Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis – người cáo buộc Trung Quốc “dọa dẫm và cưỡng ép” ở Biển Đông, sẽ có chuyến thăm đến Bắc Kinh tuần này trong bối cảnh hai nước đang đối đầu nhau gắt gắt vì một loạt vấn đề, trong đó có việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và việc Bắc Kinh bành trướng sự hiện hiện quân sự ra nước ngoài.
Ông Mattis sẽ là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm Trung Quốc. Chuyến thăm của ông Mattis cho thấy sự cần thiết của việc Mỹ và đối thủ hàng đầu của họ ở Đông Á phải hợp tác với nhau bất chấp những bất đồng sâu sắc vì một loạt vấn đề cũng như sự hoài nghi lẫn nhau giữa hai nước “kỳ phùng địch thủ”.
Bộ trưởng Mattis đến Trung Quốc vào thời điểm quan hệ Mỹ-Trung đang rất khó khăn vì cuộc chiến thương mại quyết liệt mà Washington khởi xướng nhằm vào Bắc Kinh. Trung Quốc đe dọa sẽ trả đũa thẳng thừng Mỹ trong cuộc chiến này. Trong khi đó, Washington dường như vẫn phải trông chờ vào Trung Quốc để giúp nước này giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Một số vấn đề gai góc nổi lên trong quan hệ Mỹ-Trung hiện nay:
Biển Đông
Biển Đông có thể sẽ là một trong những chủ đề hàng đầu trong cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Mattis và giới chức Trung Quốc.
Mặc dù Mỹ đang tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ sẽ bỏ qua cho những hành động quân sự hóa ngày càng táo tợn của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung tướng Kenneth McKenzie – Giám đốc Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ mới đây từng ám chỉ Mỹ sẵn sàng “thổi bay” một trong những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Không chỉ dừng lại ở lời nói, gần đây Mỹ còn cho các tàu chiến đến khu vực phạm vi 12 hải lý so với những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa hơn một tàu chiến đến khu vực để thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý và tham lam của Bắc Kinh ở Biển Đông. Mới đây nhất, Mỹ còn quyết định không mời Trung Quốc đến tham gia một cuộc tập trận hải quân lớn do Mỹ chủ trì trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương để đáp trả việc Trung Quốc triển khai các tên lửa đối hạm, tên lửa đất đối không và các hệ thống gây nhiễu điện tử đến những các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Trung Quốc đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép và giờ là quân sự hóa ở Biển Đông.
Vấn đề Triều Tiên
Vấn đề Triều Tiên chắc chắn cũng sẽ là chủ đề được đưa ra bàn thảo giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và các quan chức Trung Quốc. Trung Quốc được xem là đã giành một chiến thắng lớn khi Tổng thống Trump thông báo tại hội nghị thượng đỉnh với ông Kim rằng Mỹ sẽ ngừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc. Lâu nay, Bình Nhưỡng và Bắc Kinh liên tục phản đối những cuộc tập trận như vậy. Cả Bộ trưởng Mattis và Hàn Quốc đều bị bất ngờ trước quyết định của Tổng thống Trump.
Giới chức Mỹ và Hàn Quốc hiện tại xem cam kết của ông Trump là một cú huých để thúc đẩy các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên. Bắc Kinh hoan nghênh động thái của Mỹ. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có cuộc gặp mới nhất hồi tuần trước nhưng chưa có bất kỳ cam kết nào về vấn đề phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng được đưa ra. Tổng thống Trump hồi tuần trước phát biểu, “tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên “đã bắt đầu diễn ra”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Mattis khi được hỏi về vấn đề này đã nói rằng, ông chưa thấy có bất kỳ dấu hiệu nào về việc Triều Tiên đã bắt đầu thực hiện các bước đi phi hạt nhân hóa.
Vấn đề Vùng lãnh thổ Đài Loan
Vấn đề Đài Loan luôn là một trong những vấn đề nhạy cảm hàng đầu trong quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ-Trung. Bắc Kinh gần đây liên tục phản đối việc Mỹ tăng cường tiếp xúc với Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một vùng lãnh thổ của họ. Mặc dù Washington công nhận điều này nhưng vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Đài Loan và tăng cường quan hệ với Đài Loan trên nhiều mặt. Thực tế này đã gây ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Trung, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự. Quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc lên xuống thất thường và nhiều lần bị gián đoạn bởi việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Đài Loan.
Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan đã bị chia cắt năm 1949, sau một cuộc nội chiến và kể từ đó đến nay Bắc Kinh luôn khẳng định mục tiêu kiên quyết thống nhất Đài Loan vào Trung Quốc. Bắc Kinh công khai ý định sẵn sàng dùng vũ lực đối với VLT Đài Loan nếu khu vực này tìm cách đòi độc lập với Trung Quốc. Vì thế, Đài Loan vẫn luôn canh cánh cái gọi là “mối đe dọa từ Trung Quốc” đối với hòn đảo này.
Kể từ khi bà Tsai Ing-wen lên cầm quyền, tình hình Eo biển Đài Loan bắt đầu leo thang căng thẳng do Nhà lãnh đạo mới của Đài Loan áp dụng lập trường cứng rắn với Trung Quốc.