Mỹ đưa ra “phản ứng bước đầu” sau khi có bằng chứng Trung Quốc có nhiều hành động phi pháp đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Christopher Logan hôm qua thông báo rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận chung Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm 2018 “nhằm phản ứng bước đầu đối với tình trạng Trung Quốc liên tục quân sự hóa Biển Đông”.
“Việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các thực thể tranh chấp ở Biển Đông chỉ đẩy căng thẳng leo thang và gây bất ổn cho khu vực. Hành vi của Trung Quốc không phù hợp với nguyên tắc và mục đích của cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương”, tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời ông Logan nhấn mạnh trong thông cáo.
RIMPAC là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới, với sự tham dự của hơn 20 nước, tổ chức 2 năm một lần ở vùng biển gần Hawaii trong tháng 6 và 7. Thông báo được đưa ra ngay trước khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Washington D.C. Ông Pompeo sau đó cho hay đã nêu quan ngại về những hoạt động do Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông với ông Vương.
Bằng chứng vững chắc
Cũng theo thông cáo nói trên, Lầu Năm Góc khẳng định Mỹ có “bằng chứng vững chắc cho thấy Trung Quốc đã triển khai tên lửa chống hạm, hệ thống tên lửa đất đối không và thiết bị phá sóng tới những thực thể tranh chấp trong quần đảo Trường Sa ở Biển Đông”.
Hôm 3.5, kênh CNBC dẫn một số nguồn tin tiết lộ Trung Quốc âm thầm đưa tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và hệ thống tên lửa phòng không HQ-9B đến Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi. Ba thực thể này nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp và xây đắp thành đảo nhân tạo. Reuters dẫn lời chuyên gia Greg Poling thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) nhận định hình ảnh chụp ngày 12.5 cho thấy Trung Quốc đã chuyển tên lửa từ đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đến phía bắc Trường Sa. Ngoài ra, theo một số hình ảnh khác, 2 bệ phóng tên lửa mới xuất hiện trên bờ phía bắc đảo Phú Lâm.
Hồi tuần trước, không quân Trung Quốc còn ngang nhiên thông báo đã đưa máy bay ném bom H-6K đến diễn tập ở một đường băng được cho là nằm trên đảo Phú Lâm. “Việc Trung Quốc cho hạ cánh máy bay ném bom tại đảo Phú Lâm cũng gây căng thẳng cho khu vực”, theo Bộ Quốc phòng Mỹ.
Nói một đằng, làm một nẻo
Hồi đầu tuần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập cất, hạ cánh trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), làm gia tăng căng thẳng, gây bất ổn trong khu vực và không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”. VN yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động nêu trên, không được tiến hành quân sự hóa, nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa.