Thursday, November 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChâu Âu sẽ rạn nứt như một quả trứng?

Châu Âu sẽ rạn nứt như một quả trứng?

“Đế chế” EU có quá nhiều “gót chân Achilles” và đang đối mặt với nguy cơ rạn nứt như một quả trứng.

Những gót chân Achilles

Giới phân tích quốc tế giờ đây đặt câu hỏi rằng liệu có phải châu Âu đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng mang tính sống còn sau 6 năm khi cuộc khủng hoảng tài chính đe dọa sự sụp đổ của khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) hay không?

Trở lại năm 2012, châu Âu khi đó phải đối mặt với vấn đề “PIGS” (Portugal, Ireland, Greece, Spain – Bồ Đào Nha, Ireland, Hy Lạp, Tây Ban Nha) với các ngân hàng thiếu nguồn thanh khoản, nợ công tăng cao và thâm hụt ngân sách triền miên.

Giờ đây, châu Âu phải đối mặt với vấn đề “PHIGS” (Poland, Hungary, Italy, Greece and Spain – Ba Lan, Hungary, Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha).

Theo giới phân tích, các thách thức hiện nay có phần phức tạp và đa dạng hơn, nhưng có chung gốc rễ từ mối bất bình ngày một gia tăng của người dân với các đảng chính trị dòng chính thống.

Chính phủ dân túy ở Rome, sự bất ổn chính trị tại Madrid, các cuộc khủng hoảng dân chủ ở Đông Âu và cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương ở Tây Âu: Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước các mối đe dọa và thách thức trên mọi mặt trận.

Ngày 1/6, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã thông qua đề xuất thành lập chính phủ bao gồm Phong trào 5 Sao và đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc.

Chương trình nghị sự được liên minh này thông qua trước đó gồm gia tăng chi tiêu chính phủ tại quốc gia có nợ công lớn nhất EU cùng quan điểm phản đối Đức.

Điều này đã dẫn tới nhiều quan ngại về tương lai của EU và đồng tiền chung euro.

Cũng trong ngày 1/6, Quốc hội Tây Ban Nha đã phế truất Thủ tướng Mariano Rajoy trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm được châm ngòi bởi sự tức giận về các bê bối tham nhũng do đảng của ông gây ra và lãnh đạo đảng Xã hội đối lập, ông Pedro Sanchez, đã trở thành tân Thủ tướng nước này.

Cả Tây Ban Nha và Itlay đều là thành viên của Khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone vốn bao gồm tới 19 trong tổng số 28 quốc gia thành viên EU.

Đã có những đánh giá cho rằng “Eurozone quá rộng lớn để có thể bị sụp đổ, nhưng cũng quá rộng lớn để có thể cứu vãn”.

Khi được hỏi có phải Rome đã trở thành “gót chân Achilles” của châu Âu hay không, chuyên gia Gianni Riotta của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại trả lời: “Châu Âu có thể đếm được bao nhiêu gót chân? Hy Lạp, Anh, Ba Lan, Hungary – tôi cho rằng là quá nhiều”.

Chau Au se ran nut nhu mot qua trung?
“Đế chế” EU có quá nhiều gót chân Achilles

Tại Đông Âu, giới chức EU cũng đang lo ngại trước bước đi của các chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc ở Ba Lan và Hungary.

Tháng 12/2017, Brussels đã tiến hành các thủ tục pháp lý chưa có tiền lệ để khởi kiện Warsaw bởi “các mối đe dọa mang tính hệ thống” ảnh hưởng tới sự độc lập của bộ máy tư pháp Ba Lan.

Trong khi đó, Anh đang bận rộn với các cuộc đàm phán khó khăn về việc rời khỏi EU sau khi quyết định “ra đi” trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016.

Hy Lạp vẫn đang phục hồi sau tình trạng đình trệ kinh tế do cuộc khủng hoảng nợ công dẫn tới việc các đối tác EU phải cung cấp các khoản cứu trợ tài chính kể từ năm 2010, điều bộc lộ các căng thẳng sâu sắc trong khối.

Tuần qua, cựu Ngoại trưởng Đức Joschka Fischer phát biểu: “Châu Âu khiến tôi liên tưởng đến một người đang đứng cheo leo bên vách núi”.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính kỳ cựu George Soros, một nhà ủng hộ mạnh mẽ cho sự hội nhập lớn hơn của châu Âu, cũng cảnh báo rằng EU đang đối mặt với “cuộc khủng hoảng mang tính sống còn – những gì có thể trệch hướng đã đi chệch hướng”.

Đoàn kết để chống Mỹ?

Bên cạnh các vấn đề nội bộ, EU cũng đang đối mặt với một vài trong số các vấn đề nghiêm trọng nhất trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương kể từ sau Thế chiến II vốn được châm ngòi bởi một loạt quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Từ việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đi ngược với mong muốn của các đối tác EU đến việc áp đặt thuế quan với sản phẩm nhôm thép nhập khẩu, ông Trump đang theo đuổi chương trình nghị sự “Nước Mỹ trước tiên” mà không đếm xỉa tới các đồng minh truyền thống của Mỹ.

Tuy vậy, cũng có ý kiến lạc quan khi cho rằng các động thái của Mỹ có thể sẽ khiến châu Âu đoàn kết nhằm hành động mạnh mẽ hơn trước các mối đe dọa bên ngoài.

Đây cũng là hy vọng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau cuộc bầu cử tháng 5/2017 khi ông lên nắm quyền với hứa hẹn cải cách EU và khẳng định rằng các nước thành viên cần đoàn kết lại với nhau trong một thế giới ngày một trở nên nguy hiểm.

Chau Au se ran nhut nhu mot qua trung?
Tổng thống Pháp E. Macron (trái), Thủ tướng Đức A. Merkel (giữa) và Tổng thống Mỹ D. Trump (phải)

Nhà lãnh đạo Pháp đã vạch ra tầm nhìn cho tương lai mà ở đó khối EU sẽ thúc đẩy hơn nữa việc kết nối giữa các nền kinh tế, hệ thống chính trị và quân đội để đối mặt với các mối đe dọa hiện nay, từ thương mại và nhập cư tới chủ nghĩa khủng bố quốc tế và biến đổi khí hậu.

Một bộ phận quan trọng trong tầm nhìn của ông là các thành viên giàu có Bắc Âu – đặc biệt là Đức – sẽ thể hiện sự đoàn kết hơn với các nước yếu thế và đang chìm trong nợ nần ở phía Nam như Italy, với tình hình kinh tế và tiền lương đang trở nên đình trệ.

AFP dẫn lời cựu Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg nói: “Tôi cho rằng Tổng thống Macron đang đóng vai trò quan trọng trong việc làm trung gian cho một giải pháp kết nối Bắc-Nam trong khu vực Eurozone”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 3/6 cũng đã lên tiếng ủng hộ việc cải cách EU, trong đó có Eurozone. Tuy nhiên, Italy đang tỏ ra “chống đối” mạnh mẽ vai trò của Đức.

Chau Au se ran nhut nhu mot qua trung?
Châu Âu đang “tan rã” về mặt chính trị

Hai nhân vật có quan điểm hoài nghi trong danh sách nội các đề cử mới của Italy là Paolo Savona và Giovanni Tria cũng ngay trong ngày 3/6 tuyên bố thẳng Đức nên rời khỏi Eurozone để khu vực này hồi phục từ các cuộc khủng hoảng tài chính. Hai ông cho rằng sự rút lui của Đức sẽ có lợi cho liên minh tiền tệ này hơn.

Bloomberg cho rằng gần 3 thập kỷ sau sự sụp đổ của “Bức màn sắt”, châu Âu lại có nguy cơ bị chia rẽ. Các phong trào bảo thủ xã hội, chống nhập cư đã khuấy động nền chính trị ở những quốc gia khác nhau, nổi bật nhất là ở Hungary và Ba Lan.

Sử gia người Anh Timothy Garton Ash đã bày tỏ sự bi quan khi viết: “Italy đang suy sụp tinh thần, Tây Ban Nha bị đè nặng bởi vấn đề trong nước, Ba Lan đang tức giận, Anh đang chuẩn bị rời đi và Đức đang suy sụp. Đây là một gia đình bất bình thường”.

Bộ phim “Lịch sử thế giới trong 2 giờ” của đạo diễn Douglas Cohen từng bình luận sự sụp đổ của đế chế La Mã đã khiến châu Âu “rạn nứt như một quả trứng”. Giờ đây, “đế chế” EU cũng đang đối mặt với nguy cơ tương tự.

RELATED ARTICLES

Tin mới