Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngNhìn lại cách tiếp cận và sự tham gia của Ấn Độ...

Nhìn lại cách tiếp cận và sự tham gia của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông

Là một quốc gia có diện tích lớn thứ 7 và đông dân thứ 2 thế giới với trên 1,33 tỷ người, nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới (2017), Ấn Độ đang thể hiện vai trò, ảnh hưởng ngày càng lớn trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Đối với vấn đề Biển Đông, Ấn Độ được đánh giá là nước có cách tiếp cận phù hợp và đang tham gia tích cực, góp phần cùng các bên giải quyết các tranh chấp.

“Biển Đông có ý nghĩa như thế nào đối với Ấn Độ?”

Đối với Ấn Độ, Biển Đông nằm trong một khu vực có lợi ích địa chiến lược quan trọng. Về mặt địa lý, Biển Đông nối liền Ấn Độ Dương và Biển Hoa Đông qua eo biển Malacca, là một trong những tuyến đường biển, đường hàng không nhộn nhịp nhất trên thế giới. Đường thủy quan trọng này đóng vai trò như một huyết mạch kinh tế quan trọng cho Ấn Độ. Theo thống kê, có đến 97% tổng khối lượng thương mại quốc tế của Ấn Độ đi qua đường biển, trong đó một nửa đi qua eo biển Malacca. Ngoài ra, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, với tổng kim ngạch thương mại trị giá 71 tỷ USD trong năm 2016-2017. Trong lĩnh vực năng lượng, Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu trên thế giới với 80% là nhập khẩu, trong khi mức tiêu thụ năng lượng của nước này sẽ tiếp tục tăng 4,2% mỗi năm. Vì vậy, một Biển Đông hòa bình, ổn định sẽ có lợi cho hoạt động hợp tác, khai thác dầu khí giữa Ấn Độ và các nước nói riêng và thị trường dầu mỏ thế giới nói chung.

“Ấn Độ ủng hộ nguyên tắc an ninh an toàn hàng hải, hàng không, tự do thương mại theo pháp luật quốc tế”

Trong giai đoạn 2004-2014, khi Liên minh Tiến bộ Thống nhất (UPA) cầm quyền, Ấn Độ có cách tiếp cận thận trọng đối với các tuyên bố tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Giai đoạn này, Ấn Độ không can dự trực tiếp vào các tranh chấp mà chủ yếu đưa ra khuyến cáo các bên liên quan cần đàm phán giải quyết hòa bình tranh chấp theo các quy định và pháp luật quốc tế. Điều này có thể do các nhà lãnh đạo Ấn Độ cho rằng nước này không có vai trò gì để tham gia các tranh chấp ở Biển Đông, hơn nữa Ấn Độ cũng tránh làm “tổn thương” Trung Quốc. Xuất phát từ quan điểm trên, Ấn Độ đã quyết định không tham gia cuộc tập trận chung “Malabar” với Mỹ và Nhật Bản (2013). Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (2013), Cựu Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã khẳng định nguyên tắc an ninh hàng hải, trong đó bao gồm “quyền được lưu thông và hoạt động thương mại không bị ngăn cản theo pháp luật quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp”. Điều này cũng thể hiện nguyên tắc nhất quán trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ là không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.

“Ấn Độ ủng hộ duy trì môi trường hòa bình trong khu vực, phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp”

Bước sang giai đoạn 2014-2018, khi Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) lên nắm quyền, Chính phủ Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi bắt đầu có sự thay đổi trong cách tiếp cận đối với vấn đề Biển Đông, chuyển sang thể hiện lập trường rõ ràng hơn và tham gia nhiều hơn trong vấn đề Biển Đông. Điều này có thể xuất phát từ việc Ấn Độ nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm quan trọng của một cường quốc khu vực trong việc tạo ra môi trường hòa bình, ổn định trong vùng biển quốc tế và bảo đảm việc sử dụng vũ lực phải tuân thủ nghiêm pháp luật quốc tế. Giới phân tích tại Ấn Độ cho rằng, Biển Đông có vị trí địa chính trị chiến lược quan trọng đối với Ấn Độ, cùng với đó là mối lo ngại chung của các nước về hoạt động mở rộng, cải tạo và quân sự hóa trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đã phá vỡ nguyên trạng, đe dọa an toàn hàng hải và hàng không quốc tế và các hoạt động thương mại của Ấn Độ. Ngoài ra, Trung Quốc đang coi Biển Đông là bước đệm để gia tăng sự hiện diện ở Ấn Độ Dương. Đáng chú ý là việc Trung Quốc triển khai Sáng kiến “Vành đai, Con đường” cũng tạo ra những thách thức nghiêm trọng đối với chủ quyền và lợi ích an ninh của Ấn Độ.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (11/2014), Thủ tướng Modi tuyên bố Ấn Độ chuyển từ chính sách “Hướng Đông” sang chính sách “Hành động hướng Đông”, trong đó xác định Đông Á là một trụ cột quan trọng của chính sách này và Ấn Độ ưu tiên phát triển quan hệ với các nước ASEAN. Các tuyên bố của Ấn Độ đều nêu rõ nguyên tắc nhất quán trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ là không đứng về bên nào trong tranh chấp, song Ấn Độ cũng ủng hộ nguyên tắc đảm bảo an ninh, tự do hàng hải trên cơ sở tôn trọng, thực thi pháp luật quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), duy trì môi trường hòa bình trong khu vực, phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp.

“Những đóng góp có ý nghĩa của Ấn Độ trong việc giải quyết tranh chấp”

Có thể nói, trong những năm qua, Ấn Độ đã tích cực nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông tại các diễn đàn song phương và đa phương, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Ấn Độ cũng thường xuyên thể hiện sự ủng hộ đối với ASEAN và các bên liên quan trong việc đoàn kết, giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua đối thoại, đồng thời đẩy mạnh hợp tác hàng hải với các nước. Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo pháp luật quốc tế, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới đàm phán ký kết Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Trong 4 năm (2014 – 2018), Thủ tướng Ấn Độ Modi đã đi thăm trên 50 quốc gia, đón nhiều nguyên thủ các nước. Trong các cuộc gặp song phương và đa phương, Ấn Độ đều đề cập đến vấn đề Biển Đông. Ấn Độ và các nước đã ký kết nhiều thỏa thuận, đưa ra nhiều tuyên bố, cam kết về đảm bảo an ninh trên biển, tự do hàng hải, an toàn hàng không dân dụng quốc tế và kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế.

Trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ Modi (9/2014), hai bên đã khẳng định cần đảm bảo an ninh trên biển, tự do hàng hải, an toàn hàng không dân dụng quốc tế và kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế. Còn trong Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ Modi (11/2016), hai bên tái khẳng định cam kết tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không ở các vùng biển quốc tế, yêu cầu tất cả các bên tôn trọng UNCLOS ở mức tối đa.

Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Modi (2014), hai bên khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, đặc biệt là ở Biển Đông. Trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Barack Obama (2015), hai bên cũng ra Tuyên bố về “Tầm nhìn chiến lược chung Ấn Độ – Mỹ về khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”, nêu rõ sự thịnh vượng của khu vực phụ thuộc vào an ninh, Mỹ và Ấn Độ kêu gọi các bên tránh đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực, kiên trì giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Trong tuyên bố chung giữa Tổng thống Mỹ D.Trump và Thủ tướng Ấn Độ Modi (6/2017), hai bên cũng nhấn mạnh việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và thương mại trong khu vực.

“Ấn Độ là nước ủng hộ phán quyết của Toà Trọng tài theo Phụ lục VII”

Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Ấn Độ đã tích cực ủng hộ và hối thúc các bên liên quan nghiêm túc thực hiện DOC, tiến hành đàm phán COC và thực thi UNCLOS, duy trì tổ chức Đối thoại Delhi thường niên giữa Ấn Độ và ASEAN. Ấn Độ cũng là nước ủng hộ phán quyết của Toà Trọng tài theo Phụ lục VII (7/2016) và kêu gọi Trung Quốc tôn trọng pháp luật quốc tế và phán quyết. Trong lần tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN (11/2014), Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh quan điểm của Ấn Độ về việc phải đảm bảo duy trì pháp luật quốc tế trong vấn đề hàng hải và giải quyết tranh chấp Biển Đông dựa trên UNCLOS, DOC và ủng hộ đàm phán ký kết COC. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN (4/2015), Ấn Độ đã thể hiện mạnh mẽ quan ngại về các hành động đòi hỏi “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, Ấn Độ cũng là nước thúc đẩy hợp tác hàng hải với các nước khu vực nhằm tăng cường khả năng tương tác và hiểu biết chung về các thủ tục pháp lý trong hợp tác an ninh hàng hải và quốc phòng giữa các nước, thông qua việc duy trì mở rộng tham gia các hoạt động như tập trận “Malabar” với Mỹ, Nhật Bản; tập trận chung “CORPAT” với Indonesia; tập trận “Maitree”, “Cobra Gold” với Thái Lan; tập trận “ADMM+” với ASEAN và tập trận chung “AUSINDEX” với Australia…

Tóm lại, trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc là nước có nhiều đòi hỏi nhất về “chủ quyền” ở Biển Đông, song luôn chủ trương sử dụng biện pháp song phương để giải quyết các tranh chấp, đồng thời tìm cách ngăn cản sự tham gia của các nước, bất chấp các nguyên tắc do hàng hải, an toàn hàng không dân dụng quốc tế và luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS mà Trung Quốc là thành viên tham gia ký kết. Những tính toán và động thái của Trung Quốc đã khiến cho tình hình thêm căng thẳng, phức tạp. Vì vậy, sự tham gia tích cực của các nước, trong đó có Ấn Độ hiện nay là rất cần thiết, sẽ góp phần tạo ra tiếng nói chung trong giải quyết hòa bình các tranh chấp, dựa trên luật pháp quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới