Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Mỹ Dana White nói hôm 21/5 rằng, Lầu Năm Góc sẽ sớm công bố đổi tên Bộ tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhằm “khái quát hơn chức năng hiện nay của Bộ tư lệnh này”.
Tuy nhiên, ngay sau đó Lầu Năm Góc nói rằng, việc này vẫn chưa được tuyên bố chính thức, nếu có đổi tên thì “địa bàn quản lý, chức năng nhiệm vụ vẫn không thay đổi”.
Động thái này xuất phát từ chiến lược “Khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương mở cửa và phát triển” của tổng thống Donald Trump, thể hiện Mỹ muốn tăng cường đối phó với những hoạt động trên biển của Trung Quốc – giới truyền thông Nhật Bản nhận định.
Một quan chức Nhà Trắng tiết lộ, dự kiến sẽ công bố tên mới trong lễ bàn giao tư lệnh Thái Bình Dương vào cuối tháng này. Hiện tại vẫn đang được điều chỉnh.
Được biết, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương là Bộ tư lệnh chiến khu tác chiến được quân đội Mỹ thành lập sớm nhất, có quy mô lớn nhất hiện nay, đảm nhiệm phạm vi rộng nhất. Biên chế 300.000 quân, chiếm 20% tổng quân số quân đội Mỹ hiện tại.
Bộ tư lệnh đặt tại Hawaii, phạm vi hoạt động từ bờ biển phía Tây nước Mỹ đến biên giới phía tây Ấn Độ. Bộ tư lệnh này đảm nhiệm đối phó với việc Triều Tiên phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân, cũng như việc Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông.
Tư lệnh hiện tại của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris đã được bổ nhiệm làm đại sứ tại Hàn Quốc, người kế nhiệm ông là Philip Davidson, đô đốc tư lệnh Hải quân Mỹ. Trong phiên điều trần trước quốc hội Mỹ hồi tháng 4, Davidson nói rằng, ông cảm thấy mối đe dọa từ Trung Quốc ngày càng lớn và bày tỏ cần thiết phải tăng cường lực lượng.