Các nước mong muốn, Mỹ nên có kế hoạch bố trí đủ vũ khí để vô hiệu hóa lợi thế tên lửa Bắc Kinh ở Biển Đông, khi cần có thể hủy diệt lập tức căn cứ quân sự Trung Quốc xây dựng.
Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép bãi đá Tư Nghĩa của Việt Nam ở Biển Đông
“Nếu họ đã tạo ra một căn cứ tên lửa mà chúng ta có thể phá hủy, bởi vì chúng ta có thể bố trí vũ khí trong khu vực đủ sức xâm nhập hệ thống phòng thủ và phá hủy nó, thì chúng ta đã vô hiệu hóa được lợi thế đó”, ông Marco Rubio nói với Washington Examiner.
Đề xuất này là một khía cạnh của nỗ lực rộng lớn hơn để ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc quân sự, đặc biệt là ở châu Á – Thái Bình Dương, nơi các quan chức Mỹ cảnh giác cao độ về sự bành trướng của Trung Quốc.
Cách tiếp cận này có tính chất đối đầu hơn so với một số đồng nghiệp thận trọng của ông, có khả năng làm tăng sự nhạy cảm của Trung Quốc với sức mạnh quân sự Mỹ trong khu vực.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio tin rằng, Trung Quốc đang theo đuổi một chiến lược tiệm tiến mà nếu không được kiểm soát, cuối cùng sẽ đẩy lãnh đạo Hoa Kỳ vào thế phải lựa chọn, hoặc một cuộc chiến hủy diệt, hoặc một thất bại không đổ máu.
Washington Ezaminer dẫn lời ông Marco Rubio bình luận:
“Chúng ta không cần tìm kiếm xung đột một cách không cần thiết, và có một cách để tránh nó, đó là tôn trọng các quy tắc.
Nhưng ở một số thời điểm, chúng ta sẽ phải thực thi các quy tắc này, hoặc chúng ta sẽ phải sống trong một thế giới mà họ (Trung Quốc) thống trị.
Và đó là những gì họ đang mong muốn, mà chúng ta thì không có bụng dạ nào.
Trên thực tế, nếu họ kết luận rằng chúng ta không còn bụng dạ nào, họ sẽ càng thích làm điều đó hơn.”
Ma sát giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ đã có từ nhiều năm nay, nhưng nó trở nên rõ rệt hơn dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trung Quốc đã sử dụng tia laser quân sự để gây ra thương tích nhỏ cho 2 phi công Mỹ ở Djibouti, theo Lầu Năm Góc.
Đáng kể hơn, Bắc Kinh đã triển khai các tên lửa hành trình chống hạm và các vũ khí khác ra đảo nhân tạo họ xây dựng (bất hợp pháp) ở Biển Đông để tuyên bố (cái gọi là) chủ quyền.
Thượng nghị sĩ Ron Johnson cho rằng, sự cố laser ở Djibouti là một cú “phản ứng” của Trung Quốc với Mỹ vì đạo luật cho phép các quan chức Mỹ – Đài Loan qua lại lẫn nhau.
Ông Marco Rubio không đồng ý với lập luận này, theo ông:
“Nếu chúng ta có thể giúp Đài Loan tăng cường phòng thủ, không đến mức họ có thể chiến thắng trong một cuộc xung đột, nhưng chí ít họ có thể buộc đối phương trả giá nặng nề nếu tiến hành thống nhất bằng vũ lực, điều đó sẽ trở nên một sự cân bằng.
Nếu chúng ta có thể tiếp tục làm việc cùng với các đồng minh trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Ấn Độ đi nữa, để tạo ra các hiệu ứng làm tăng cái giá phải trả cho hành đông phiêu lưu, thì người Trung Quốc sẽ phải hiệu chỉnh những nỗ lực của mình.
Họ sẽ chỉ lấy những gì họ có thể lấy.”
Tóm lại theo Thượng nghị sĩ Marco Rubio, Mỹ phải sử dụng đòn bẩy tổng hợp, bao gồm sức mạnh kinh tế, ngoại giao và quân sự của mình để duy trì đủ sức răn đe ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.
Ông nói: “Đây không phải là kiềm chế Trung Quốc, mà là bảo vệ sự cân bằng giữa họ với chúng ta.
Trung Quốc không có thói quen ứng xử với các nước nhỏ hơn một cách bình đẳng hoặc hợp tác, hiện nay cũng như trong lịch sử.
Trên thực tế, lịch sử của họ, thậm chí hành động của họ hiện này có xu hướng xem các nước nhỏ hơn như chư hầu, phụ thuộc vào lợi ích của Trung Quốc.”
Để tránh điều này, Thượng nghị sĩ Marco Rubio cho rằng, các quan chức Mỹ cần chuẩn bị cho một cuộc đụng độ quân sự tiềm tàng với Trung Quốc, nếu không họ sẽ đẩy Mỹ ra khỏi khu vực.
“Nếu, lạy Trời đừng xảy ra, một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, cả hai sẽ phải trả một giá đắt. Nhưng chúng ta sẽ phải đảm bảo rằng họ phải trả giá nặng hơn chúng ta”, ông Marco Rubio bình luận.