Wednesday, November 27, 2024
Trang chủĐiểm tin'Án đọng nhiều do thẩm phán sợ xử sai'

‘Án đọng nhiều do thẩm phán sợ xử sai’

Theo người đứng đầu TAND TP HCM, một trong những nguyên nhân khiến lượng án dân sự tồn đọng là do tâm lý e ngại xét xử án phức tạp của một số thẩm phán. Họ sợ bị hủy sẽ ảnh hưởng tới việc tái bổ nhiệm.

Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND TP HCM ngày 30/7 về tỷ lệ án dân sự đưa ra xét xử thấp, tồn và án tạm đình chỉ lớn, bà Ung Thị Xuân Hương – Chánh án TAND TP HCM – cho biết, trong những năm qua cũng như sáu tháng đầu năm lượng án của TP HCM luôn năm sau tăng hơn năm trước 10 %. Trong đó, tỷ lệ án dân sự được giải quyết sáu tháng đầu năm chỉ đạt 56% ở cấp thành phố, 27% cấp huyện và tính chung toàn thành phố chỉ đạt 29%.

Theo bà Hương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Hầu hết những án tạm đình chỉ hoặc kéo dài do phức tạp, quy định pháp luật chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau khiến thẩm phán e ngại. Bởi nếu thẩm phán xử sai sẽ bị hủy, bị sửa gây nhiều áp lực trong quá trình tái bổ nhiệm. Thế nên nhiều người “ngâm” án không đưa ra xét xử.

Nguyên nhân chủ quan khác là do lãnh đạo tòa thành phố cũng như cấp quận huyện chưa quyết liệt, chưa có chế tài xử lý thẩm phán để án quá hạn hoặc hủy, sửa. Một số thẩm phán chưa tận tâm, làm hết trách nhiệm của mình, chất lượng thẩm phán cũng chưa đồng đều làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử.

Ngoài ra theo bà Hương, một số nguyên nhân khách quan khác cũng khiến lượng án dân sự bị tồn đọng nhiều. Trong sáu tháng đầu năm tòa phải giải quyết nhiều vấn đề, một lượng lớn thẩm phán hết nhiệm kỳ chưa được tái bổ nhiệm. Trong đó, tòa án cấp quận huyện có 57/218; cấp thành phố có 24/88 thẩm phán chậm tái bổ nhiệm. Theo thống kê, trong sáu tháng đầu năm ngành tòa án cấp quận huyện thiếu 100 thẩm phán, cấp thành phố thiếu 80 thẩm phán.

Tháng 9 là tháng thi đua tổng kết nên tháng 10 hàng năm tòa hầu như không xét xử mà làm công tác kiểm tra chéo giữa các quận huyện, phân loại đánh giá. “Thẩm phán sau một năm xét xử cũng có tâm lý nghỉ ngơi, dẫn đến việc giải quyết án bị ảnh hưởng”, bà Chánh án đánh giá.

Về 1.000-2.000 vụ án tạm đình chỉ, án chậm, bà Hương nói rằng con số này so với tổng lượng án thụ lý “là không đáng kể” nhưng cũng gây bức xúc cho người dân. “Trên thực tế có những vụ án kéo dài 10 năm không thể giải quyết bởi tính chất phức tạp của vụ án hoặc liên quan đến các giao dịch có yếu tố nước ngoài. Trong khi các đương sự đã chết, hoặc không thể triệu tập do vướng mắc trong vấn đề ủy thác tư pháp”, bà Hương nói và dẫn chứng có vụ án ly hôn nhưng đã kéo dài tới 5 năm không thể giải quyết phần tranh chấp tài sản và có tới 3.000 bút lục phải lấy để xem xét.

Trả lời chất vất của đại biểu Trần Trọng Dũng – thành viên Ban Pháp chế HĐND TP HCM – cũng như một số đại biểu khác về tình trạng án dân sự bị tạm đình chỉ ồ ạt vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 hàng năm, Chánh án TAND TP HCM cho rằng, theo quy định thời hạn giải quyết án dân sự là 8 tháng. Nếu hết thời hạn này mà không xét xử được thì mới tạm định chỉ. Như vậy, án thụ lý vào tháng 1-2 thì ngẫu nhiên sau 8 tháng thụ lý có thể tạm đình chỉ và rơi vào thời điểm ông Dũng nêu. Thực trạng tạm đình chỉ này là có tuy nhiên đúng theo quy định của pháp luật.

“Chúng tôi kiên quyết không chấp nhận việc thẩm phán tạm đình chỉ án để chạy theo thành tích về việc hoàn thành công tác xét xử cuối năm. Nếu phát hiện có tình trạng đó chúng tôi sẽ xử lý nghiêm. Việc quản lý án tạm đình chỉ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đương sự có quyền khiếu nại”, người đứng đầu ngành tòa án nói.

Cũng trong buổi chất vấn hôm nay, lãnh đạo TAND TP HCM đã giải đáp những thắc mắc xung quanh việc thẩm phán ban hành bản án có nội dung không rõ ràng, sự phối hợp của các cơ quan chức năng với tòa án, chất lượng hoạt động của thừa phát lại, tư cách cán bộ tòa án…

Chánh án Ung Thị Xuân Hương cũng chia sẻ những khó khăn, áp lực của cơ quan này khi phải giải quyết khối lượng khổng lồ án các loại. Trung bình, mỗi tháng một thẩm phán phải giải quyết 14 vụ, gấp hơn 3 lần mức quy định của TAND Tối cao đối với một thẩm phán (4 vụ). Trung bình hai ngày xử một vụ, trong đó có những vụ án rất phức tạp. Ngoài ra, trong sáu tháng đầu năm, tòa còn phải giải quyết hơn 2.000 án đưa người vào cơ sở cai nghiện.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới