Việc Trung Quốc nâng cấp năng lực hải quân khi lần đầu tiên sở hữu một tàu sân bay nội địa là nhằm bảo vệ nền hòa bình cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia này, do đó thế giới nên hoan nghênh thay vì lo lắng.
Chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc rời cảng Đại Liên để thực hiện chuyến đi biển thử nghiệm hôm 13/5.
Đây là nhận định được Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa ra hôm nay (16/5). Cũng theo SCMP, chuyến đi biển thử nghiệm đầu tiên của tàu sân bay nội địa do Trung Quốc tự thiết kế và sản xuất đánh dấu bước tiến mới trong năng lực hải quân nước này.
Theo đó, chiếc tàu sân bay có lượng giãn nước toàn tải lên tới 50.000 tấn sẽ giúp Trung Quốc vươn lên thành một cường quốc hải quân trên thế giới.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của chiếc tàu sân bay nội địa Trung Quốc lại khiến các quốc gia láng giềng châu Á và Mỹ không khỏi lo lắng.
Điều đáng nói, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc vẫn chưa được đặt tên chính thức nhưng chiếc tàu này được thiết kế với những tính năng vượt trội hơn Liêu Ninh. Đây là chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc vốn được mua từ Ukraine và tân trang lại phục vụ mục tiêu huấn luyện và chiến đấu của quân đội Trung Quốc.
Song theo SCMP, sự ra đời của tàu sân bay nội địa Trung Quốc là nhằm bảo vệ đường biên giới biển của các nước nằm trong sáng kiến “Vành đai, con đường” do nhà lãnh đạo Tập Cận Bình khởi xướng cũng như đảm bảo an toàn cho các công dân, tàu thuyền và các khoản đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài.
Phần thân tàu sân bay nội địa được Trung Quốc sản xuất rộng và dài hơn so với tàu Liêu Ninh để có thể chuyên chở theo hơn 10 chiến đấu cơ J-15. Dù hệ thống radar và điện tử được cải tiến, song chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc vẫn sử dụng động cơ truyền thống, gây hạn chế cả tầm hoạt động lẫn tốc độ di chuyển của tàu.
Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho biết Trung Quốc đang triển khai đóng chiếc tàu sân bay thứ 3 với khả năng là tàu sân bay thế hệ mới nhất và sử dụng năng lượng hạt nhân.
Mục tiêu trở thành “hải quân biển xanh” được thể hiện rõ nét qua tuyên bố hồi tháng trước của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình trong chuyến thị sát cuộc diễu binh hải quân lớn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc ở đảo Hải Nam.
Ông Tập đã kêu gọi quân đội nước này cần vươn lên trở thành lực lượng hải quân hạng 1 thế giới. Những bức ảnh về sự xuất hiện của 48 tàu chiến cùng 76 máy bay và hơn 10.000 quân nhân Trung Quốc trong cuộc diễu binh hải quân đã phần nào phản ánh những thành tựu Bắc Kinh đã đạt được trong kế hoạch hiện đại hóa quân sự.
Chưa dừng lại, sự xuất hiện của nhóm tàu sân bay Liêu Ninh ở eo biển Đài Loan dường như là thông điệp cảnh báo của Trung Quốc muốn nhắn gửi tới các lực lượng muốn giành độc lập tại Đài Loan.
Bởi lâu nay, Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai nhưng vẫn nằm trong lãnh thổ đại lục. Nhiều tướng lĩnh Trung Quốc cũng cảnh báo quân đội nước này có thể dùng vũ lực để sáp nhập Đài Loan vào đại lục bất cứ lúc nào.
Theo SCMP, Mỹ không cần phải lo lắng về sự xuất hiện của chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên Trung Quốc. Bởi Mỹ có tới 11 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Số tàu sân bay này có mặt ở khắp các căn cứ hải quân của Mỹ trên thế giới nhằm đảm bảo vị thế cường quốc của quốc gia này.
Còn Trung Quốc, quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vẫn đang tìm cách mở rộng mạng lưới bảo vệ lợi ích quốc gia ở nước ngoài.
Cho tới nay, Trung Quốc mới chỉ có một cảng biển ở nước ngoài tại quốc gia Sừng châu Phi Djibouti cùng 2 tàu sân bay. Chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc lại phải chờ tới năm 2020 mới được biên chế vào lực lượng hải quân.
Đây là lý do SCMP cho rằng, để duy trì đà tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc cũng cần đảm nhận thêm phần trách nhiệm duy trì hòa bình.
Nắm trong tay hải quân hùng mạnh cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải tuân thủ theo những quy tắc của thế giới. Do đó, các quốc gia khác thay vì lo sợ nên hoan nghênh động thái của Trung Quốc, SCMP kết luận.