi trên toàn cầu, Singapore là một trong những nước có Đại sứ quán của Triều Tiên. Một yêu cầu quan trọng là cuộc họp lãnh đạo cấp cao nhất của hai quốc gia phải được hỗ trợ về kỹ thuật của Đại sứ quán nhằm thực hiện các bảo đảm về an ninh, hậu cần và thông tin liên lạc. Đáng lưu ý là phải có đường điện báo bảo mật thông suốt, đủ khả năng truyền thông tin nhanh nhất, an toàn nhất về nước mình.

Ba là, về những điều kiện thực tế. Singapore là quốc gia châu Á, cách Bình Nhưỡng tuy không gần nhưng cũng không quá xa, giao thông khá thuận lợi. Singapore là một thành phố hiện đại, có các trang thiết bị và điều kiện rất hoàn thiện để họp các hội nghị quốc tế có thể đáp ứng nhu cầu của các bên. Các chuyên gia đã tính toán, chuyên cơ hiện dùng của nhà lãnh đạo Triều Tiên đủ sức bay thẳng đến đích mà không cần đỗ lại giữa đường để tiếp nhiên liệu, vì Singapore chỉ cách Bình Nhưỡng chưa đầy 5000 km,

Bốn là, một số điểm cân nhắc về vấn đề ngoại giao.Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng nhiệt tình đề nghị Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều họp tại phía Hàn Quốc. Địa điểm cụ thể sẽ ở Bản Môn Điếm và một số hoạt động có thể bố trí ở phía Bắc giới tuyến. Ông Moon cũng từng nêu kiến nghị này với Kim Jong Un. Tuy nhiên Tổng thống Mỹ D. Trump cân nhắc vấn đề nặng về chính trị hơn: giả thử một số hoạt động của Tổng thống Mỹ được bố trí tiến hành ở phía Triều Tiên của Bàn Môn Điếm thì giới phân tích có thể suy diễn: chưa đàm phán mà Mỹ đã nhượng bộ (!). Đó là lí do Mỹ muốn chọn địa điểm của nước thứ ba. Một chuyên gia khác cho rằng, việc chọn địa điểm hội đàm đã là hiệp thứ nhất của cuộc chơi Mỹ-Triều. Nhìn tổng thể, trong hiệp đấu thứ nhất này, Mỹ đã giành được ưu thế nửa ván cờ.

Cuối cùng, một lí do đáng lưu ý: “chí khí hào hùng” của Singapore. Năm 2015 các nhà lãnh đạo hai bờ eo biển Đài Loan Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu từng chọn Singapore làm nơi tiến hành cuộc gặp lịch sử. Bản thân Singapore cũng rất muốn được đóng vai trò chủ nhà. Hơn nữa, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều là sự kiện quốc tế trọng đại. Sự kiện đặc biệt này được cả thế giới quan tâm. Chọn Singapore làm nơi họp chắc chắn là sự kiện lớn nâng cao địa vị quốc tế của Singapore.

Tuy hội đàm Mỹ-Triều còn gần một tháng nữa mới diễn ra nhưng show diễn chính trị của ông Trump đã bắt đầu. Bởi thế, ông Kim Jong Un cần có dũng khí và tự tin khi “mang chuông đi đấm nước người”. Chắc hẳn xứ sở tên lửa hạt nhân sẽ chấp nhận và nghiêm túc tuân thủ luật quốc tế.

Phía Mỹ đã giành thế chủ động và coi như “thắng hiệp đầu”. Tuy nhiên đến khi Trump-Kim gặp nhau bắt tay thì Tổng thống Mỹ rất khó có đường lui. Giả sử D.Trump đi Singapore mà không đem về kết quả gì, thậm chí có thể bị Triều Tiên “làm xiếc” mà phải bỏ hội đàm, thì đó sẽ là một tai nạn chính trị đối với D.Trump.

RELATED ARTICLES

Tin mới