Thursday, November 7, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChuyên gia lo ngại Trump cho nhiều hơn nhận khi gặp Kim...

Chuyên gia lo ngại Trump cho nhiều hơn nhận khi gặp Kim Jong-un

Tổng thống Mỹ tỏ ra khá vội vã trong cuộc họp với lãnh đạo Triều Tiên và chặng đường phía trước còn nhiều chông gai, giới chuyên gia nhận định.

“Dường như Trump đã cho đi nhiều hơn trông đợi trong trao đổi với Kim Jong-un, khi mà Triều Tiên không có hành động cụ thể nào cho thấy có thể xác định được sự nghiêm túc của Kim Jong-un về phi hạt nhân hoá”, Scott Snyder, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), Mỹ, đánh giá khi trao đổi với VnExpress về cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên ngày 12/6 tại Singapore.

Snyder nêu rõ với việc bình thường hoá quan hệ với Kim Jong-un như một đối tác trên thế giới, cam kết thiết lập “quan hệ Mỹ – Triều mới”, hứa hẹn chấm dứt tập trận với Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ đã tiến nhanh theo hướng đáp ứng yêu cầu lâu dài của Triều Tiên về chấm dứt “quan hệ thù địch” giữa hai nước. Trump cũng đề xuất đảm bảo an ninh cho Triều Tiên như một điều kiện để Bình Nhưỡng phi hạt nhân hoá. 

Thế nhưng, Kim Jong-un lại không thể hiện sự nhượng bộ tương xứng với những gì Trump đưa ra. Triều Tiên chỉ nhắc lại mong muốn “phi hạt nhân hoá hoàn toàn”, cam kết phá huỷ điểm thử động cơ tên lửa, trong khi không nói rõ lịch trình và quy mô của các hoạt động này. 

Snyder cho rằng Tuyên bố chung được ký kết sau cuộc họp thượng đỉnh Trump – Kim không giúp xử lý trực tiếp các vấn đề liên quan đến chương trình tên lửa, vũ khí sinh học và hoá học, vấn đề nhân quyền của Triều Tiên, cho thấy thời gian và tiến triển hạn hẹp trong các cuộc đàm phán kỹ thuật.

Tuyên bố chung cũng không cho thấy bất kỳ sự liên hệ nào giữa tiến trình hoà bình và phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên với những cam kết trong Tuyên bố Panmunjom mà lãnh đạo Triều Tiên đã đạt được cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sau cuộc họp cuối tháng 4 vừa qua. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp Quốc vẫn được giữ nguyên tùy thuộc vào tiến triển thực chất của việc phi hạt nhân hoá, không có thêm lệnh trừng phạt với Triều Tiên.

“Tính biểu tượng của cuộc gặp giúp đảm bảo là chiến dịch gây áp lực tối đa với Triều Tiên đã đạt đỉnh. Theo đó Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ nỗ lực thúc đẩy việc giảm bớt áp lực kinh tế với Triều Tiên”, Snyder dự đoán.

Chuyên gia của CRF đánh giá tất cả các vấn đề còn bỏ ngỏ trong Tuyên bố chung Trump – Kim cần được đưa vào chương trình nghị sự do Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dẫn dắt. Nhưng ông nghi ngờ về tiến triển nhanh chóng do những cam kết mang tính “áng chừng” trong Tuyên bố chung.

“Bất chấp sự kịch tính và ý nghĩa lịch sử của cuộc gặp, kết quả không được như kỳ vọng. Trump phải đối diện với thách thức lớn trong việc mang lại sự chuyển biến trong quan hệ Mỹ – Triều như một sứ mệnh lịch sử”, Snyder nói.

Cũng tỏ ra thất vọng về những gì Tổng thống Mỹ thể hiện trong cuộc gặp lãnh đạo Triều Tiên, Allison Peters, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Third Way, Mỹ, cho rằng Trump đã trao cho Kim vị thế chính đáng, như một món quà, trong khi Kim là lãnh đạo một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân phi pháp. Trump cũng hứa dừng tập trận chung với Hàn Quốc, đổi lấy lời hứa trống rỗng của Triều Tiên.

“Thoả thuận không có định nghĩa nào, không có lịch trình và không có lộ trình để xác minh được Triều Tiên tuân thủ với bất cứ điều gì. Đây là một thoả thuận tồi với Mỹ và đồng minh”, Peters nói.

Andrew Salmon, cây bút của Asia Times, đánh giá mặt tích cực của cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên là họ tỏ ra rất hợp nhau, nhưng mặt tiêu cực là có ít kết quả thực chất. Tuyên bố chung không có chi tiết, thời gian, không có bước đi cụ thể, không có cam kết. “Đây là một thành công về hình thức nhưng thực chất lại thất bại”, Salmon nói. 

Khởi đầu tốt đẹp – chông gai phía trước 

Từng là đặc phái viên của Mỹ tham gia thảo luận 6 bên với Triều Tiên, Joseph DeTrani miêu tả cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim Jong-un là một thành công lớn. Ông cho rằng triển vọng hoà bình trên bán đảo Triều Tiên là khả quan khi Bình Nhưỡng cam kết phi hạt nhân hoá hoàn toàn. DeTrani nhận định Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ là người dẫn dắt việc thực hiện Tuyên bố chung. 

“Sẽ phải có nhiều việc phải làm nhưng đây là một khởi đầu tuyệt vời”, DeTrani nói về cuộc gặp của Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên.

Ken Gause, Tổ chức phân tích CNA, Mỹ, nói rằng mặc dù cuộc gặp giữa Trump và Kim Jong-un không có nhiều chi tiết cụ thể nhưng vẫn có những tuyên bố quan trọng. Mỹ và Triều Tiên sẽ cần có một quá trình dài để hợp tác nhưng cuộc gặp là một khởi đầu tốt đẹp. Đây là lúc để lãnh đạo hai nước hiểu nhau hơn, và đó là điều đã diễn ra ở Singapore. Ông nhận định Triều Tiên sẽ muốn giữ hợp tác với Mỹ, vì thế ông trông đợi tiến trình phi hạt nhân hoá sẽ được thực hiện trong tương lai gần. 

“Sẽ có những cú va chạm mạnh trên lộ trình này, Mỹ có đạt được mục tiêu Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn có thể kiểm chứng, không thể đảo ngược hay không? Chúng ta cần phải chờ xem”, Gause nói. 

Giáo sư Peter Feaver, Đại học Duke, Mỹ, đánh giá cuộc gặp giữa Trump và Kim thành công về mặt biểu tượng và chiến thuật. Không có sự cố gì xảy ra và hai bên đều có những hình ảnh và tít báo như mong muốn. Về dài hạn, cuộc họp lịch sử này có là một thành công chiến lược hay không thì phụ thuộc rất nhiều vào những việc khó khăn cần xử lý.

Theo Scott Snyder ở Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR), Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên đã thay đổi quỹ đạo quan hệ hai nước từ đối đầu sang hợp tác và mang lại hình ảnh đầy kịch tính về tái hòa giải trong cuộc họp ở Singapore. Cuộc gặp giúp giải quyết mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên và giảm rủi ro về xung đột quân sự trong tương lai gần. Tuyên bố chung 4 điểm của hai nhà lãnh đạo đã nêu rõ tầm quan trọng và khó khăn của những việc cần làm. 

Tài liệu do hai nhà lãnh đạo ký kết lần đầu tiên mở ra hình dung về mối quan hệ bình thường giữa Mỹ và Triều Tiên, nhắc lại cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” của Kim Jong -un, từng đưa ra trong Tuyên bố Panmunjom hồi cuối tháng 4 cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Thoả thuận của Trump và Kim cũng cho phép mở ra các đàm phán sau này do Ngoại trưởng Mỹ Pompeo thực hiện cùng các đối tác Triều Tiên.

“Cách tốt nhất là Ngoại trưởng Mỹ và nhóm của ông cần xắn tay lên và trở lại làm việc với các đồng minh, đem lại một nền hòa bình thực sự trên bán đảo Triều Tiên”, Snyder nói.

Theo Alexandra Bell, chuyên gia tại Trung tâm Kiểm soát và không phổ biến vũ khí (CACN), Tuyên bố chung Mỹ – Triều nhắc lại những điểm mà cả Trump và Kim công khai trước đây, dường như hai bên cam kết chân thật cùng hướng tới lộ trình phía trước. Việc nhất trí về các chi tiết kỹ thuật sẽ cần nhiều thời gian và Tổng thống Trump cần tính toán kỳ vọng của mình và những chủ đề để thúc đẩy tiến trình. Bell cho rằng những lời ca ngợi thành công của Trump sau hội nghị là vội vã, gợi ý Mỹ – Triều không để lãng phí động lực mà cuộc họp mang lại, từ đó khởi động các đàm phán kỹ thuật càng sớm càng tốt.

Giáo sư Feaver thì cho rằng Trump đang chơi trò cá cược lớn, như điều cựu tổng thống Barack Obama đã làm với Iran.

“Nếu chúng ta nhượng bộ trước và có được câu chuyện lạc quan mới, liệu chúng ta có thể thuyết phục Triều Tiên thay đổi? Chúng ta sẽ biết trong những tháng tới liệu trò đánh cược này có phải là sự khôn ngoan hay không”, Feaver nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới