Bản tin Biển Đông ngày 30/05/2018.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Mỹ sẽ tiếp tục đối đầu với việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo ở Biển Đông
Ngày 30/5, Reuters đưa tin, ngày 29/5, bất chấp sự chỉ trích từ Bắc Kinh đối với việc hai tàu chiến của Hải quân Mỹ hoạt động gần các đảo Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông cuối tuần vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết Mỹ sẽ tiếp tục đối đầu với những gì Washington coi là Trung Quốc quân sự hóa các đảo ở Biển Đông.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời ông Mattis “Chúng tôi đang triển khai hợp tác với các nước ở Thái Bình Dương theo cách của chúng tôi, đó cũng là cách chúng tôi thực hiện trên thế giới, nhưng chúng tôi cũng đối đầu với những gì chúng tôi tin rằng là trái với luật quốc tế”.
Ông Mattis cho biết các nhà ngoại giao Mỹ rất quan tâm đến vấn đề này, đã có những lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc không chỉ từ nội bộ Chính phủ Mỹ mà còn từ các đồng minh khu vực. Dự kiến ông Mattis sẽ đưa ra những lời lẽ cứng rắn với Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La sắp tới.
Lý do Trung Quốc và Mỹ đều sẽ không lùi bước ở Biển Đông
Ngày 29/5, The National Interest đăng bài viết “Cuộc đấu ở Biển Đông: Tại sao Trung Quốc và Mỹ đều sẽ không lùi bước?” của tác giả Ryan Pickrell.
Bài viết đề cập đến việc hai tàu chiến của Mỹ với danh nghĩa thực hiện hoạt động tự do hàng hải (FONOP) đã đi vào trong phạm vi 12 hải lý một số cấu trúc ở Hoàng Sa mà Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng trái phép cũng những lời qua tiếng lại giữa Bắc Kinh và Washington xung quanh vụ việc này. Theo tác giả bài viết, Trung Quốc rõ ràng đang có xu hướng theo đuổi cách tiếp cận đối đầu. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng phát biểu “Quân đội Trung Quốc quyết tâm tăng cường chuẩn bị cho sẵn sàng chiến đấu ở trên biển và trên không, nâng cao mức độ phòng thủ, bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia”. Bằng chứng là việc trong mấy tháng gần đây, Trung Quốc tăng cường mạnh mẽ sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, đưa máy bay ném bom ra diễn tập tại các cấu trúc ở Biển Đông, triển khai tên lửa tại Trường Sa. Những hệ thống vũ khí này ngoài việc giúp nâng cao khả năng Trung Quốc chống lại Mỹ trong trường hợp cần thiết, mặt khác còn dùng để đe dọa các nước yêu sách trong khu vực.
Đáp lại những hành động ngang ngược của Trung Quốc, Mỹ đã quyết định rút lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận thường niên RIMPAC như một lời cảnh báo bước đầu, và sẽ còn nữa nếu như Bắc Kinh không thay đổi hành động của mình. Tuy nhiên, theo bài viết đánh giá, với mức độ cứng đầu của Trung Quốc, có vẻ như chưa có gì chắc chắn về việc liệu những hành động của Mỹ có đảo ngược được xu thế hiện tại ở Biển Đông hay không. Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh mới của Hạm đội Thái Bình Dương cho rằng “Hiện nay, Trung Quốc đủ khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống, chỉ thiếu mức là chiến tranh với Mỹ”.
Trung Quốc nhận thức được thiệt hại đối với rùa biển và san hô ở Biển Đông
Ngày 29/5, trang Seafood Source đưa tin về sự kiện kỷ niệm Ngày Rùa biển Thế giới (16/6) được tổ chức tại Hải Nam, Trung Quốc. Theo đó, chính quyền Trung Quốc đã mời các phóng viên đến để ghi nhận mức độ suy giảm của hàng trăm loài trai khổng lồ, rùa biển, rùa cạn, cá ngựa do các máy nạo vét khổng lồ của Trung Quốc tàn phá. Một trong những ví dụ là loài rùa biển vốn rất dồi dào ở Hải Nam nay đã gần như tuyệt chủng. Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 cũng kết luận, các hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây ra những thiệt hại to lớn và lâu dài đối với các rặng san hô, gây hại cho hệ sinh thái ở khu vực, vi phạm Công ước Luật Biển 1982.