Bản tin Biển Đông ngày 04/06/2018.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cáo buộc Bắc Kinh “đe doạ và cưỡng ép” ở Biển Đông
The New York Times đưa tin, ngày 1/6, phát biểu tại Hội nghị Đối thoại thường niên Shangri-la ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đưa ra chỉ trích mạnh mẽ đối với hành động quân sự hoá của Trung Quốc trên các cấu trúc ở Biển Đông, cho rằng việc nước này đưa các thiết bị quân sự và tên lửa hiện đại là “một động thái phô trương sức mạnh quân sự rõ ràng”, “hành động bố trí các hệ thống vũ khí này trực tiếp liên quan đến việc sử dụng quân đội nhằm đe doạ và cưỡng ép dù các phát biểu của Trung Quốc”. Đồng thời, ông cho biết các hành động quân sự hoá của Trung Quốc trên Biển Đông là “hoàn toàn trái ngược với những giá trị “cởi mở” mà chiến lược của Mỹ đang thúc đẩy” và đặt ra nghi vấn đối với cái gọi là “những mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc”.
Quan chức quân sự Trung Quốc thản nhiên bao biện: việc triển khai “các cơ sở phòng thủ” trên “các đảo” ở Biển Đông là “chính đáng”
Tân Hoa xã đưa tin, ngày 2/6, trong một phát biểu nhằm đáp trả tuyên bố về Biển Đông của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Hội nghị Đối thoại thường niên Shangri-la lần thứ 17 ngày 1/6, Trung tướng Hà Lôi, Phó Chủ tịch Học viện Khoa học Quân sự Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đồng thời là trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Hội nghị khẳng định rằng việc triển khai “các cơ sở phòng thủ” trên các “đảo” ở Biển Đông là “chính đáng và hợp pháp”, không liên quan đến quân sự hoá và không gây ra bất cứ nguy cơ đe doạ nào đối với an ninh khu vực, đồng thời chỉ trích gay gắt “những phát biểu thiếu trách nhiệm về vấn đề này là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”. Hà Lôi nhấn mạnh, Trung Quốc “có chủ quyền không thể tranh cãi” đối với “các đảo và các vùng nước lân cận” ở Biển Đông, “một thực tế được minh chứng bởi những bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế”. Ông cho biết Trung Quốc luôn muốn giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua đối thoại và tham vấn giữa Trung Quốc và các bên liên quan, trên cơ sở “tôn trọng những bằng chứng lịch sử và phù hợp với luật pháp quốc tế”, khẳng định “tình hình hiện nay ở Biển Đông đang lắng dịu nhờ những nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN”. Hà Lôi lớn tiếng cho rằng, những bên đang “làm ầm ĩ” vấn đề quân sự hoá là “những kẻ đang tiến hành quân sự hoá ở Biển Đông”. Gián tiếp chỉ trích các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở khu vực, vị quan chức quân sự cấp cao Trung Quốc cáo buộc rằng “các nước này đã đưa tàu và máy bay quân sự tới các vùng biển lân cận và vùng trời bên trên các đảo, đá “của Trung Quốc” nhằm tiến hành các hoạt động quân sự và một số thậm chí còn phô trương sức mạnh quân sự trong phạm vi 12 hải lý của các đảo của Trung Quốc”. Ông Hà Lôi lớn tiếng khẳng định, những động thái này đã gây tổn hại đến an ninh, ổn định và cả chủ quyền của Trung Quốc; Chính phủ và nhân dân Trung Quốc phản đối mạnh mẽ và sẽ có các biện pháp cần thiết để “kiềm chế” những hành động này.
Philippines và Trung Quốc trao đổi về hợp tác phát triển chung ở Biển Đông
Ngày 2/6, The Philippine Star đưa tin, tại buổi họp báo ngày 1/6, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano xác nhận rằng các quan chức Philippines và Trung Quốc gần đây đã có cuộc thảo luận về khả năng hợp tác phát triển chung ở Biển Đông cũng như các bước triển khai cần thiết để đạt được một thoả thuận hợp tác phát triển chung hay phân tích về những lợi ích người dân Philippines có thể có được từ nguồn dầu khí tại khu vực này. Ông cho hay “một nửa thời lượng thảo luận là nhằm tập trung phân tích và làm rõ. Phía Trung Quốc bị “sốc” vì dù những cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra song có một số nhân vật đang tỏ ra giận dữ đối với họ, do đó các bên phải đứng ra để làm rõ”. Trước đó, tại cuộc điều trần trước Quốc hội Philippines ngày 30/5, ông Cayetano cũng đã có phản hồi đối với những phản đối đối với hợp tác phát triển chung giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông. Một số chuyên gia cho rằng sau khi Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 được đưa ra, các khu vực xét đến không còn là khu vực tranh chấp, do đó không có chuyện Chính phủ Philippines triển khai hợp tác phát triển chung với Philippines mà không vi phạm Hiến pháp nước này hay đi ngược lại kết luận của Phán quyết.
Truyền thông quốc tế: tận dụng thời điểm cộng đồng quốc tế tập trung vào các vấn đề thương mại và phi hạt nhân hoá, Trung Quốc đang thầm lặng “thắt chặt gọng kìm” ở Biển Đông
Ngày 2/6, CNBC đăng bài viết “Trong khi Tổng thống Trump đàm phán về vấn đề thương mại và vũ khí hạt nhân, Trung Quốc đang thầm lặng thắt chặt gọng kìm” ở Biển Đông của nhà báo Clay Dillow. Trong bài viết này, tác giả cho rằng cộng đồng quốc tế dường như đang đổ dồn sự tập trung vào các cuộc đàm phán về thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như các cuộc đàm phán về vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên, Trung Quốc vẫn không ngừng củng cố các yêu sách của họ ở Biển Đông. Dù Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 2/6 đã cảnh báo về “những hậu quả” do hành động gây hấn của Trung Quốc gây ra ở khu vực này song các chuyên gia cho rằng Mỹ sẽ khó có thể làm chậm đi quá trình quân sự hoá của Bắc Kinh ở tuyến hàng hải huyết mạch này. Một loạt các hành động khiêu khích mới nhất của Trung Quốc tại đây bắt đầu từ khoảng tháng trước, khi có một số thông tin tình báo xác định rằng quân đội nước này đã âm thầm bố trí các tên lửa hành trình đối hạm cũng như các tên lửa đất đối không trên 3 tiền đồn kiên cố nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông và sau đó là các thiết bị chế áp điện từ trên các tiền đồn ở Trường Sa. Các quan chức quân sự Trung Quốc cũng đã không ngại tung tin rằng Trung Quốc lần đầu tiên đã triển khai các cuộc tập trận cất cánh và hạ cánh với các máy bay ném bom tầm xa H-6K tại một căn cứ không xác định trên Biển Đông, “một bước phát triển chấn động” đối với năng lực chiến đấu trên không của Trung Quốc khi mà bước đi nguy hiểm này có thể đặt toàn bộ khu vực Đông Nam Á vào tầm tấn công của những chiếc máy bay này. Dillow cho rằng, nếu mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là nhằm biến đổi nguyên trạng thành có lợi cho họ ở Biển Đông thì nước này rõ ràng đang âm thầm đi đến mục tiêu của mình “theo cách cực kỳ nhanh gọn”, bắt đầu từ những thay đổi trên tiền đồn quân sự đầu tiên ở khu vực kể từ năm 2014. Việc triển khai lực lượng quân sự rầm rộ trên quy mô lớn ở Biển Đông cũng đặt ra thách thức nghiêm trọng cho các quốc gia phương Tây mà Mỹ đi đầu.
Về những động thái và phát biểu mới nhất từ phía Mỹ đối với các hành động quân sự hoá ở Biển Đông, PGS. TS. Taylor Fravel tại Viện Công nghệ Massachusetts nhận định rằng, “Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc làm những điều đã rồi” và “điều này còn khó khăn hơn là chặn trước những bước đi nước này chưa thực hiện”.
Mỹ sẽ tăng cường tuần tra ở Biển Đông nhằm đối phó với “thực tế mới” do Trung Quốc tạo ra
Ngày 3/6, Reuters cho biết, theo nguồn tin từ hai quan chức Mỹ và các quan chức ngoại giao ASEAN và phương Tây, Lầu Năm góc đang cân nhắc “một chương trình hoạt động tự do hàng hải mạnh mẽ hơn” tại các khu vực gần với các tiền đồn của Trung Quốc trên các đảo, đá ở Biển Đông nhằm thách thức các hoạt động quân sự hoá ngày một ráo riết của Trung Quốc trên tuyến hàng hải huyết mạch của khu vcj và quốc tế này. Reuters nhận định, động thái mới này có thể sẽ bao gồm các cuộc tuần tra dài hơi hơn, với nhiều tàu thuyền hơn và các hoạt động trinh sát ở cự ly gần hơn với các tiền đồn của Trung Quốc, bao gồm các thiết bị chế áp điện từ và radar quân sự hiện đại của nước này. Các quan chức Mỹ cũng sẽ thúc đẩy các nước đồng minh và đối tác của mình trên toàn cầu nhằm thúc đẩy việc triển khai lực lượng hải quân của các nước này đi qua khu vực trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường tiềm lực quân sự đồng loạt trên Hoàng Sa và Trường Sa. Một quan chức ngoại giao phương Tây cho rằng: “Những gì ta thấy trong những tuần vừa qua chỉ là sự khởi đầu, những động thái nghiêm trọng hơn vẫn đang nằm trong kế hoạch”, ám chỉ cuộc tuần tra tự do hàng hải tháng trước được thực hiện bởi hai tàu hải quân của Mỹ, và “rõ ràng rằng cần phải có thêm nhiều cuộc tuần tra hơn nữa”.
Hiện Lầu Năm góc chưa có bình luận gì về các cuộc tuần tra trong tương lai song Trung tá Christopher Logan, Người Phát ngôn Lầu Năm góc khẳng định Mỹ vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với các nước bạn bè, đối tác và đồng minh nhằm bảo đảm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Reuters bình luận, Lầu Năm góc dường như đã bắt đầu có cách tiếp cận cứng rắn hơn, kể từ cuộc tuần tra tháng trước. Mới đây nhất, ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Đối thoại Shangri-la, Singapore đã tuyên bố rằng, hành động quân sự hoá của Trung Quốc ở Biển Đông giờ đã trở thành “một thực tế” nhưng Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với “những hậu quả không cụ thể”. Tại Hội nghị Shangri-la, trả lời câu hỏi rằng phải chăng đã quá muộn để ngăn chặn Trung Quốc, ông Mattis nói rằng: “Rốt cục rồi những hành động này của họ sẽ chẳng đi về đâu”.
Mỹ, Nhật, Úc đồng thuận trong việc bảo vệ Biển Đông trước những nỗ lực đơn phương nhằm phá vỡ nguyên trạng trên Biển Đông
Ngày 3/6, The Japan News đưa tin, ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng 3 nước Mỹ, Nhật, Úc đã nhất trí rằng cộng đồng quốc tế cần hợp tác nhằm đối phó với mọi nỗ lực đơn phương nhằm phá vỡ nguyên trạng trên Biển Đông, mà rõ ràng nhắm đến các hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở khu vực. Các quan chức cũng nhất trí triển khai một chương trình hành động chiến lược về an ninh biển áp dụng cho cả ba nước.
Ông Itsunori Onodera, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết phía Nhật Bản mong muốn hợp tác duy trì một trật tự trên biển tự do và cởi mở cùng với Mỹ và Úc theo một chiến lược nhừam đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Phát biểu của ông đã nhận được sự đồng tình của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne.
Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Philippines được gì trong chiến lược này?
Ngày 3/6, Rappler đăng bài bình luận: “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ: Philippines được gì trong chiến lược này?” của T.S Rommel C. Banlaoi, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Tình báo và An ninh quốc gia và Viện Nghiên cứu Hoà bình, Vũ lực và Khủng bố của Philippines.
Qua bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 17 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã có tuyên bố rõ ràng về chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương theo cách tiếp cận “toàn chính phủ” của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Quan trọng hơn trong bài phát biểu của ông Mattis là sự khẳng định mạnh mẽ cam kết lâu dài của Mỹ về sự hiện diện của nước này ở khu vực, xoá tan những hoài nghi rằng Mỹ sẽ bị Trung Quốc “thay thế” bởi nước này cũnhg đang theo đuổi chiến lược nhằm tăng cường và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực. Ông nhấn mạnh rằng chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “tự do và cởi mở” đã ghi nhận rằng “không một quốc gia nào có thể và sẽ thống trị khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
TS. Banlaoi khẳng định, là đồng minh an ninh của Mỹ, Philippines có vai trò “cực kỳ quan trọng” trong việc triển khai chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ông Mattis thậm chí đã đề cập đến Philippines trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump đang nỗ lực hâm nóng lại quan hệ đồng minh với các nước ở khu vực Đông Nam Á. Ông Banlaoi cho rằng, nếu không có hợp tác với Philippines, Mỹ sẽ khó có thể đạt được mục tiêu trong chiến lược này. Trước việc dư luận đang đặt ra những hoài nghi rằng phải chăng dưới chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines đang trở thành “con rối mới” của Trung Quốc khi đặt ưu tiên thúc đẩy quan hệ thân thiết với nước này trong khi vẫn đang duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ, tác giả cho rằng chính phủ Philippines cần nghiêm túc làm rõ cách tiếp cận hiện nay của chính quyền Philippines trong xử lý quan hệ với Trung Quốc với cộng đồng quốc tế và người dân nước này, đặt trong bối cảnh tranh chấp ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines: Philippines tăng cường nâng cấp hệ thống phòng thủ ở Biển Đông
ABS-CBN đưa tin, ngày 4/6, phát biểu trong cuộc phỏng vấn với hãng tin ANC bên lề Hội nghị Đối thoại Shanri-la tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana khẳng định “Philippines đang nỗ lực gấp đôi nhằm nâng cấp quân đội”. Ông Lorenzana cho hay: “hiện nay, Philippines không có đủ tiềm lực dù chỉ là để chứng tỏ khả năng của mình. Philippines không có tàu chỉ huy, không có vũ khí”. Ông cho biết đường băng duy nhất của Philippines trên Đá Thị Tứ “rất ngắn và chưa được cải tạo”, song Chính phủ đang hết sức nỗ lực cải thiện điều này để “có thể sẵn sàng đưa máy bay tới đó bất cứ lúc nào”.
Pháp hối thúc các bên tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông
Ngày 4/6, tạp chí The Straits Times đưa tin, phát biểu tại Đối thoại Shangri-la, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, khẳng định Pháp sẽ kiên quyết phản đối việc đưa ra bất cứ yêu sách nào nhằm đòi hỏi chủ quyền trên thực tế đối với các cấu trúc ở khu vực này. Bà Parly cũng nhấn mạnh rằng bởi tầm quan trọng của tuyến đường biển huyết mạch đối với an ninh kinh tế của nhiều quốc gia, các bên sẽ không có quyền được phớt lờ luật pháp quốc tế. Bà cho biết Pháp không phải là một bên trong tranh chấp lãnh thổ ở khu vực nhưng Pháp nhấn mạnh hai nguyên tắc của trật tự quốc tế dựa trên khu vực, đó là tranh chấp cần phải được giải quyết bằng các biện pháp pháp lý và đàm phán chứ không phải là áp đặt sự đã rồi, cùng với đó là cần phải bảo vệ tự do hàng hải”. Bà Parly cũng cho rằng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cần có tính ràng buộc về mặt pháp lý, toàn diện, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế đồng thời bày tỏ tin tưởng vào các cuộc đàm phán đang diễn ra hiện nay. Đại tướng Yao Yunzhu của Trung Quốc ngay lập tức đã đặt ra câu hỏi với bà rằng: “Pháp, theo như tôi được biết thì không phải là một bên tham gia đàm phán, thì cơ sở nào của luật pháp quốc tế mà bà dựa vào để đưa ra đề xuất như vậy?”. Bà đã đáp lại rằng bình luận của bà chỉ đơn thuần là một ý kiến song “các quốc gia cần phải rất rõ ràng rằng những hành động gây ra “sự đã rồi” đều sẽ không được chấp nhận”. Bên cạnh đó, bà Parly đặc biệt nhấn mạnh tới các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Pháp ở Biển Đông, khẳng định các hoạt động này đã được tiến hành theo đúng luật pháp quốc tế.
Pháp, Anh sắp đưa tàu chiến tới Biển Đông nhằm thách thức tham vọng của Trung Quốc
Ngày 4/6, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, ngày 3/6, tại Đối thoại Shangri-la, Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp và Anh cho biết hai nước này sẽ đưa tàu chiến qua Biển Đông nhằm thách thức các hành động bành trướng quân sự của Trung Quốc ở khu vực, góp phần xây dựng một trật tự dựa trên luật lệ. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết, nhóm chuyên trách về hàng hải của Pháp cùng với các máy bay trực thăng và tàu của Anh sẽ tới Singapore vào tuần tới để đi qua “một số khu vực xác định” trên Biển Đông. Dù không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc song bà cho biết các tàu chiến sẽ đi vào các khu vực “lãnh hải” mà Trung Quốc yêu sách và có thể sẽ có một cuộc chạm trán với quân đội nước này.