Friday, November 29, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNhững tiếng nói ủng hộ luật pháp quốc tế ở Biển Đông...

Những tiếng nói ủng hộ luật pháp quốc tế ở Biển Đông từ TQ

Từ khi Trung Quốc sử dụng các hành động phi pháp, bao gồm sử dụng vũ lực chiếm đóng phi pháp nhiều đảo, đá ở Biển Đông đến nay, cộng đồng quốc tế đã liên tục lên tiếng phản đối mạnh mẽ, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, chấm dứt các hành động phi pháp và tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước liên quan ở Biển Đông. Dưới sức ép và sự quản lý, kiểm duyệt chặt chẽ của Chính phủ Trung Quốc, giới chuyên gia, học giả Trung Quốc đa phần đều phải ủng hộ chủ trương, cách hành xử của chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, ngay tại Trung Quốc, vẫn còn một số ít các chuyên gia, học giả không sợ bị quản thúc, vẫn đứng về phía chính nghĩa khi chỉ trích các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, đi ngược lại pháp luật quốc tế.

 

Học giả Lý Lệnh Hoa, một trong số ít người dám phản đối quan điểm phi pháp của Chính phủ Trung Quốc

Phản bác lập trường Trung Quốc có “chủ quyền” lịch sử theo “Đường 9 đoạn”

Nguồn gốc của “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông bắt nguồn từ thời kỳ Quốc Dân Đảng của Trung Hoa Dân quốc, xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1947 và được thể hiện trên bản đồ về Biển Đông năm 1948. Ngoài ra, tháng 2 năm 1948, Bộ Nội vụ Trung Quốc đã phê duyệt và công bố “Bản đồ Khu vực Hành chính của Trung Hoa Dân quốc cũng mô tả yêu sách “Đường 11 đoạn” ở Biển Đông. Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập cũng sử dụng “Đường 11 đoạn” làm ranh giới để yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông, song đến năm 1953, Trung Quốc xóa 02 đoạn trong Vịnh Bắc Bộ, biến “Đường 11 đoạn” thành “Đường 9 đoạn”. Đến ngày 7/5/2009, Trung Quốc gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên hiệp quốc phản đối Việt Nam và Malaysia nộp báo cáo chung về ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng khu vực phía Nam Biển Đông lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên hiệp quốc (CLCS), trong đó đính kèm bản đồ đường chữ U (“Đường 9 đoạn”).

Trước cách hành xử bất chấp luật pháp quốc tế, lấy sức đè người của Chính phủ Trung Quốc, không chỉ cộng đồng quốc tế phản ứng mà ngay cả các học giả Trung Quốc có lương tri, đứng về phía luật pháp quốc tế và yêu chuộng hòa bình cũng phải lên tiếng phản đối.

Học giả Lý Oa Đằng (đăng tải bài viết trên Sina) cho rằng, việc Trung Quốc đơn phương lập “Đường 9 đoạn” chồng chéo trên các Vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của các nước láng giềng ở Biển Đông đã gây ra một loạt các sự khác biệt và mâu thuẫn, trái với tinh thần của Công ước Liên hiệp quốc về luật biển 1982 (UNCLOS); Trung Quốc nên bãi bỏ “các đường thể hiện lịch sử truyền thống” để có thể mở đường cho việc giải quyết gốc rễ vấn đề Biển Đông; bản đồ “Đường 9 đoạn” hoàn toàn không có căn cứ pháp lý, những đường vẽ này được rút ra từ một ý tưởng rất chủ quan của một cá nhân, không ai có thể xác định được ý nghĩa của “Đường 9 đoạn” và Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ giải thích rõ về nó.

Giáo sư Hà Quang Hộ (Học viện Triết học, Đại học Nhân dân Trung Quốc) chỉ trích các hành động của Chính phủ Trung Quốc, cho rằng “nếu ý nghĩa của cái gọi là Đường 9 đoạn là đường biên giới quốc gia được vẽ sát vào bờ biển Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei như thế, tôi không tin những quốc gia đó có thể chấp nhận. Nếu Biển Đông được vẽ thành “ao nhà” của Trung Quốc như vậy, các nước khác có nhu cầu vận tải trên biển cũng không thể chấp nhận và như thế sẽ trở thành tranh chấp mãi mãi. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi người dựa vào nhau để tồn tại. Chúng ta muốn sống thì cũng phải để người khác sống chứ”.

Học giả Lưu Tiểu Tinh có bài viết “Trò trẻ con: Đường 9 đoạn đột nhiên biến thành Đường 10 đoạn”, phê phán việc Nhà xuất bản Địa đồ tỉnh Hồ Nam cho xuất bản hai tấm bản đồ hành chính và địa hình Trung Quốc khổ dọc mới xuất bản, “Đường 9 đoạn” truyền thống ở Nam Hải (Biển Đông) bỗng biến thành “Đường 10 đoạn”, cho rằng đây là trò trẻ con và những người vẽ tấm bản đồ có vấn đề về trí tuệ; nhấn mạnh rằng “Đường 9 đoạn” còn đang bị cộng đồng quốc tế tranh cãi, bác bỏ mà nay lại vẽ thêm chi tiết thành cái “Đường 10 đoạn” chỉ càng khiến cộng đồng quốc tế dè bỉu thêm và hành động của Trung Quốc không có tác dụng về mặt pháp lý. Trước đó, Lưu Tiểu Tinh cũng có nhiều bài viết phê phán thái độ lẩn tránh sự thật và ngoan cố của chính phủ Trung Quốc khi cố tình tìm cách biện minh cho “Đường 9 đoạn”.

Ông Uất Chí Vinh, nguyên Tổng đội phó Hải giám Đông Hải, hiện là nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu phát triển hải dương Trung Quốc cũng phải thừa nhận một thực tế là chủ trương của chính phủ Trung Quốc về cái gọi là “Đường 9 đoạn” không có cơ sở chắc chắn, không được giới học thuật đồng tình, ủng hộ và là nguyên nhân gây nên tranh chấp trên biển với các nước láng giềng.

Nhà nghiên cứu Lý Lệnh Hoa, cựu nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu Hải dương Quốc gia Trung Quốc chia sẻ quan điểm phản đối “Đường 9 đoạn”, cho rằng chứng cứ lịch sử của Trung Quốc tại vùng biển Nam Hải (Biển Đông) không rõ ràng, thiếu căn cứ và không có tính thuyết phục; việc vẽ ranh giới như vậy không chỉ trùng lặp với Vùng đặc quyền 200 hải lý của các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, mà thậm chí còn bao gồm luôn cả vùng biển Kepulauan Natuna của Indonesia; việc coi “đường lưỡi bò” do chính quyền Trung Hoa dân quốc vẽ ra năm 1947 là ranh giới phân định vùng biển của Trung Quốc là quan điểm thủ cựu và nhận thức sai lầm; phê phán thái độ bảo thủ của Chính quyền Trung Quốc khi cố tình không chấp nhận, không thừa nhận phán quyết của Tòa trọng tài theo phụ lục VII (12/7/2016).

Chuyên gia bình luận quân sự Wu Ge, Cheng Gi mỉa mai rằng nếu làm theo kiểu của Trung Quốc thì bất cứ quốc gia nào cũng có thể “nuốt” biển của quốc gia khác chỉ bằng cách trưng ra tấm bản đồ do mình tự vẽ”.

Không chỉ những nhà nghiên cứu, học giả Trung Quốc lên tiếng phản đối mà nhiều thanh niên, tri thức trẻ ở Trung Quốc cũng cảm thấy bất bình về yêu sách “chủ quyền” theo “Đường 10 đoạn”, cho rằng họ cảm thấy xấu hổ khi đi ra nước ngoài bị ngày càng nhiều người dân sở tại phê phán, lên án Trung Quốc và ngay chính cả bản thân Trung Quốc còn mơ hồ với bản chất của “Đường 10 đoạn” này thì ai tin nó là của Trung Quốc”. Trong khi đó, Li Yougen, một công nhân đã nghỉ hưu, thừa nhận rằng những tuyên bố và hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông là vô lý, cho rằng “điều đó không công bằng, bạn không thể đơn giản chỉ nói những quần đảo đó là của bạn từ thời xa xưa, cần phải kể rõ để người dân Trung Quốc biết làm thế nào mà những quần đảo đó lại thuộc về Trung Quốc”.

Lên án các hành động phi pháp, thô bạo và hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông cho rằng Bắc Kinh đang bị cô lập, nếu cứ khăng khăng với thái độ cứng nhắc này sẽ càng làm cho Trung Quốc rơi vào thế bị động và càng khiến các nước xung quanh Biển Đông đoàn kết, đồng thuận cao.

Nhà nghiên cứu Hàn Lỗi nhận định việc Chính phủ Trung Quốc “ngôn hành bất nhất” khiến các nước xung quanh Biển Đông mất lòng tin và nêu cao cảnh giác với Trung Quốc; điều này sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường an ninh, vai trò nước lớn và hình tượng quốc tế của Trung Quốc.

Học giả Tiết Lý Thái và Hà Quốc Trung của Đại học giao thông Bắc Kinh cho rằng thời đại ngày nay đã khác xa với năm 1974 khi Trung Quốc xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Một khi Trung Quốc dùng biện pháp quân sự gây leo thang căng thẳng ở Biển Đông thì sẽ bị toàn thế giới lên án, ngay cả Nga – nước thân thiết cũng sẽ tìm cách xa lánh Trung Quốc; đồng thời cảnh báo rằng chính sách cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông đang chịu sự tác động, chi phối của “phái diều hâu” trong nước.

Bản thân người dân Trung Quốc cũng không quá quan tâm đến vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo và họ cũng có những cái nhìn tương đối khách quan, trung thực hơn so với những gì mà Chính phủ Trung Quốc tuyên truyền.

Thời gian trước, Trung tâm Mỹ-Á (Perth USAsia Centre) thuộc Đại học Tây Australia công bố bản khảo sát dư luận Trung Quốc về các tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông, trong đó phỏng vấn hơn 1.400 người dân thuộc nhiều tầng lớp khác nhau ở 5 thành phố lớn của Trung Quốc bao gồm Bắc Kinh (286 người), Thượng Hải (286 người), Quảng Châu (290 người), Thành Đô (281 người) và Trường Sa (270 người), trong đó nổi lên một số vấn đề đáng chú ý: Thứ nhất, vấn đề tranh chấp biển đảo chỉ xếp thứ 6/9 vấn đề được người dân Trung Quốc quan tâm; người dân Trung Quốc vẫn chỉ tập trung quan tâm vào các lĩnh vực như tham nhũng, chênh lệch giàu nghèo trong xã hội, an toàn thực phẩm và thuốc men, các vấn đề xã hội-đạo đức, ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, có khoảng 60% người dân quan tâm đến tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, trong khi Biển Đông chỉ có 53% số người được hỏi quan tâm. Thứ hai, trái với những tuyên bố hung hăng của “giới diều hâu” trong nước, những người được khảo sát lại có xu hướng ủng hộ các biện pháp giải quyết hòa bình hơn là dùng vũ lực quân sự. Hai biện pháp nhận được sự ủng hộ thấp nhất là sử dụng quân đội (30,9%) và gác tranh chấp, cùng khai thác (30,2%), trong đó biện pháp được ủng hộ nhiều nhất là tuyên truyền quốc tế (84,9%) sau đó lần lượt đến các biện pháp khác như tiến hành các hoạt động thể hiện chủ quyền, áp dụng cấm vận kinh tế với các nước yêu sách, bày tỏ sự phản đối của công chúng, sử dụng các biện pháp ngoại giao, sử dụng tòa trọng tài Liên hiệp quốc, nhượng bộ qua đàm phán. Thứ ba, đa phần số người tham gia khảo sát bày tỏ mức độ hài lòng cơ bản đối với cách xử lý của chính phủ trong vấn đề biển đảo (Biển Đông là 3,7/6 điểm và Điếu Ngư là 3,71/6 điểm). Thứ tư, 90% số người được hỏi cho rằng truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng có ảnh hưởng đến quan điểm của người dân về tranh chấp biển đảo.

Nhìn chung, trên thực tế còn rất nhiều những chuyên gia, học giả Trung Quốc có tư duy, quan điểm không ủng hộ chủ trương, chính sách và hành động của chính quyền Bắc Kinh liên quan vấn đề Biển Đông, song họ không có cách nào để đưa những thông tin, nhận định của mình ra thế giới bên ngoài, vì Chính phủ Trung Quốc đã triển khai có hiệu quả các biện pháp kiểm duyệt thông tin trên Internet.

RELATED ARTICLES

Tin mới