Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ sử dụng ngoại giao để bẫy nợ các nước nghèo

TQ sử dụng ngoại giao để bẫy nợ các nước nghèo

Báo cáo của hai học giả Đại học Havard nêu tên 16 nước bị Trung Quốc nhằm vào bằng chính sách ngoại giao bẫy nợ.

 

Một báo cáo độc lập do hai học giả của Đại học Havard là Sam Parker và Gabrielle Chefitz  soạn thảo đã được gửi lên Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó nói rõ chính phủ Trung Quốc đang sử dụng các khoản nợ hàng tỷ đô la để mở rộng ảnh hưởng chính trị nhiều nước nước trên khắp châu Á và Thái Bình Dương.

Báo cáo nêu tên 16 nước bị Trung Quốc nhằm vào bằng chính sách ngoại giao bẫy nợ, trong đó Pakistan, Djibouti và Sri Lanka được xác định là những nước dễ bị tổn thương nhất.

Theo báo cáo, trong một số trường hợp, các khoản nợ lớn đến mức quá khả năng trả, từ đó giúp Bắc Kinh dùng những khoản nợ này để giành được các tài sản chiến lược hoặc ảnh hưởng chính trị ở các nước vay nợ họ.

Chính sách này giúp chính phủ Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên khắp Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, bao vây Ấn Độ và Úc cũng như giúp củng cố vị trí của họ trên Biển Đông, báo cáo viết.

Báo cáo nói trên cũng chỉ rõ, có nhiều cách để Bắc Kinh và các doanh nghiệp nhà nước của nước này cho vay nợ nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược của Trung Quốc.

Chẳng hạn, cơ sở hạ tầng làm bằng tiền vay Trung Quốc bị Trung Quốc thuê lại nhằm thanh toán khoản vay ban đầu.

Năm 2017, một cảng biển không sinh lời của Sri Lanka được xây bằng khoản vay hàng tỷ USD từ Trung Quốc đã được chính phủ nước này cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thuê trong 99 năm để giúp trả khoản nợ của đất nước.

Theo học giả Sam Parker, đồng tác giả báo cáo, có nhiều lo ngại rằng những cảng biển như vậy sẽ bị sử dụng để phục vụ các tàu hải quân Trung Quốc sau khi đã bị các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc kiểm soát.

“Hoàn toàn có khả năng những cảng đó sẽ chuyển từ hoạt động thương mại sang đón các tàu hải quân thỉnh thoảng viếng thăm, sau đó đến các hoạt động hỗ trợ nhân đạo rồi cuối cùng có thể trở thành một căn cứ quân sự”, ông Parker nói.

Ở Thái Bình Dương, các quốc gia như Vanuatu, Papua New Guinea và Tonga (vây quanh Úc và New Zealand) đều nợ chính phủ Trung Quốc hàng tỷ đô la.

Còn bà Gabrielle Chefitz, đồng tác giả báo cáo, nói rằng Bắc Kinh sử dụng các dự án hạ tầng trên Biển Đông để phá vỡ bất kỳ sự phản đối nào đối với tham vọng của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp này.

Nhiều khoản nợ được Trung Quốc cấp dưới sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc với mục tiêu được họ khẳng định là giúp các nước phát triển cảng biển, đường sắt và các hạ tầng khác trên khắp châu Á, châu Âu và châu Phi.

Bà Chefitz nói rằng những khoản nợ dưới sáng kiến này cùng với những khoản cho vay phát triển khác của Trung Quốc có hình thức rất khác so với những chương trình trước đây của Mỹ như Kế hoạch Marshall.

“Kế hoạch Marshall chủ yếu là các khoản vay, còn Trung Quốc cho vay tiền nhưng muốn nhận lại điều gì đó”, bà Chefitz nói.

“Và do quan hệ giữa nhà nước với các công ty sở hữu nhà nước của Trung Quốc nên họ có thể nhận lại những thứ không chỉ đơn thuần là kinh tế mà còn mang bản chất chiến lược… như phủ quyết trong ASEAN hoặc một lá phiếu ở Liên hợp quốc”, bà Chefitz nhận định.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong chuyến công du châu Phi hồi tháng 3/2018 cũng đã thẳng thừng nói rằng Trung Quốc khuyến khích sự phụ thuộc bằng các hợp đồng mập mờ, cho vay kiểu săn mồi và các thỏa thuận tham nhũng; đẩy các nước sa lầy vào nợ nần và hạ thấp chủ quyền, từ bỏ tăng trưởng bền vững và dài hạn.

Trước đó, trang Quartz (Mỹ) cũng từng giải thích về chiến lược ngoại giao bẫy nợ. Theo đó, ngoại giao bẫy nợ là cung cấp các khoản cho vay cơ sở hạ tầng rẻ nhưng bi kịch vỡ nợ chực chờ nếu các nền kinh tế nhỏ hơn không thể tạo ra đủ tiền trả lãi.

Gánh nặng nợ nần trên vai các nước nhỏ càng chồng chất thì ảnh hưởng của Trung Quốc với các nước đó càng lớn mạnh.

Chuyên gia Brahma Chellaney, nhà phân tích Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách New Delhi của Ấn Độ, trong một bài bình luận trên trang Project Syndicate cho rằng, Trung Quốc đang sử dụng nợ công để uốn nắn các nước khác theo ý muốn của họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới