Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều vào ngày 12/6 tới nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng vốn không có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc. Hội nghị lịch sử này sẽ nhắc nhở cả hai nước về giá trị của sự hợp tác Trung-Mỹ. Từ việc hai cường quốc lớn hợp tác giải quyết một vấn đề có tác động tới khu vực và toàn cầu có thể sẽ là nền tảng cho một kỷ nguyên hợp tác mới trong quan hệ song phương.
Hội nghị thượng đỉnh nàycó thể là cơ hội tốt cho mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Dù điều đó có được hiện thực hóa hay không thì cũng không khó để nhận ra tại sao đó lại là một cơ hội cho cả hai bên.
Trung-Mỹ duy trì mối quan hệ từ gần nửa thế kỷ trước do sự quan ngại chung của hai nước về mối đe dọa đến từ Liên Xô. Đó là một trường hợp kinh điển của câu ngạn ngữ “Kẻ thù của kẻ thù chính là bạn của ta.” Mối quan hệ như vậy có thể tồn tại bất chấp điều gì – ngoại trừ sự biến mất của kẻ thù chung.
Mối quan hệ Mỹ-Trung cho thấy khả năng bền vững khi nó tìm ra một lý do mới cho sự tồn tại của cả hai bên: sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Người Mỹ vui vẻ mua một số lượng lớn hàng hóa tương đối rẻ của Trung Quốc, và nhu cầu này cung cấp việc làm cho hàng chục triệu người Trung Quốc chuyển từ các vùng nông thôn nghèo sang các thành phố mới hoặc những khu đô thị đang nhanh chóng mở rộng.
Còn Hoa Kỳ luôn bị mê hoặc bởi tiềm năng xuất khẩu sang thị trường rộng lớn của Trung Quốc, vốn đang khát những sản phẩm cao cấp hơn mà họ muốn nhưng không thể sản xuất được. Nhiều người ở Mỹ cũng tin rằng thương mại sẽ giúp Trung Quốc tăng lợi ích tự thân trong việc bảo vệ trật tự quốc tế hiện tại, làm tăng khả năng sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc chủ chốt sẽ mang tính chất hòa bình.
Sau nhiều năm, mối quan hệ kinh tế vốn là nền tảng của mối quan hệ Trung-Mỹ ngày càng trở thành một nguồn mâu thuẫn đe dọa quan hệ song phương. Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn là nhập khẩu, góp phần vào sự biến mất của hàng triệu công ăn việc làm của người Mỹ. Trung Quốc cũng không mở cửa thị trường như mong đợi, hay tiến hành những cải cách mà họ đã hứa hẹn. Hơn nữa, chính phủ Trung Quốc tiếp tục trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và đánh cắp tài sản sỡ hữu trí tuệ hoặc yêu cầu chuyển giao các tài sản này cho các đối tác Trung Quốc như là một điều kiện để các công ty nước ngoài được tiếp cận thị trường nội địa Trung Quốc.
Sáng kiến Vành đai và Con đường dường như không hẳn là một chương trình phát triển mà là một công cụ địa kinh tế nhằm mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Các yêu sách quá đà của Trung Quốc đối với Biển Đông và sự hình thành các căn cứ quân sự của nước này ở đó bị các nước trong khu vực coi là một sự khiêu khích.
Những tiến triển chính trị trong nước của Trung Quốc khiến các nhà quan sát thất vọng. Việc bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước và sự tập trung quyền lực vào tay Chủ tịch Tập Cận Bình là một bất ngờ không đáng mong đợi đối với nhiều người. Cũng có những lo ngại về sự đàn áp giới bất đồng chính kiến (thường được che giấu dưới vỏ bọc chống tham nhũng của Tập), sự đè nén xã hội dân sự, và sự đàn áp những người thiểu số Uighur và Tây Tạng tại các tỉnh miền Tây Trung Quốc. Kết quả là giờ đây các tài liệu chính thức của chính phủ Hoa Kỳ thường so sánh Trung Quốc với Nga và gọi nước này là một đối thủ cạnh tranh chiến lược.
Bây giờ chúng ta xem xét vấn đề Triều Tiên. Nước này sở hữu những vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa bị Trung Quốc xem là một mối đe dọa thực sự – không phải đối với chính nó, mà là với các lợi ích của nước này ở khu vực. Trung Quốc không muốn một cuộc xung đột làm gián đoạn thương mại khu vực và dẫn đến hàng triệu người tỵ nạn tràn qua biên giới của mình.
Bắc Kinh luôn lo sợ một cuộc chiến như vậy sẽ dẫn tới một nước Triều Tiên thống nhất nằm vững chắc trong quỹ đạo chiến lược của Mỹ. Họ cũng không muốn Nhật Bản và các nước láng giềng khác cân nhắc lại sự miễn cưỡng lâu nay trong việc phát triển kho vũ khí hạt nhân riêng. Chính phủ Trung Quốc cũng phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc (vốn được mua lại từ Hoa Kỳ để đối phó với việc triển khai tên lửa của Triều Tiên), điều Trung Quốc coi là mối đe dọa đối với khả năng răn đe hạt nhân của chính mình.
Câu hỏi đặt ra cho Trung Quốc là liệu nước này có sẵn sàng gây đủ áp lực lên Triều Tiên để Bình Nhưỡng chấp nhận các ràng buộc có ý nghĩa đối với các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này hay không. Câu hỏi đặt ra cho Hoa Kỳ là liệu họ có sẵn sàng chấp nhận một kết quả ngoại giao nhằm ổn định tình hình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nhưng không nhất quyết giải quyết được vấn đề đó trong tương lai gần?