Thursday, November 28, 2024
Trang chủBiển nóngCách tiếp cận của Australia trong vấn đề Biển Đông

Cách tiếp cận của Australia trong vấn đề Biển Đông

Australia là quốc gia thuộc châu Đại Dương ở Nam bán cầu, nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Australia có đường bờ biển dài 34.218 km (chưa tính đến các đảo ngoài khơi) và tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế rộng 8.148.250 km2. Mặc dù không phải là một quốc gia có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông nhưng Australia có lợi ích thiết thực và sống còn ở Biển Đông. Theo thống kê, hơn một nửa lượng xuất khẩu quặng sắt, than đá và khí hóa lỏng của Australia được vận chuyển qua tuyến đường hàng hải ở Biển Đông. Ngoài ra, việc trao đổi thương mại với các đối tác quan trọng của Australia (Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN…) đa phần phải vận chuyển qua Biển Đông. Chính vì vậy, Biển Đông luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Australia.

Tàu chiến của Hải quân Australia hoạt động trên Biển Đông

Biển Đông có vị trí, tác động và ảnh hưởng quan trọng đối với Australia:

Vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông: Australia có lợi ích thiết thức và sống còn đối với việc vận chuyển, trao đổi hàng hóa thương mại ở Biển Đông. Hiện hầu hết các tuyến đường thương mại của Australia đến khu vực Đông Bắc Á, Đông Á đều đi qua Biển Đông. Cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott (10/2013) từng nhấn mạnh gần 60% thương mại của Australia đều thông qua Biển Đông. Chính vì vậy, việc hàng hóa, tàu thuyền tự do lưu thông không bị cản trở, kiểm soát ở Biển Đông là một trong những vấn đề được Australia đặc biệt quan tâm. Trong những năm gần đây, Australia đã đóng vai trò tích cực nhằm đảm bảo an toàn hàng hải và giao lưu kinh tế cho các tuyến đường thương mại của Australia qua vùng biển này.

Vấn đề an ninh khu vực: Australia tuy không tiếp giáp trực tiếp với Biển Đông, song vấn đề an ninh khu vực này có ảnh hưởng trực tiếp đến Australia. Thứ nhất, việc Trung Quốc chiếm đóng, cải tạo phi pháp và trên khai vũ khí trên các thực thể nhân tạo ở Trường Sa, nhất là một số loại tên lửa có khả năng vươn tới một bộ phận lãnh thổ Australia đã đe dọa trực tiếp môi trường hòa bình và ổn định của Australia. Thứ hai, tình hình an ninh khu vực Biển Đông có tác động trực tiếp đến hoạt động giao thông hàng hải và vận chuyển hàng hóa, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề thương mại của Australia. Thứ ba, khi tình hình an ninh khu vực trở nên căng thẳng sẽ kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Khi đó, Australia là nước có lợi ích thiết thực ở Biển Đông sẽ bị kéo theo và ảnh hưởng đến chính sách quốc phòng, nhất là hoạt động của hải quân Australia.

Vấn đề tăng cường ảnh hưởng ở khu vực: Khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và khu vực Biển Đông nói riêng có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Australia. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang ngày càng căng thẳng thì với vai trò là một lớn tại khu vực, Australia có trách nhiệm trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh tại vùng biển này. Việc Australia tích cực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực sẽ tạo thành sự gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Australia với các nước Đông Nam Á.

Vấn đề thúc đẩy quan hệ với đồng minh: Về mặt công khai, Australia bày tỏ thái độ trung lập trong vấn đề Biển Đông nhằm tránh gây căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc. Nhưng trên thực tế Australia vần ủng hộ cách tiếp cận của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Một mặt thông qua các kênh ngoại giao cùng các diễn đàn quốc tế để tạo áp lực yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, chấm dứt các hành động phi pháp ở Biển Đông; mặt khác Australia tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, tích cực tham gia các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Australia đã đưa nhiều tuyên bố, chủ trương và chính sách thể hiện lập trường trong vấn đề Biển Đông:

Về quan điểm chính thức, Australia tuyên bố sẽ không ủng hộ hoặc liên minh, liên kết với bất kỳ nước nào trong các tranh chấp ở Biển Đông, khẳng định Australia giữ vai trò trung lập, nhưng kêu gọi các nước liên quan giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực không bị ảnh hưởng, lên án các hành động quân sự hóa trong khu vưc.

Quan điểm trên của Australia được duy trì cho đến nay. Cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott nhiều lần kêu gọi “việc thực thi tuyên bố ứng xử của các quốc gia cần tập trung vào một giải pháp có trật tự nhằm tránh nguy cơ xung đột leo thang nếu họ không giải quyết được tranh chấp”. Khi vừa mới lên nắm quyền, tân Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull (21/9/2015) kêu gọi Trung Quốc giảm hoạt động xây dựng trái phép đảo tại Biển Đông, cho rằng chính sách đối ngoại của Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông “không mang tính xây dựng”, khẳng định đang có một số căng thẳng về vấn đề các đảo, bãi cạn ở Biển Đông và Trung Quốc cần có hành động hợp lý; nhấn mạnh “sự trỗi dậy của Trung Quốc không nên ảnh hưởng tới an ninh và sự hài hòa tương đối trong khu vực”, đồng thời cảnh báo “việc Trung Quốc có ý định chiếm trọn Biển Đông chắc chắn sẽ gây hậu quả ngược lại với những gì nước này mong muốn đạt được”. Tại Đối thoại Shangri-la năm 2017, ông Malcolm Turnbull cũng thể hiện sự quan ngại về tình hình Biển Đông, đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ nhất lên án những động thái của Trung Quốc thời gian qua ở khu vực, kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác trong khu vực. “Nếu chúng ta muốn duy trì tính năng động của khu vực thì chúng ta phải bảo vệ cơ cấu vốn có dựa trên các quy tắc đã tồn tại bấy lâu nay. Điều này có nghĩa là hợp tác chứ không phải hành động đơn phương để tạo ra lãnh thổ, quân sự hóa các khu vực tranh chấp”, Thủ tướng Australia nhấn mạnh. Đồng thời, ông Turnbull cũng khuyến khích Trung Quốc xây dựng lòng tin trên toàn cầu thông qua việc giúp ngăn chặn các hành động khiêu khích của Triều Tiên.

Giới quan chức chủ chốt trong nội các của Australia cũng đã đưa ra nhiều tuyên bố tương tự, chỉ trích các hành động đơn phương, phi pháp ở Biển Đông của Trung Quốc. Ngoại trưởng Australia Julie Bishop, Bộ trưởng Quốc phòng David Johnston nhiều lần đã khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực, bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; kêu gọi các bên kiềm chế và tránh các hành động có thể gia tăng căng thẳng trong khu vực; ủng hộ ASEAN và Trung Quốc đưa ra Bộ Quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông. Ngay sau khi òa Trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines, Đại sứ Australia tại Philippines Amanda Gorely đưa ra tuyên bố khẳng định vấn đề Biển Đông “là giá trị, nguyên tắc rất quan trọng và cơ bản, là cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Australia”, cho rằng những cơ sở mà Trung Quốc đơn phương xây dựng trên Biển Đông sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đồng thời khẳng định cách tiếp cận và chính sách của Canberra đối với Biển Đông là rất nhất quán trong khoảng thời gian dài. Australia không ủng hộ các hành động của bất kỳ quốc gia nào đi ngược lại phán quyết của PCA, trong đó có hoạt động quân sự hóa, đồng thời khuyến khích cả Trung Quốc lẫn Philippines thực thi phán quyết này. Hay Sách Trắng Ngoại giao của Australia (11/2017) nêu bật tình hình Biển Đông, coi đây như là “một vấn đề lớn của trật tự khu vực” và bày tỏ “đặc biệt quan ngại về tốc độ và quy mô chưa từng thấy” của các hoạt động bối đắp, xây dựng mà Trung Quốc tiến hành trong khu vực biển tranh chấp, nhấn mạnh “Australia phản đối việc sử dụng các thực thể tranh chấp và các cấu trúc nhân tạo trên Biển Đông để phục vụ cho các mục đích quân sự, đồng thời khẳng định Australia ủng hộ việc giải quyết các bất đồng thông qua đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế”.

Trong bối cảnh tình hình an ninh, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông đang ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trong, Australia đã có những bước đi thực chất nhằm đảm bảo lợi ích của mình, cũng như trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Biển Đông. Thứ nhất, Australia tăng cường hợp tác, chia sẻ với Mỹ trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Australia đã thông qua thỏa thuận cho phép Mỹ triển khai thêm 2.500 quân đóng ở căn cứ quân sự Darwin (phía Bắc Australia); tham gia tập trận, huấn luyện chung với Mỹ và một số nước nhằm nâng cao năng lực tác chiến của hải quân; đẩy mạnh hoạt động tuần tra, giám sát trong khu vực. Thứ hai, Australia thúc đẩy quan hệ hợp tác về kinh tế, an ninh và quốc phòng với các nước châu Á – Thái Bình Dương, nhất là các nước ASEAN nhằm đảm bảo lợi ích của Australia ở Biển Đông không bị đe dọa, ảnh hưởng. Đáng chú ý, Australia nhiều lần khẳng định sự gắn kết trong Hiệp ước phòng thủ (FPDA) của năm nước là Singapore, Australia, Malaysia, New Zealand và Anh. Từ lúc thành lập (1971) cho đến nay, FPDA đã mở rộng quy mô và tính chất hoạt động. Thứ ba, tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, Australia tích cực đưa ra tuyên bố cứng rắn khẳng định lợi ích của mình ở Biển Đông, phản đối các hành động làm leo thang căng thẳng trong khu vực… để gây sức ép, buộc Trung Quốc phải hành động thân trọng, tuân thủ luật quốc tế.

Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố cứng rắn phản đối Australia can thiệp vào vấn đề Biển Đông, đe dọa Australia sẽ “gánh hậu quả nghiệm trọng” nếu tiếp tục có các hành động cản trở Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần đưa ra các tuyên bố cho rằng “Australia không phải là một bên liên quan trực tiếp trong vấn đề Biển Đôn, hy vọng Australia sẽ giữ cam kết là không nghiêng về bên nào trong vấn đề này và dừng ngay việc đưa ra các tuyên bố thiếu thận trọng”. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đại tá Ngô Khiêm cũng nhiều lần tuyên bố kêu gọi Australia trân trọng đà phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước, không tham gia hoặc tiến hành bất kỳ hoạt động nào có thể làm tổn hại đến sự ổn định trong khu vực.

Truyền thông Trung Quốc, nhất là những trang mạng mang tính hiếu chiến như Thời báo Hoàn Cầu, Thiết Huyết… đăng nhiều bài viết đe dọa rằng Trung Quốc sẽ tung ra các biện pháp mạnh gây “ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Australia” nếu Canberra nhúng tay vào Biển Đông, cảnh báo hành động của Australia sẽ “đầu độc quan hệ với Bắc Kinh và làm rung chuyển nền tảng cân bằng chiến lược (của Úc) trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc”; nhấn mạnh Australia nên công nhận sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc và đừng để vấn đề Biển Đông làm tổn thương quan hệ song phương, hoặc trở thành “công cụ cho thế lực nước ngoài phá hoại ổn định khu vực”.

Nhìn chung, Biển Đông là khu vực không chỉ có liên quan trực tiếp mà nó còn ảnh hưởng đến lợi ích an ninh, kinh tế của Australia. Việc Australia luôn tuyên bố giữ thái độ trung lập trong vấn đề này chủ yếu xuất phát từ việc e ngại ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc. Trên thực tế, Australia đã có nhiều hành động, chính sách cụ thể góp phần không nhỏ vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như thúc đẩy giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, để lợi ích, an ninh và vị thế được đảm bảo hơn nữa, Australia cần tích cực, mạnh dạn và quyết tâm hơn nữa trong vấn đề này. Chính phủ Australia cũng nên thúc đẩy các biện pháp thiết thực hỗ trợ các nước ASEAN (như Nhật Bản đang triển khai) nhằm đối phó với những hành động đơn phương, phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngoài ra, Australia cũng cần tăng cường các hoạt động tuần tra, giám sát trong khu vực nhằm đảm bảo hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông không bị cản trở.

RELATED ARTICLES

Tin mới