Bản tin Biển Đông ngày 25/06/2018.
Hai tàu hải quân Philippines tham gia diễn tập Vành đai Thái Bình Dương
Ngày 25/6, The Philippine Star đưa tin, ngày 24/6, Hải quân Philippines đã đưa hai trong số các tàu lớn nhất tham gia Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương 2018 (RIMPAC) tại Hawaii với lực lượng hải quân các nước Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Singapore. Theo Thiếu tướng Hải quân Philippines Jonathan Zata, việc hai tàu BRP Davao Del Sur và BRP Andres Bonifacio tham gia vào hoạt động này là một sự kiện “lần đầu tiên xảy ra” và “có một không hai” đối với Hải quân Philippines. Ông cho hay, việc Hải quân nước này tham gia vào RIMPAC 2018 và cử một một đội tàu lớn nhất, một tàu hộ vệ và một máy bay trực thăng hiện đại là một cột mốc mới đối với cả Hải quân lẫn Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) trong việc xây dựng và thúc đẩy quan hệ hợp tác với lực lượng hải quân các nước tham gia RIMPAC lần này nhằm duy trì hoà bình, ổn định của khu vực. Hải quân Philippines trước đó cho hay sự tham gia lần này sẽ nâng cao khả năng phối hợp trên biển ở cấp độ đa phương, qua đó tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng như khả năng tương tác, đồng thời cho phép lực lượng vũ trang trên biển của nước này phát huy tính hiệu quả và hữu hiệu trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao phó.
Ông Zata cho biết, cuộc diễn tập dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 5/8.
Chuyên gia nghiên cứu Philippines cảnh báo: Trung Quốc có thể sử dụng các thoả thuận về cơ sở hạ tầng làm “đòn bẩy” trong vấn đề Biển Đông
ABS-CBN đưa tin, ngày 24/6, ông Dindo Manhit, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Stratbase ADR cảnh báo chính quyền Philippines cần cảnh giác khi ký kết các thoả thuận với Trung Quốc và các nước khác nhằm tránh rơi vào cái bẫy “ngoại giao nợ”. Ông Manhit đặc biệt lưu ý rằng có nhiều dự án của Chính phủ Philippines với Trung Quốc đã gây tranh cãi do một số doanh nghiệp của Trung Quốc đang vướng phải rắc rối liên quan đến vấn đề tham nhũng, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng các thoả thuận đầu tư về cơ sở hạ tầng với Manila làm “đòn bẩy” trong giải quyết tranh chấp Biển Đông, buộc Philippines phải “kín tiếng” trong vấn đề bảo vệ các quyền trên biển cũng như toàn vẹn lãnh thổ của mình trên Biển Đông.
Thẩm phán Toà án tối cao Philippines kêu gọi giới trẻ thực hiện trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia
Ngày 25/6, trang Inquirer đưa tin, ngày 22/6, phát biểu trước các sinh viên trường Đại học Quốc gia về Quản lý công thuộc Đại học Philippines tại Diliman, Thành phố Quezon, Philippines, Thẩm phán Toà án tối cao Philippines Antonio Carpio đã kêu gọi giới trẻ Philippines đoàn kết, cùng nhau thực hiện nghĩa vụ “giữ gìn và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Liên quan đến “một số ý kiến gây chia rẽ đất nước” rằng “đấu tranh vì chủ quyền lãnh thổ của Philippines ở Biển Đông sẽ chỉ dẫn đến chiến tranh với Trung Quốc”, ông khẳng định biện pháp trọng tài là một trong những biện pháp hoà bình được ghi nhận nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia, do đó việc có được Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 và khẳng định quyền chủ quyền của Philippines ở Biển Đông sẽ không thể gây ra chiến tranh với Trung Quốc. Ông Carpio nhấn mạnh: “Suy nghĩ cho rằng chiến tranh là phương tiện duy nhất để thực thi Phán quyết, hay chiến tranh là hậu quả chắc chắn của việc triển khai Phán quyết, là không đúng”. Bên cạnh đó, ông cho hay, nhằm thực thi Phán quyết một cách hoà bình, Philippines có thể sử dụng “yêu sách về thềm lục địa mở rộng” bên ngoài khu vực Luzon như đã yêu sách tại khu vực Benham Rise, hoặc ký một văn kiện về biên giới trên biển với Việt Nam liên quan đến ” vùng thềm lục địa mở rộng chồng lấn giữa hai nước bên ngoài khu vực Trường Sa” hoặc với Malaysia liên quan đến “khu vực vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn giữa Borneo và Palawan”. Ông cho biết việc ký các văn kiện này là khả thi do Phán quyết của Toà Trọng tài đã tuyên bố rằng “không có cấu trúc địa chất nào ở Trường Sa có thể tạo ra một vùng đặc quyền kinh tế”, “các văn kiện về biên giới biển có thể thực thi Phán quyết theo hướng sử dụng như thực tiễn quốc gia”, đồng thời lưu ý rằng Trung Quốc sẽ không phải là một bên trong những văn kiện này.