Thursday, November 21, 2024
Trang chủQuân sựChân dung "dũng sĩ diệt khổng lồ" đại diện Philippines kiện TQ

Chân dung “dũng sĩ diệt khổng lồ” đại diện Philippines kiện TQ

Được biết đến với những chiến thắng khi đại diện cho nước nhỏ chống lại cường quốc, luật sư Paul Reichler cũng là người đã đại diện Philippines trong vụ kiện Trung Quốc tại PCA.

Luật sư Paul Reichler. Ảnh: Rappler

Tháng 6/1986, luật sư người Mỹ Paul Reichler, khi ấy mới chỉ 38 tuổi, đã đánh bại chính quê hương ông trong một vụ kiện mang tính lịch sử, minh chứng cho việc ngay cả các nước lớn cũng không thể tự cho mình cái quyền coi thường luật pháp quốc tế.

Ông Reichler đã mang về chiến thắng cho một Nicaragua vừa nghèo vừa yếu thế trong vụ kiện cáo buộc Mỹ hậu thuẫn lực lượng gây bất ổn chống lại chính phủ cánh tả của Nicaragua.

Gần 3 thập kỷ sau, người được mệnh danh là “dũng sĩ diệt khổng lồ” (giant slayer) này một lần nữa đã đứng ra bảo vệ một “kẻ yếu” khác trong vụ kiến chống lại một cường quốc và cũng đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ ba của mình.

Luật sư Reichler đã dẫn đầu phái đoàn Philippines trước Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) hồi đầu tháng, khi Manila khởi kiện Trung Quốc về vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông.

Reichler hiện là partner tại Foley Hoag (Mỹ), một văn phòng luật sư có tiếng với lịch sử 70 năm hoạt động. Ông đảm nhiệm chức vụ đồng chủ tịch bộ phận kiện tụng và tranh chấp quốc tế.

Tên tuổi của Reichler nổi lên vào năm 1984, chỉ 11 năm sau khi ông tốt nghiệp với bằng Tiến sĩ Luật tại Đại học Harvard.

Khi đó, trước Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), ông đã đại diện cho chính phủ Nicaragua trong một vụ kiện lịch sử chống lại chính nước Mỹ quê hương mình.

Vụ kiện lịch sử

Bấy giờ, Nicaragua cáo buộc chính phủ Mỹ đã cấp vốn cho lực lượng contra (phản động) để lật đổ chính phủ Sandinista cầm quyền. Nước này cũng “tố” Mỹ đã đặt mìn ở cảng và vùng biển thuộc chủ quyền Nicaragua.

ICJ đã đứng về phía Nicaragua, với một trong các lý do đưa ra là Mỹ đã vi phạm “nguyên tắc không sử dụng vũ lực”, đồng thời ra phán quyết yêu cầu Mỹ bồi thường cho Nicaragua 370,2 triệu USD. Tuy nhiên, phía Mỹ từ chối không nghe theo phán quyết của tòa.

Ông Reichler (phải) đại diện Nicaragua trong vụ tranh chấp chủ quyền với Costa Rica năm 2012. Ảnh: Reuters

Ông Reichler (phải) đại diện Nicaragua trong vụ tranh chấp chủ quyền với Costa Rica năm 2012. Ảnh: Reuters

Phó Chánh án cấp cao Antonio Carpio thuộc Tòa án Tối cao Philippines cho biết, Nicaragua sau đó đã đệ đơn lên LHQ yêu cầu Mỹ phải tuân thủ phán quyết, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của nhiều quốc gia khác.

Trả lời phỏng vấn với trang Rappler (Philippines), ông Carpio cho biết khi đó diễn biến vụ việc đã khiến Mỹ phải đứng trước nguy cơ bị phá hỏng hình ảnh nghiêm trọng. Cộng đồng quốc tế cũng gửi thông điệp tới Mỹ rằng: “Các ông đang vi phạm luật pháp quốc tế”.

Rốt cuộc, Mỹ đã phải “tặng” Nicaragua một gói hỗ trợ kinh tế trị giá 500 triệu USD, và phía Nicaragua cũng hủy bỏ yêu cầu Mỹ bồi thường thiệt hại.

“Hai bên đã đi tới một sự đồng thuận, theo cách giữ thể diện cho nước Mỹ”, ông Carpio phát biểu.

Người đứng sau “đạo diễn” tất cả những diễn biến trên, không ai khác chính là “dũng sĩ diệt khổng lồ” Paul Reichler.

Trở thành “người nổi tiếng”

“Thắng lợi bước đầu của Nicaragua trước Mỹ tại ICJ đã được ‘đạo diễn’ bởi một luật sư Washington không mấy tên tuổi, một người đã bỏ việc tại hai văn phòng luật danh giá để nhất quyết đại diện cho chính phủ Sandinista” – Washington Post viết về ông Reichler sau vụ kiện.

Vài năm sau, New York Times cũng đưa tin, ông Reichler đã đảm nhận vai trò cố vấn pháp luật cho chính phủ Sandinista ngay từ những ngày đầu thành lập.

Báo này cũng đánh giá, trong số nhiều luật sư Mỹ từng đứng ra bảo vệ cho chính phủ Nicaragua, chưa có ai “nhận được sự tin tưởng tuyệt đối như ông Reichler”.

Phát biểu về vụ kiện này, ông Reichler từng nói:

“Có một vấn đề về mặt nguyên tắc mà tôi rất quan tâm, đó là việc Mỹ hỗ trợ tài chính và chỉ đạo chống phá Nicaragua qua lực lượng contra…

Trên tư cách một công dân Mỹ, cuộc chiến này phải chấm dứt. Cuộc chiến tranh này bất hợp pháp, vô đạo đức và đi ngược lại với những lợi ích của đất nước tôi.

Việc chính phủ Tổng thống Reagan trắng trợn vi phạm luật quốc tế với những gì họ đang làm ở Nicaragua không chỉ sai trái mà còn đi ngược lại những lợi ích cao nhất của nước Mỹ.

Nó đi ngược lại hoàn toàn chuẩn mực đạo đức của chúng ta trong vai trò một lãnh đạo thế giới, và với việc làm suy yếu hệ thống luật quốc tế, hành động này của Mỹ đã ‘vẽ đường’ cho các quốc gia khác có thể coi thường luật pháp mà không bị trừng phạt”.

Đại diện các nước nhỏ

Kể từ sau vụ Nicaragua, ông Reichler được biết đến là một luật sư chuyên đại diện các nước nhỏ trong cuộc chiến pháp lý với các nước lớn. Năm 2012, ông cũng đã giúp Nicaragua và Bangladesh giải quyết các vấn đề tranh chấp chủ quyền của mỗi nước.

“Trước tòa, một nước nhỏ yếu thế hơn về mặt quân sự, kinh tế, thương mại, ít nhất phải có cơ hội được đấu tranh một cách sòng phẳng trước đối thủ là một nước lớn” – ông Reichler phát biểu sau khi biết tin Manila chính thức khởi kiện Bắc Kinh.

Năm 2013, Wall Street Journal từng hỏi ông Reichler liệu văn phòng luật sư của ông có lo ngại sẽ “làm phật ý Trung Quốc” nếu ông đại diện cho phía Philippines hay không. Ông đáp lại:

“Tôi và các đồng nghiệp tại Foley Hoag đứng trước một sự lựa chọn: đấu tranh vì công lý, hoặc tránh làm phật ý kẻ giàu kẻ mạnh, những thế lực có khả năng sẽ trở thành các khách hàng đem lại lợi nhuận cao cho văn phòng chúng tôi.

Nhưng chúng tôi trở thành luật sư để làm gì? Để đấu tranh vì công lý. Vì thế, chúng tôi không bao giờ chần chừ trước những lựa chọn như vậy”.

Tháng 10/2013, “dũng sĩ diệt khổng lồ” Paul Reichler chính thức nhận lời đại diện Philippines khởi kiện Trung Quốc trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới