Bắc Kinh có rất nhiều chiêu thuật để “bịt mắt” gần 1,5 tỷ người Trung Quốc và người dân sẽ không thể biết về tình trạng lạm dụng nhân quyền đang diễn ra hàng ngày trên khắp đất nước, theo Business Insider.
Tất cả các cơ quan truyền thông tại Trung Quốc đều nằm trong tay của chính quyền. Họ được “nuôi dưỡng” để đăng các bài ca ngợi chính quyền, và những bài viết này luôn tràn ngập trên internet. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng thiết lập các điểm giám sát người dân tộc thiểu số và kiểm soát gắt gao hệ thống internet để ngăn chặn những nội dung đăng tải không phù hợp với “đường lối” của nhà cầm quyền, Business Insider cho biết.
1. Dùng truyền thông để lèo lái dư luận
Business Insider nêu một dẫn chứng vào năm 2013. Khi đó, cảnh sát Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương khiến nhiều người bị giết chết. Các quan chức của chính quyền Bắc Kinh đã ra lệnh cho một lực lượng dư luận viên có biệt danh “nhóm 50 xu” phải ngay lập tức “sản xuất” hàng trăm bài viết trực tuyến có nội dung về phát triển kinh tế, cách thức làm giàu nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của người dân.
Theo một báo cáo năm 2016 của đạị học Harvard, Chính quyền Trung Quốc trả tiền cho 2 triệu người để tạo ra các bài viết ca ngợi chính phủ và các bài viết này được đưa lên hệ thống internet vào các thời điểm “vàng” trong ngày, mỗi bài viết sẽ được trả 50 xu tiền Trung Quốc, nên nhóm người này được gọi là “nhóm 50 xu”.
Mỗi năm, nhóm này xuất bản khoảng 448 triệu bài. Khoảng một nửa các bài viết trong số đó được chèn vào các trang truyền thông trong thời điểm vàng, và những bài còn lại được đăng trên các trang của chính phủ.
“Trên phương tiện truyền thông xã hội, thay vì đưa ra các vấn đề nóng đang xảy ra trong nước, thì lại tràn ngập một số lượng lớn các bài viết về du lịch, mua sắm. Những bài viết này nhằm làm công chúng quên đi những vấn đề nóng xảy ra trong ngày”, theo bà Jennifer Pan, một trong những tác giả tham gia viết báo cáo của Harvard.
Năm 2001, tại Trung Quốc đã xảy ra một vụ tự thiêu trên quảng trường Thiên An Môn. Tân Hoa Xã ngay lập tức phát hành bản tin về vụ tự thiêu và đưa ra cáo buộc những người tập Pháp Luân Công chính là những người thực hiện vụ việc này. Tuy nhiên, theo báo cáo điều tra của các tổ chức quốc tế, chính quyền Trung Quốc đã dàn dựng vụ tự thiêu này nhằm bôi nhọ Pháp Luân Công và biện minh cho cuộc đàn áp đẫm máu đối với môn thiền định này.
Video: Vụ tự thiêu dàn dựng trên Quảng trường Thiên An Môn
2. Giám sát người dân dưới vỏ bọc “chương trình phát triển”
Tây Tạng là một nỗi ám ảnh đối với Chính quyền Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc xâm lược Tây Tạng vào năm 1950 và từ đó Trung Nam Hải luôn khẳng định vùng đất này thuộc về mình. Trong khi đó, ba triệu người dân Tây Tạng luôn phản đối sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua.
Một người Tây Tạng tự thiêu để phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc. (Ảnh: CBS News)
Kể từ năm 2013, Trung Quốc thường xuyên tăng cường các chương trình xã hội với mục đích xóa đói giảm nghèo và cải thiện cơ sở hạ tầng ở Tây Tạng. Nhưng thực ra đây là cái cớ để Bắc Kinh đưa các quan chức của mình thâm nhập vào vùng đất này nhằm kiểm soát người dân Tây Tạng dễ dàng hơn, theo Business Insider.
Dưới cái gọi là chương trình “quản lý xã hội”, dán mác một chương trình đào tạo nghề và kỹ năng cho người dân Tây Tạng, nhưng thực chất chương trình đào tạo này sẽ được trộn lẫn với những bài học chính trị nhằm mục đích tẩy não và tăng cường lòng trung thành của người dân Tây Tạng với chính quyền Trung Quốc.
3. Tăng cường kiểm duyệt internet
Để kiểm duyệt internet, chính quyền Trung Quốc dùng một hệ thống phần mềm được xem là tinh vi nhất thế giới, mang tên Tường lửa Vạn Lý Trường Thành. Hệ thống tường lửa của nước này được xây dựng thành nhiều tầng và khá phức tạp. Chính phủ sẽ xóa bỏ các nội dung trên hệ thống internet khi các nội dung này đề cập đến những hành vi vi phạm nhân quyền của họ, và các vấn đề không có lợi cho hình ảnh của chính phủ.
Những từ khóa liên quan đến Pháp Luân Công hay Thiên An Môn hoàn toàn bị chặn trên hệ thống internet của nước này.
Đầu năm nay, hàng trăm bài có chứa từ #MeToo đăng trên mạng xã hội của nước này đã bị xóa.
#MeToo là một phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục. Phong trào này phát triển nhanh chóng trên thế giới từ tháng 10/2017. Chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng đàn ông Trung Quốc không bao giờ cư xử thô lỗ với phụ nữ.
Cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân nổi tiếng có nhiều tình nhân (Ảnh: Boxun)
Tuy nhiên dưới thời Giang Trạch Dân cai trị đất nước, ông ta đã đẩy nước này vào tình trạng tham nhũng tràn lan, hiện tượng các quan chức chính phủ có tình nhân là điều hết sức bình thường. Ông Giang Trạch Dân có rất nhiều tình nhân, trong đó 4 người nổi tiếng nhất là Trần Chí Lập, Hoàng Lệ Mãn, Tống Tổ Anh và Lý Thuỵ Anh.