Bản tin Biển Đông ngày 12/06/2018.
Phó Tổng thống Philippines khẳng định hành động xâm phạm lãnh thổ Philippines của Trung Quốc là “nguy cơ đe doạ nghiêm trọng nhất”
Ngày 11/6, CNN Philippines đưa tin, phát biểu tại Diễn đàn về Biển Đông được tổ chức ở trường Đại học Philippines-Diliman, Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo khẳng định việc Trung Quốc vẫn tiếp tục xâm phạm vào các vùng lãnh thổ của Philippines là “mối đe doạ lớn nhất từ bên ngoài” đối với nước này kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Bà Robredo đã chỉ trích hành động quân sự hoá của Trung Quốc trên Biển Đông, trong bối cảnh Philippines đang bị đặt trong phạm vi tấn công của các máy bay ném bom mà Trung Quốc đã đưa tới quần đảo Hoàng Sa. Bên cạnh đó, bà kêu gọi Chính phủ cần có hành động và tận dụng tất cả các biện pháp ngoại giao để “phản đối hoà bình” các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời khẳng định sự cần thiết của việc phải đưa ra các phản đối ngoại giao với những nội dung “mạnh mẽ nhất”.
Tuyên bố của bà Leni Robredo được đưa ra sau khi có những thông tin về việc ngư dân Philippines bị lực lượng hải cảnh của Trung Quốc nhiều lần gây phiền nhiễu ở bãi cạn Scarborough. Bà bày tỏ lo ngại rằng: “Philippines đã có lập trường mềm mỏng về vấn đề Biển Đông nhằm tránh xung đột song xung đột mà Philippines lo ngại đã xảy ra ngay trước mắt. Ngư dân của Philippines đang bị gây sách nhiễu bởi súng ống, đạn dược, tàu bè và những hành động hăm doạ”. Bà Robredo đặc biệt nhấn mạnh rằng chủ quyền lãnh thổ của Philippines không thể bị thoả hiệp bởi các thoả thuận thương mại và đầu tư với Trung Quốc, đồng thời kêu gọi người dân Philippines tỉnh táo hơn và tăng cường nhận thức về chính sách đối ngoại của quốc gia.
NATO và Trung Quốc quay lại các cuộc thảo luận quân sự
Ngày 11/6, trang mạng điện tử của NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) cho biết, sau ba năm ngừng trệ do một số vấn đề liên quan đến việc Trung Quốc cải tổ quân đội và các cuộc khủng bố đẫm máu tại Brussels, Bỉ, NATO và Trung Quốc đã tiếp tục nối lại các cuộc thảo luận giữa các sỹ quan quân sự. Các cuộc thảo luận lần thứ 5 đã được tổ chức vào ngày 5/6/2018 tại trụ sở mới của NATO tại Brussels.
NATO cho hay, các đại diện tham gia cuộc thảo luận đều khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường đối thoại về quân sự giữa NATO và Trung Quốc. Chủ đề của cuộc thảo luận bao gồm các vấn đề Bắc Triều Tiên, Biển Đông, an ninh biển và chống cướp biển, những vấn đề an ninh của khu vực Trung Á, đặc biệt là ở Afghanistan và Pakistan, an ninh khu vực Châu Âu, cải tổ quân sự và quốc phòng Trung Quốc, chính sách hợp tác của NATO và các vấn đề hợp tác thực chất giữa NATO và Trung Quốc.
Theo thông tin từ NATO, cuộc thảo luận đã thông qua được một thoả thuận về việc sẽ tổ chức các cuộc họp tiếp theo nhằm duy trì các kế hoạch hành động về những lĩnh vực hợp tác giữa NATO và Trung Quốc. Dự kiến, cuộc thảo luận lần thứ 6 sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào năm tới.
Đài Loan bác bỏ tin đồn về việc cho Mỹ thuê đất ở “đảo” Ba Bình
Ngày 11/6, trang Focus Taiwan đưa tin, ngày 9/6, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Andrew Lee đã bác bỏ thông tin nói rằng Đài Loan đang lên kế hoạch cho Mỹ thuê “đảo” Ba Bình ở Biển Đông đồng thời khẳng định rằng không có nước nào, kể cả Mỹ, đưa ra yêu cầu như vậy. Ông Lee cho biết: “thông tin giả này là nhằm gây bất ổn tình hình khu vực cũng như gây xung đột giữa đôi bên về vấn đề eo biển Đài Loan”. Ông kêu gọi tất cả các bên cần ngừng việc lan truyền tin thất thiệt và kiềm chế việc “tấn công chính quyền Đài Loan bằng những căn cứ không có cơ sở”. Bên cạnh đó, ông Lee nhấn mạnh, Đài Loan là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế và sẽ giải quyết vấn đề Biển Đông dựa trên “bốn nguyên tắc” và “năm hành động” do Tổng thống Thái Anh Văn đưa ra hồi tháng 7/2016 nhằm đưa “đảo” Ba Bình gthafnh trung tâm hỗ trợ và nghiên cứu khoa học quốc tế.
Theo “Bốn nguyên tắc”, chính quyền Đài Loan cho rằng tất cả các tranh chấp liên quan đến Biển Đông cần được giải quyết một cách hoà bình phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trên các vùng biển. Ông Lee cũng khẳng định lập trường của Đài Loan là tất cả các công trình quân sự và các hoạt động khác gây leo thang căng thẳng cần phải được chấm dứt để bảo đảm hoà bình và ổn định ở khu vực.
Bên cạnh đó, ông cũng nhắc tới “năm hành động” mà Tổng thống Thái đã đưa ra, đó là bảo đảm quyền đánh cá của Đài Loan, quyền tham gia vào các cuộc đàm phán đa phương, thúc đẩy hợp tác khoa học, thúc đẩy ứng phó nhân đạo và tiếp tục phát triển năng lực nghiên cứu luật biển.
Philippines lên kế hoạch mua những chiếc tàu ngầm đầu tiên trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông
Ngày 12/6, trang Asian Correspondent đưa tin, ngày 11/6, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết Philippines đang lên kế hoạch đặt mua những chiếc tàu ngầm đầu tiên nhằm phục vụ việc hiện đại hoá năng lực quốc phòng nằm trong chương trình hiện đại hoá Lực lượng vũ trang Philippines (AFP). Ông cho hay Philippines đang nhắm tới một số đối tác như Hàn Quốc, Nga và các nước để đặt mua tàu ngầm. Bên cạnh đó, ông Lorenzana cho hay các nước láng giềng gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam đều đã có tàu ngầm, và do đó Philippines cũng cần phải có tàu ngầm để bảo vệ lãnh thổ của mình.
Cùng ngày, Philippines cũng đã đề nghị phía Trung Quốc chỉ đạo lực lượng hải cảnh ngừng việc lấy cá của ngư dân Philippines ở bãi cạn Scarborough và nhấn mạnh rằng những hành động này là “không thể chấp nhận được”. Đáp lại, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã bao biện rằng hải cảnh Trung Quốc “hoạt động hoàn toàn phù hợp với luật pháp” và “Trung Quốc đang tiến hành điều tra vụ việc đã được truyền thông đăng tải”. Mặt khác, ông khẳng định hải cảnh Trung Quốc được duy trì nhằm bảo vệ “hoà bình và trật tự” và thậm chí trong quá khứ còn hỗ trợ nhân đạo cho ngư dân Philippines.