Bản tin Biển Đông ngày 21/06/2018.
Thủ tướng Malaysia đề xuất tiếp tục kiểm soát các đảo nước này có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông
Ngày 20/6, tạp chí The Star đưa tin, trả lời phỏng vấn của báo chí Hồng Kông, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng Malaysia cần tiếp tục kiểm soát các cấu trúc mà nước này có yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông nhưng sẽ không chiếm thêm các cấu trúc nào khác. Cụ thể, ông nói: “Trung Quốc đã yêu sách Biển Đông là của họ, song những đảo đó (khoảng 4 đến 5 đảo) từ lâu đã được coi là thuộc chủ quyền của Malaysia, do đó, Malaysia cần phải giữ lại chúng”. Ngoài ra, ông Mahathir cũng cho biết thêm: “có một số đá mà Malaysia đã cải tạo thành đảo, Malaysia hy vọng có thể duy trì hiện diện trên các đảo đó nhằm góp phần bảo vệ an toàn trước những nguy cơ trên biển, trong đó có cướp biển”.
Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông vẫn đang tiếp tục leo thang, trước đó, ông Mahathir cũng đã đề xuất rằng để có thể duy trì hoà bình ở Biển Đông thì thay vì điều động các tàu chiến, các bên chỉ nên “tuần tra bằng các tàu cỡ nhỏ”, “được trang bị đủ để đối phó với cướp biển chứ không phải để chiến đấu”. Bên cạnh đó, khi được hỏi về khả năng những bên nào sẽ tuần tra khu vực, ông khẳng định các nước ASEAN sẽ là “một lựa chọn dễ hiểu” bởi “Biển Đông được bao quanh bởi một số nước ASEAN”, nhưng ông cho rằng nếu Trung Quốc hoặc Mỹ cũng muốn tuần tra và thực hiện bằng các tàu nhỏ, điều đó hoàn toàn được hoan nghênh.
Thượng Nghị sỹ kêu gọi Chính phủ ra “Các nguyên tắc hành động” cho các ngư dân ở Biển Đông
The Philippine Star đưa tin, ngày 20/6, Thượng Nghị sỹ Gary Alejano đã kêu gọi Chính phủ đưa ra những chỉ dẫn và “các nguyên tắc hành động” cho các ngư dân Philippines nhằm đối phó với căng thẳng ở các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là trong trường hợp bị phía Trung Quốc sách nhiễu. Đặc biệt, trong bối cảnh Trung Quốc vẫn ngang ngược tiến hành các hoạt động quân sự hoá ở Biển Đông, ông Alejano cũng hối thúc Quốc hội và chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte ban hành luật nhằm hiện đại hoá lực lượng cảnh sát biển Philippines và phát triển hệ thống nhằm phục vụ “các hoạt động đánh bắt cá theo kế hoạch”. Ông cho rằng điều này là quan trọng bởi lẽ Cảnh sát biển Philippines sẽ hỗ trợ ngư dân nước này khi đánh cá trên các vùng biển của Philippines, ngoài việc bảo đảm an ninh lực lượng này cũng sẽ gửi thông điệp tới Trung Quốc rằng Philippines sẵn sàng bảo vệ công dân của mình cũng như các quyền lãnh thổ của nước này. Bên cạnh đó, ông Alejano cũng cho rằng các cơ quan chức năng địa phương cùng các đơn vị có thẩm quyền khác cần “thảo luận và làm rõ với các nhóm ngư dân về vai trò của họ” đồng thời thúc đẩy các tổ chức nghề cá phối hợp tốt hơn với Chính phủ,
Trung Quốc ra báo cáo mới về những đóng góp của nước này đối với tự do và an toàn hàng hải ở Biển Đông
Ngày 21/6, Trung Hoa nhật báo đưa tin, mới đây, Trung Quốc đã ra một báo cáo mới có tên “Báo cáo về Hàng hải ở Biển Đông năm 2017”. Theo bản báo cáo cho biết, Trung Quốc đã có những đóng góp đối với tự do và an toàn hàng hải ở Biển Đông, cụ thể là, các cuộc tuần tra và quản lý thường xuyên của Trung Quốc ở khu vực đã bảo vệ được hoạt động qua lại của các tàu dân sự đi qua khu vực này. Báo cáo này nêu: “Trung Quốc có nghĩa vụ và trách nhiệm trên biển. Trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế, Trung Quốc sẵn sàng cùng các quốc gia khác ở khu vực nhằm biến Biển Đông thành một biểu tượng của hoà bình, hữu nghị và hợp tác”. Báo cáo cũng khẳng định rằng: “việc tàu bè chọn các tuyến đường trên Biển Đông và hải trình của họ được thuận lợi, an toàn đã cho thấy rằng các biện pháp an ninh của Trung Quốc ở khu vực là rất quan trọng và đáng tin cậy”. Kết luận lại, bản báo cáo cho rằng Trung Quốc cần củng cố các công trình và bảo trì các cơ sở vật chất của mình trên Biển Đông, chẳng hạn như các ngọn hải đăng, để có thể hỗ trợ tốt hơn hoạt động hàng hải ở khu vực.
Ông Xiao Yingjie, Chủ nhiệm khoa Kinh tế biển, Đại học Hàng hải Thượng Hải, Trung Quốc đồng thời là người đứng đầu nhóm nghiên cứu thực hiện báo cáo trên, khẳng định bản báo cáo được dựa trên các nghiên cứu và phân tích toàn diện và khách quan đồng thời đã giúp cung cấp các thông số và dữ liệu về an toàn hàng hải ở Biển Đông. Ông Xiao cũng cho rằng “chẳng có gì là vô lý khi gọi Trung Quốc là nước có đóng góp lớn nhất cho hoà bình và an toàn hàng hải ở Biển Đông cũng như các hoạt động dân sự đang phát triển ở khu vực này. Ông cho biết Trung Quốc đã có nhiều cơ sở ở khu vực, trong đó có 5 ngọn hải đăng lớn ở quần đảo Hoàng Sa mà ông thản nhiên gọi là “quần đảo cực Nam của Trung Quốc ở Biển Đông” cùng các công trình hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn trên biển, an toàn hàng hải, đánh bắt cá và cứu trợ thảm hoạ.
Không rõ bản báo cáo của ông Xiao “toàn diện và khách quan” đến đâu, song có thể dễ dàng nhận ra rằng bản báo cáo này thực chất chỉ nhằm bao biện và cổ suý cho những yêu sách chủ quyền phi lý và những hành động bất hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian gần đây, nhất là các hành động quân sự hoá và củng cố sức mạnh quân sự rầm rộ trên các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, gây ra những lo ngại ngày càng lớn cho các quốc gia trong và ngoài khuy vực. Không nhữg thế, việc báo cáo này đề cập đến những ngọn hải đăng mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông như “những công cụ” giúp nước này “hỗ trợ hàng hải ở khu vực” dường như cho thấy bất chấp Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016, nước này ngày càng trở nên ngang ngược khi không còn ngần ngại việc “công khai hoá” tham vọng kiểm soát tất cả các diễn ra trên Biển Đông cũng như làm chủ toàn bộ khu vực.