Các nhà phân tích chiến lược Nhật Bản và Ấn Độ đã nhiều lần thảo luận về hợp tác chiến lược và hợp tác biển từ những năm cuối thế kỷ 20. Có một điều mà cả hai nước đều cho là hiển nhiên: Sự bất an của Trung Quốc trong khu vực có thể được lợi dụng để kiềm chế sự quyết đoán chống lại các nước láng giềng của nước này.
Nhật Bản là nước dễ bị tổn thương do đất nước “mặt trời mọc” lệ thuộc rất lớn vào các nguồn năng lượng vận chuyển trên biển và các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu được vận chuyển qua Ấn Độ Dương. Khoảng 90% lượng dầu thô nhập khẩu của Nhật Bản đến từ Tây Á. Ngày nay Tokyo đang tìm cách tăng cường vai trò an ninh biển trong khu vực thông qua hợp tác với Ấn Độ.
Theo các nhà phân tích Nhật Bản và Ấn Độ, không thể đối xử với khu vực Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương một cách tách biệt, cả ở trong lĩnh vực an ninh biển lẫn các khía cạnh địa chính trị.
Khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” được nói tới với mật độ ngày càng dày hơn. Trong nhiệm kỳ thứ nhất làm Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe đã phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ rằng “Điểm hợp lưu giữa hai đại dương… một sự gắn kết năng động giữa hai đại dương của tự do và thịnh vượng” trong “một châu Á rộng lớn hơn.” Năm 2010, chính phủ Mỹ đã sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Bà Hillary Clinton -Ngoại trưởng Mỹ lúc đó đã đề nghị “mở rộng hợp tác của chúng ta với Hải quân Ấn Độ ở Thái Bình Dương, bởi vì chúng ta hiểu được tầm quan trọng của lòng chảo Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đối với thương mại toàn cầu.”
Ba năm sau, năm 2013, thuật ngữ này đã lan sang Úc. Cuốn sách trắng do Bộ Quốc phòng nước này ban hành có đoạn nhấn mạnh: “Sự dịch chuyển chiến lược, quân sự và kinh tế về phía Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang diễn ra” của Canberra.
Chiến lược mới này đã gây nên phản ứng từ phía Trung Quốc. Vào tháng 11/2014, một nhà phân tích tại các Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải đã viết một bài viết cảnh cáo Ấn Độ về khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Tác giả lập luận: khái niệm này do Mỹ và các nước đồng minh thiết lập nên để “làm cân bằng lại và thậm chí kiềm chế ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.”
Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ sẽ góp phần đáng kể vào sự hội nhập kinh tế của khu vực Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Còn sự thịnh vượng kinh tế lớn hơn trong toàn khu vực sẽ có thể làm gia tăng lợi ích trong lĩnh vực biển. Các tranh chấp biển vẫn trong trạng thái chưa kích hoạt từ trước đến nay – chủ yếu là tại khu vực giao nhau giữa Tây Ấn Độ Dương với Vịnh Péc-xích và Eo biển Mozambique – có thể trở nên sôi sục hơn.
Cần lưu ý, Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng có thể đi cùng với những nỗ lực đang được thúc đẩy trở lại của Trung Quốc. Những nỗ lực đó nhằm tăng cường năng lực triển khai sức mạnh hải quân để hiện thực hóa đầy đủ “chiến lược hai đại dương” của mình. Với lực lượng hải quân hùng mạnh, xuất hiện ngày càng nhiều của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương sẽ làm gia tăng khả năng thù địch. Điều này cũng có thể khiến cho hải quân Trung Quốc tăng cường các hoạt động của mình tại những vùng biển của các quốc gia Ấn Độ Dương. Điều đáng dè chừng hơn cả là những vụ đụng độ không cố ý của hải quân Trung Quốc với các lực lượng hải quân của các cường quốc khác trong khu vực.
Biển Đông đang xuất hiện vô số những đợt sóng ngầm. Khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” được đưa ra là điều cần thiết nhằm quản lý các diễn biến khu vực và đưa Trung Quốc hội nhập vào những chuẩn mực hành vi đã được xây dựng trong một khu vực có sự nổi bật chiến lược ngày càng tăng. Cách tiếp cận toàn diện đối với khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” với tư cách là một khu vực kết nối với nhau là một khuôn khổ khái niệm hữu ích nhất để qua đó giải quyết mâu thuẫn giữa các cường quốc.
Mục tiêu của các nước trong khu vực là xây dựng nền hòa bình, thịnh vượng chung tại những khu vực được kết nối với nhau này. Nếu không, khu vực này sẽ trở thành địa bàn xảy ra “Bẫy Thucydides”.
“Bẫy Thucydides” là thuật ngữ dùng để để giải thích và dự đoán những gì đang xảy ra trong chính trị cường quyền ở khu vực châu Á. Đó là cách nói tóm tắt ý tưởng rằng sức mạnh đang tăng lên của Trung Quốc là hiện thân của một thay đổi cấu trúc đe dọa thế lực của Hoa Kỳ. Lối suy xét thường có hiện nay cho rằng, Trung Quốc, vốn thực thi quyền lực đang tăng lên của mình, sẽ va chạm mạnh với thế lực của Hoa Kỳ, và do đó có nguy cơ cao tạo ra xung đột. Các thách thức địa chiến lược nổi bật của thời đại này không phải là các phần tử Hồi giáo cực đoan bạo lực hay một nước Nga đang hồi sinh. Mà đó chính là tác động của sự trỗi dậy của Trung Quốc.