Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTổng thống Donald Trump đã làm giàu nước Mỹ như thế nào?

Tổng thống Donald Trump đã làm giàu nước Mỹ như thế nào?

Donald Trump, lúc còn là ứng viên tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ, đã tung khẩu hiệu “American First: Nước Mỹ trước tiên”, với ý nghĩa vì quyền lợi nước Mỹ và đưa nước Mỹ trở lại vị trí số 1, lãnh đạo thế giới…

Cục diện thế giới sau khi chiến tranh lạnh thời hậu Thế chiến 2 kết thúc đã thay đổi hoàn toàn, và chính nước Mỹ trở nên thụ động trên chính trường quốc tế và phân hóa hơn trong các vấn đề đối nội.
Donald Trump, một ứng cử viên doanh nhân tỉ phú, chưa hề giữ một chức vụ dân cử hay công cử nào, đã tung ra khẩu hiệu “American First: Nước Mỹ trước tiên”, với ý nghĩa vì quyền lợi nước Mỹ và đưa nước Mỹ trở lại vị trí số 1, lãnh đạo thế giới, thành chủ đề trong cuộc tranh cử Tổng thống của ông ta hồi năm 2016.
Khẩu hiệu đặt trọng tâm vào khía cạnh kinh tế này đã đánh đúng vào ước vọng của cử tri Mỹ và đã giúp cho tỉ phú Donald Trump đắc cử và trở thành vị Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45, kế nhiệm ông Obama, vị Tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ.
Hơn một năm sau, Tổng thống Donald Trump đã làm những gì cho mục tiêu “Nước Mỹ trước tiên” như đã hứa hẹn?
Trước hết, ông Trump đã thiết lập một nội các không gồm các chính trị gia chuyên nghiệp, mà gồm các nhà tài phiệt nắm giữ các tập đoàn, công ty hàng đầu nước Mỹ, các tướng lĩnh dầy dạn kinh nghiệm. Điều đó xác định bản chất của một nhà nước tư bản nhằm thay đổi nước Mỹ. Có thể kể đến một số nhân vật chủ chốt trong Chính phủ của ông Trump, như Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross, chủ nhân hệ thống cửa hàng bán lẻ quần áo giảm giá lớn nhất của Hoa Kỳ; Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin, thuộc giới lãnh đạo ngân hàng đầu tư Goldman Sachs;
Bộ trưởng Giáo dục, bà Betsy Devos, chủ nhân hãng Amway, một công ty phân phối tiêu thụ phẩm trong nước Mỹ và trên toàn cầu, Bộ trưởng Canh nông Sonny Perdue, sở hữu Perdue Foods – là một công ty biến chế thịt gà, thịt lợn chính yếu tại nước Mỹ;
Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson, Chủ tịch Công ty dầu khí hàng đầu của nước Mỹ – Exxon-Mobil; tướng Jim Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng; tướng John Kelly, Chánh Văn phòng dinh Tổng thống – Paul Navarro, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế, người có chủ trương cứng rắn với Trung Quốc…
Đến nay ta thấy những điều ông Trump cam kết lúc tranh cử như hủy bỏ tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); tái thương thảo các hiệp ước thương mại vùng Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada, Mexico; rút khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; đòi hỏi các đồng minh Âu châu trong khối NATO phải gánh vác chi phí phòng thủ nhiều hơn, bảo vệ mậu dịch, bảo vệ tài sản trí tuệ, lôi kéo các doanh nghiệp Mỹ quay trở lại nước Mỹ, cải cách thuế khóa, chính sách ngoại thương… sao có lợi nhất cho nước Mỹ, đều được ông Trump lần lượt thực hiện, vượt lên trên mọi chỉ trích trong và ngoài nước Mỹ.
Trong số nhiều cải cách đã được thực thi, đáng chú ý nhất là các chương trình có tầm tác động quan trọng đến sự thay đổi nước Mỹ:
Cải cách chính sách thuế khóa
Trong nhiều lời phát biểu, ông Trump đã chỉ trích rất gay gắt chính sách thuế khóa của các thời Tổng thống tiền nhiệm. Ông Trump cho rằng nó không những kiềm hãm sự phát triển doanh nghiệp trong nội địa, mà còn đẩy các đại công ty Mỹ ra nước ngoài như Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á, Mỹ La Tinh, nhằm tận dụng giá lao động rẻ và các ưu đãi về đầu tư của các quốc gia địa phương, và không khuyến khích việc mang các lợi nhuận về cho nước Mỹ.
Để khắc phục các điều được xem là sai lầm này, sau khi đã thuyết phục được hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ, ông Trump đã ký ban hành đạo luật cải cách Thuế thu nhập hôm 22.12.2017.
Đối với thuế thu nhập của các công ty, trước đây là 35%, nay theo đạo luật mới là 21%. Đối với thuế thu nhập cá nhân, các bậc thang tính thuế trước đây đều được cắt giảm trung bình khoảng 2% đến 3%, theo đạo luật mới.
Theo luật thuế mới này, mọi cá nhân và các công ty của nước Mỹ đều được hưởng lợi, nhưng thụ hưởng nhiều nhất là các đại công ty của các nhà tài phiệt Mỹ. Điều đó đồng nghĩa với việc tăng vốn cho các doanh nghiệp để mở rộng sản xuất và tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ.
So với các nước Âu châu với thuế suất các công ty trung bình 25%, hiện nay, thuế thu nhập công ty Mỹ còn thấp hơn, và đây là một lợi thế để thu hút đầu tư nước ngoài vào Hoa Kỳ.
Thuế lợi tức công ty được cắt giảm tới 14% cũng nhằm lôi kéo các công ty Hoa Kỳ đang đầu tư ở nước ngoài quay trở về Mỹ; điều đó sẽ tạo thêm công ăn việc làm trong nước, và gia tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Mỹ xuất cảng, nhất là trong khung cảnh bảo vệ mậu dịch, dự tính đánh thuế quan lên tới 45%, đặc biệt là đối với các hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc.
Sự chênh lệch giữa các thuế suất sẽ giúp cho các doanh nghiệp Mỹ dễ dàng tính toán sự lợi hại hiển nhiên của việc quay trở về Mỹ hay tiếp tục đầu tư ra nước ngoài. Việc gia tăng công ăn việc làm trong nước sẽ dẫn tới việc gia tăng mức tiêu thụ trong nước, và do đó góp phần vào sự tăng trưởng nội thương, cũng như gia tăng các sô thu thuế thu nhập cá nhân cũng như công ty.
Đồng thời, ông Trump cũng điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu mà ông cho rằng bất hợp lý, gây bất lợi cho hàng xuất khẩu Mỹ, nhưng lại mở ngỏ cho hàng nhập cảng từ nước ngoài vào Mỹ. Đặc biệt là mặt hàng thép và nhôm từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Âu châu, đã gây tổn thất nặng nề cho ngành công ty thép của Mỹ, dẫn đến nhiều công ty sản xuất thép và nhôm trong nội địa Mỹ bị phá sản.
Việc điều chỉnh thuế nhập khẩu các mặt hàng thép tăng thêm 25% và nhôm tăng thêm 10% là để đối phó với tình trạng trên và giúp khôi phục công nghiệp thép của Hoa Kỳ. Việc tăng thuế nhập khẩu này đang gây nhiều bất lợi cho ngành công nghiệp thép của Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải thương thảo lại với Hoa Kỳ, tạo cơ hội để Hoa Kỳ đặt các điều kiện có lợi cho nền kinh tế Mỹ.
Cải cách thương mại và mậu dịch
Việc cải cách thuế khóa nêu trên cũng là một phần của việc cải cách thương mại và mậu dịch. Ông Trump cho rằng, các hiệp định thương mại hiện có bất lợi cho Mỹ bởi không tận dụng ưu thế thị trường lớn nhất của Hoa Kỳ. Ông chủ trương cần phải thương thảo lại các hiệp định thương mại trên căn bản song phương, thay vì đa phương. Ông Trump cho rằng thiệt hại về mậu dịch lớn nhất của Hoa Kỳ là Trung Quốc.
Theo thống kê chính thức của Bộ thương mại Hoa Kỳ, trong năm 2017, số xuất cảng của Mỹ sang Trung Quốc là 130 tỉ USD, số nhập từ Trung Quốc là 505 tỉ USD, số thâm thủng mậu dịch là 375 tỉ. Để đối phó với tình trạng này, ngoài các biện pháp tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm nêu trên, ông Trump đã ra lệnh cấm các công ty Mỹ bán các linh kiện điện tử cho hãng ZTE – chuyên sản xuất các dụng cụ truyền thông của Trung Quốc.
Hậu quả, ZTE đã phải đóng cửa từ đầu tháng 5.2018, khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải gọi điện thoại can thiệp với Tổng thống Trump. Theo đó, trung tuần tháng 5.2018, Trung Quốc đã cử một phái đoàn cấp cao do một phó thủ tướng sang Hoa Kỳ để thương thảo về mậu dịch.
Theo tin mới nhất được biết, Trung Quốc đã đồng ý sẽ tăng thêm hàng nhập khẩu của Mỹ vào nước này lên 200 tỉ USD trong 2 năm tới, chính yếu là gia tăng số mua của Trung Quốc về đậu nành, khí đốt thiên nhiên và máy bay thương mại.
Trung Quốc cũng cam kết từ nay đến năm 2020 sẽ gỡ bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ bán hàng và đầu tư, sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là những thỏa thuận sơ khởi, và các chi tiết chưa được biết rõ.
Về phía Mỹ, một ngày trước khi có cuộc thương thảo mậu dịch tại Washington DC, ông Trump đã loan báo rằng ông đã ra lệnh cho Bộ thương mại Hoa Kỳ tiếp tục cho phép các linh kiện điện tử bán cho hãng ZTE, với lý do sợ nhiều người mất việc làm.
Phía Trung Quốc phải nhượng bộ mua thêm hàng hóa trị giá tới 200 tỉ từ Mỹ là một thắng lợi to lớn của ông Trump. Đây là một khoản gia tăng to lớn, một “cuộc mặc cả khổng lồ” mà theo các kinh tế gia và các chuyên viên mậu dịch, để giảm thâm thủng mậu dịch 200 tỉ với Trung Quốc trong 2 năm tới đòi hỏi nước Mỹ phải gia tăng sản xuất vượt bậc mới đủ hàng hóa xuất sang Trung Quốc, vì nền kinh tế Hoa Kỳ gần như đã đạt năng suất tối đa.
Ngay với sự lạc quan nhất, nông phẩm xuất khẩu gia tăng của Hoa Kỳ sang Trung Quốc không thể làm cắt giảm số thâm thủng mậu dịch đến mức gần 100 tỉ. Công ty Boeing giỏi lắm chỉ gia tăng sản xuất thêm vài chiếc máy bay trong 2 năm tới, điều đó không thể đủ để cắt giảm hàng trăm tỉ trong số thâm thủng mậu dịch.
Trung Quốc sẽ sẵn lòng mua các sản phẩm bán dẫn diện tử và công nghệ cao cấp khác cùng vũ khí tối tân, nhưng chắc chắn Quốc hội Mỹ sẽ tìm cách hạn chế hay ngăn cấm việc bán các mặt hàng nhạy cảm này cho Trung Quốc. Vấn đề tranh chấp mậu dịch giữa Hoa Kỳ Trung Quốc rất phức tạp và sự thương thảo còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với thỏa thuận này, hai bên đã tuyên bố tạm dừng cuộc tranh chấp mậu dịch giữa hai nước.
Ngoài Trung Quốc, ông Trump đã đòi hỏi việc thương thảo lại các hiệp ước mậu dịch đang có, kể cả với các nước đồng minh tại Liên hiệp Âu châu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Canada … Các cuộc tái thương thảo này cũng đã bắt đầu giữa Hoa Kỳ với Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, Âu châu … Tuy chưa có các kết quả cụ thể, nhưng đã có các dấu hiệu về các nhượng bộ ít nhiều của các nước này với Hoa Kỳ.
Với các sự nhượng bộ nêu trên, Hoa Kỳ chẳng những sẽ cân bằng đươc cán cân thương mại với các nước, gia tăng xuất khẩu, mà còn hạn chế được các mặt hàng nhập khẩu bất lợi cho sự sản xuất của Hoa Kỳ.
Đáng chú ý là ông Trump đang cứu xét việc quay trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, đây là một liên minh rất quan trọng với Hoa Kỳ, không những về kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến vai trò của Mỹ tại Á châu trong các lãnh vực chính trị, ngoại giao đã được Tổng thống Obama khởi xướng. Nhưng khi tranh cử, ông Trump cho rằng bản Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương thương thảo bởi chính quyền Obama gây nhiều bất lợi thương mại và làm mất nhiều công ăn việc làm trong nội địa nước Mỹ.
Điều phải nói tới là sau khi thấy dư luận cử tri tán đồng quan điểm này, bà Hillary Clinton cũng đã thay đổi lập trường và cũng lên tiếng đòi hỏi xét lại hiệp định này, một hiệp định mà bà đã từng ủng hộ và tham gia thương thảo khi còn là Bộ trưởng Ngoại giao của chính quyền Obama. Đây cũng chỉ là một thủ thuật để tranh cử Tổng thống của bà Hillary Clinton.
Ngay trong những ngày nhiệm chức đầu tiên, ông Trump đã quyết định rút khỏi hiệp định này như đã tuyên bố lúc tranh cử, nhưng hiệp định vẫn được 11 quốc gia thành viên còn lại ký kết mà không có Mỹ và vẫn ngỏ cánh cửa cho Hoa Kỳ tái tham gia. Nay trước tình thế mới, ông Trump đã cân nhắc, không muốn để mất vai trò thương mại của Hoa Kỳ tại vùng đất quan trọng này,và thấy cần phải tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Ông Trump đã cử đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Cố vấn kinh tế cao cấp Larry Kudlow để thương thảo việc tái nhập hồi tháng 4.2018. Nếu điều này được các bên chấp nhận cũng là một trong các yếu tố quan trọng để làm giàu cho nước Mỹ.
Đối với các hiệp định phi thương mại khác, khía cạnh kinh tế cũng được du nhập để tái cứu xét. Cụ thể, ông Trump đã loan báo hôm 1.6.2017 rằng, Hoa Kỳ sẽ rút khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu và tức thời đình chỉ việc thi hành hiệp ước và các khoản đóng góp tài chính. Vào ngày 4.8.2017, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã gửi một văn thư chính thức đến Liên hợp quốc cho hay Hoa Kỳ rời khỏi Hiệp ước này. Các chuyên viên đã phân tích và đưa ra các lý do chính yếu của sự rút lui của Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu như sau:
Thứ nhất, chính quyền Trump có các liên hệ chặt chẽ với công nghiệp dầu khí hóa thạch. Công nghiệp này có các ảnh hưởng chính trị to lớn trên chính quyền Trump và Đảng Cộng hòa. Theo tạp chí The New Yorker, bản thân ông Trump, Phó tổng thống Pence và Trưởng Cơ quan quản trị môi trường Hoa Kỳ Pruitt đều có liên hệ cá nhân mật thiết với Tập đoàn Hóa dầu khổng lồ Koch Industries.
Vào ngày 25.5.2017, 22 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã viết một bức thư thúc giục ông rời khỏi Hiệp ước Paris. Một khi rút lui ra khỏi Hiệp ước Paris, chính quyền Trump sẽ tìm cách gỡ bỏ các quy định về bảo vệ khí hậu, giúp các công ty hóa dầu, kể cả Koch Industries khai thác các nguồn tài nguyên dầu khí sẵn có của Mỹ mà theo ước lượng, có đủ trữ lượng cho cả gần 100 năm nữa, nhằm tận dụng các tài nguyên này trước khi lỗi thời.
Thứ nhì, chủ trương “Nước Mỹ trước tiên” rõ ràng đối chọi với triết lý chính ngoại giao của Obama. Về mặt kinh tế, ông Trump tin rằng Hiệp ước Paris phá hoại ưu thế cạnh tranh của Hoa Kỳ và gây tổn hại cả cho công ăn việc làm lẫn các ngành công nghiệp năng lượng truyền thống.
Với việc rút khỏi cam kết Hiệp ước Paris, Hoa Kỳ đã không phải đóng góp một khoản tiền lớn theo quy định của Hiệp ước, đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ đã trốn bỏ trách nhiệm chống biến đổi khí hậu toàn cầu để phục vụ lợi ích riêng của nước Mỹ, phù hợp với tính chất dân tộc chủ nghĩa “Nước Mỹ trước tiên”.
Tăng cường Quốc phòng
Một lĩnh vực chính yếu khác trong chính sách “Nước Mỹ trước tiên” là chủ trương phục hồi và tăng cường quốc phòng. Ông Trump cho rằng dưới thời các Tổng thống tiền nhiệm, công nghiệp quốc phòng bị suy giảm rất nhiều, nhất là từ thời chính quyền Obama, với chiều hướng nặng về chủ hòa, không kích động hay tích cực hỗ trợ, tham gia vào các cuộc chiến tranh bên ngoài nước Mỹ.
Ngay sau khi nhậm chức Tổng thống, ông Trump đã cho cắt giảm ngân sách ngoại giao, và gia tăng ngân sách quốc phòng. Ngân sách quốc phòng năm 2018 được Tổng thống Trump ký ban hành hồi tháng 12.2017, cho phép chi tiêu đến 700 tỉ USD, vượt quá mức chi tiêu luật định là 549 tỉ.
Ông Trump đã đưa ra các kế hoạch gia tăng số tàu chiến và tàu sân bay, cải tiến các trang thiết bị quân sự, nhằm khôi phục và phát triển các công nghiệp quốc phòng, gia tăng sản xuất khí tài, nâng cao các kỹ thuật quân sự, và tạo thêm công ăn việc làm trong lãnh vực này.
Ông Trump cũng đã đòi hỏi các đồng minh trong khối NATO tại Âu châu và tại Á châu như Nhật Bản, Hàn Quốc gia tăng phần đóng góp vào các phí tổn phòng thủ của chính họ, thay vì bắt Hoa Kỳ phải đưa vai gánh chịu chính yếu. Điều này xét ra phù hợp với tình thế mới của thế giới và sự tăng trưởng kinh tế của các nước đồng minh của Mỹ trên toàn cầu. Các nước Âu châu trong khối NATO đã được yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng lên 2% tổng sản lượng quốc gia.
Trong cuộc gặp gỡ hôm thứ năm, 17.5, với Tổng thư ký khối NATO, ông Jens Stoltenberg, Tổng thống Trump nhắc lại rằng các thành viên NATO vẫn chưa đóng góp đầy đủ theo thỏa thuận phải bị đối phó, và đã nêu đích danh nước Đức là đã không chu toàn nghĩa vụ của mình, trong khi Đức là nước thụ hưởng nhiều nhất.
Chính Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, đồng ý rằng Đức phải đóng góp nhiều hơn nữa và muốn nâng ngân sách quốc phòng lên 2% theo chỉ tiêu để đối phó với sự thay đổi các điều kiện an ninh trên thế giới. Nếu sức ép với các nước đồng minh thành công, Hoa Kỳ sẽ bớt được một khoản chi phí khổng lồ cho nước Mỹ.
Ông Trump cũng đã khai thác tình trạng mâu thuẫn và nguy cơ xung đột tại nhiều nơi trên thế giới, đưa đến việc chạy đua vũ trang, tận dụng sự kiện Nga sáp nhập vùng Crưm vào lãnh thổ của Nga. Ông Trump thúc đẩy sự đối đầu về quân sự giữa Nga và khối NATO lên tới mức căng thẳng cực độ, có thể xảy ra xung đột vũ trang với Nga bất kể lúc nào.
Tại Trung Đông, tình hình mâu thuẫn, xung đột giữa các quốc gia khu vực này vốn đã hết sức căng thẳng. Chính quyền Trump đã có nhiều quyết định làm tình hình căng thẳng hơn, như đổ thêm dầu vào lửa khi đã hai lần tấn công quân sự vào Syria với lý do nước này đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân. Đối với các nước khác ở Trung Đông, chẳng những ông Trump đã không thực hiện vai trò trung gian hòa giải trong các cuộc xung đột giữa các nước Ả Rập và Israel, trái lại ông Trump đã có những chính sách khơi sâu các mâu thuẫn gây bất ổn ở khu vực này, như tích cực ủng hộ Israel đối đầu với các nước Ả Rập, ủng hộ Qatar trong khi nước này bị các nước Ả Rập khác lên án tiếp tay cho hoạt động khủng bố của IS;
Mỹ cũng không tích cực trong việc ủng hộ các cuộc đàm phán của 3 nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, nhằm tái lập hòa bình tại nước này. Mới đây, ông Trump tuyên bố rút ra khỏi hiệp định giải giáp vũ khí hạt nhân tại Iran bất kể các sự phản đối của các đồng minh Âu châu của Mỹ.
Đặc biệt, gần đây nhất, vào giữa tháng 5, ông Trump đã ra lệnh dời Tòa Đại sứ Israel đến Jerusalem, một hành động bị công luận quốc tế xem như đổ dầu vào lửa, châm ngòi cho một cuộc chiến tranh tôn giáo ở cường độ cao hơn.
Sự gia tăng các nguy cơ xung đột bạo động tại Âu châu và Trung Đông được xem đã tạo ra các cuộc chạy đua vũ trang, một cơ hội để Mỹ xuất khẩu vũ khí và các phương tiện chiến tranh sang các nước. Việc này sẽ mang lại khoản thu nhập khổng lồ cho Hoa Kỳ. Trong chuyến xuất ngoại đầu tiên của Tổng thống Trump đến Saudi Arabia, ông đã ký một hợp đồng bán vũ khí cho nước này trị giá lên tới 350 tỉ Mỹ kim. Qatar cũng đã mua của Mỹ các khí giới lên tới 21 tỉ USD, trong đó, 12 USD dành để mua 36 máy bay F-15QA, vào tháng 6.2017.
Việc quyết định để bán vũ khí nâng cấp và công nghệ tàu ngầm cho Đài Loan cũng đã được loan báo. Với các vụ mua bán vũ khí, Hoa Kỳ sẽ kiếm được khoản tiền khổng lồ để làm giàu nước Mỹ, thực hiện được lời tuyên bố của ông Trump phục hồi nền công nghiệp quốc phòng và tăng thêm việc làm cho người dân Mỹ.
Những điều cải cách nêu trên của ông Trump, nhìn tổng quát, cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang được phục hồi với sự gia tăng tổng sản lượng quốc gia, trong các chỉ số trên thị trường chứng khoán, đem lại nhiều công ăn việc làm cho người dân Mỹ. Công luận nước Mỹ nhìn Tổng thống Trump đã tích cực hơn.
Điều đáng chú ý là việc Tổng thống Trump đã giành được thế chủ động trên chính trường quốc tế, buộc các nước khác phải thương thảo với nước Mỹ trong lãnh vực đối ngoại và thương mại. Nếu như cuộc họp thượng đỉnh dự trù giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong Un (Triều Tiên) đi đến một thỏa thuận có nội dung tích cực, đây hẳn là một thành công ngoại giao lớn lao của ông Trump, vì sẽ loại bỏ được một nguy cơ đe dọa hạt nhân đối với Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, những quyết định của Donald Trump làm lợi cho nước Mỹ nhưng lại gây ra nhiều xáo trộn và biến động trên thế giới. Các quốc gia bị thiệt hại đang tìm các giải pháp để đối phó lại Mỹ, trong đó có thể hình thành các liên minh mới, đẩy Hoa Kỳ vào một thế cô lập mới.
Vì vậy, các tham vọng của Donald Trump vì nước Mỹ nặng chủ nghĩa dân tộc sẽ còn vấp phải nhiều khó khăn trở ngại. Nhưng với cá tính mạnh mẽ và quyết đoán của ông Trump, có lẽ ông Trump sẽ không lùi bước trước các thách đố trong và ngoài nước.
Mọi người nên lưu ý đến một câu nói của Donald Trump: “Chiến tranh mậu dịch là một loại chiến tranh tốt, và Mỹ dễ dàng chiến thắng hơn”.

RELATED ARTICLES

Tin mới