Ngày 6/7, Mỹ và Trung Quốc chính thức bước vào cuộc chiến thương mại “lớn nhất lịch sử”, theo cách gọi của Trung Quốc.
Washington và Bắc Kinh đồng thời tăng thuế 25% lên các mặt hàng nhập khẩu của đối phương trị giá 34 tỷ USD. Đây là một phần trong gói áp thuế 50 tỷ USD mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa ngày 15/6.
Gói thuế 14 tỷ USD nữa sẽ được Mỹ xem xét công bố trong 2 tuần tới. Chính quyền Trump cũng cảnh báo sẽ tăng thuế lên tổng cộng 500 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc nếu Bắc Kinh có động thái trả đũa.
Ngoài mục tiêu cân bằng thương mại Mỹ-Trung, ông Trump nhiều lần nhấn mạnh việc “lấy lại công bằng” cho các doanh nghiệp Mỹ. Bản báo cáo dài 200 trang của Đại diện Thương mại Mỹ công bố hôm 22/3 nêu rõ Trung Quốc đã có những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Trước đó, ông Trump và nhiều quan chức cấp cao Nhà Trắng từng nói thẳng Trung Quốc “ăn cắp tài sản trí tuệ” Mỹ.
Lo ngại với “Made in China 2025”
Người Mỹ càng cảm thấy lo lắng hơn, khi biết Trung Quốc đã vạch hẳn kế hoạch trung và dài hạn để vươn lên dẫn đầu công nghệ. Kế hoạch này có tên “Made in China 2025” (sản xuất tại Trung Quốc 2025). Theo đó, Trung Quốc sẽ chuyển đổi thành một nước dẫn đầu về công nghệ, bước đầu là năm 2025, tiếp đó là năm 2035 và 2049.
“Made in China 2025” đặc biệt chú trọng nâng cấp ngành sản xuất của Trung Quốc trong 10 lĩnh vực chiến lược như: Công nghệ thông tin, máy công nghệ cao và robot, hàng không vũ trụ, thiết bị hàng hải và tàu biển, vận tải đường sắt tiên tiến, thiết bị vận tải sử dụng năng lượng mới, năng lượng, máy móc nông nghiệp, vật liệu mới và y sinh học.
(Ảnh: Zhai Haijun/China.org.cn])
Việc một nền kinh tế hướng tới công nghệ cao là điều đáng khuyến khích. Tuy nhiên, cách để Trung Quốc đạt được trình độ công nghệ cao lại có vấn đề.
Thay vì bỏ tiền của, công sức và thời gian để nghiên cứu và phát triển, Bắc Kinh bị cáo buộc đã tìm cách “đánh cắp công nghệ” của các nước khác, thông qua tin tặc, gián điệp, thôn tính công ty và chèn ép các công ty đầu tư vào Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hôm 17/1, Tổng thống Trump và Cố vấn kinh tế Gary Cohn nói Trung Quốc đã ép các công ty Mỹ phải chuyển giao tài sản trí tuệ cho Trung Quốc như “chi phí” để được làm ăn tại nước họ.
Ngày 1/6, Liên minh châu Âu (EU) đã khởi kiện Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vì cho rằng nước này đặt ra quy định trái phép, ép buộc các công ty châu Âu phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc như điều kiện để được quyền làm ăn ở Trung Quốc.
“Chúng tôi không thể để bất cứ nước ngoài ép buộc các công ty của chúng tôi phải giao các kiến thức chuyên môn khó kiếm tại biên giới của họ. Điều này đi ngược với các quy tắc quốc tế mà chúng tôi đã nhất trí khi gia nhập WTO. Nếu các bên tham gia không tuân thủ luật chơi, hệ thống có thể sụp đổ”, Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmström phát biểu.
Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmström phát biểu tại cuộc họp ở Brussels, Bỉ ngày 1/6/2018. (Ảnh: AFP)
Vào tháng 12/2017, một công ty công nghệ Mỹ là Micron đã đệ đơn kiện một công ty Trung Quốc, với cáo buộc đánh cắp 900 tệp dữ liệu bí mật thông qua mua chuộc và gián điệp, nhằm ứng dụng phát triển các dự án công nghệ tại Trung Quốc.
Micron Technology là một công ty Mỹ sở hữu các thiết kế vi mạch có vai trò sống còn cho khả năng lưu trữ và truy xuất bộ nhớ của điện thoại và máy tính.
Theo đơn kiện của Micron tới Tòa án liên bang tại quận phía Bắc California, Công ty Vi mạch Kim Hoa Phúc Kiến (Fujian Jinhua Integrated Circuit – FJIC), Trung Quốc đã ăn cắp bí mật công nghệ của hãng. Những bí mật bị đánh cắp nhằm xây dựng 1 nhà máy trị giá 5,7 tỷ USD tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Trong báo cáo của Đại diện Thương mại Mỹ ngày 22/3, có đến hơn 100 lần cụm từ “Made in China 2025” được nhắc tới. Điều này cho thấy, quan ngại lớn nhất của Tổng thống Trump với Trung Quốc không phải thâm hụt thương mại, mà chính là kế hoạch “Made in China 2025”.
Bảo vệ doanh nghiệp và người lao động Mỹ
Một vũ khí lợi hại mà Tổng thống Trump đang xem xét là hạn chế đầu tư nhằm vào Trung Quốc.
Hồi tháng 3, Tổng thống Trump đã chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nghiên cứu một kế hoạch nhằm hạn chế hoạt động đầu tư của Trung Quốc “vào các ngành công nghiệp và kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng của Mỹ”.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.
CNN dẫn lời một cá nhân am hiểu kế hoạch của Nhà Trắng nói rằng các công ty có tối thiểu 25% vốn sở hữu của Trung Quốc sẽ bị cấm mua lại những công ty liên quan tới công nghệ mà Washington đánh giá là quan trọng, ví dụ như không gian vũ trụ, robot, công nghiệp ô tô.
Một nguồn tin giấu tên từ chính quyền Mỹ cho hay quy định hạn chế đầu tư mới có thể sẽ “khép chặt cánh cửa” tiếp cận của Trung Quốc đối với khoảng 1.000 công ty và doanh nghiệp Mỹ.
Các doanh nghiệp Mỹ nói rằng họ thiệt hại đến hàng trăm tỷ USD về công nghệ và hàng triệu công việc vì các hành vi gian lận của Trung Quốc.
Ngày 6/7, một tòa án Mỹ đã phạt nhà sản xuất tuabin gió Trung Quốc Sinovel Wind Group 1,5 triệu USD và đặt công ty này vào quản chế trong một năm, với cáo buộc trộm cắp bí mật thương mại và gian lận.
Theo các tài liệu của tòa án, Sinovel đã ăn cắp phần mềm điều chỉnh dòng điện từ tuabin tới lưới điện của AMSC, một công ty công nghệ năng lượng ở Ayer, Massachusetts.
Vì vụ trộm, doanh thu của AMSC giảm, giá trị thị trường giảm từ 1,6 tỷ USD xuống còn khoảng 200 triệu USD và công ty buộc phải loại bỏ gần 700 việc làm, hơn một nửa lực lượng lao động toàn cầu của công ty.
Sinovel đã ăn cắp phần mềm điều chỉnh dòng điện từ tuabin tới lưới điện của AMSC.
Ông Trump từng nói rằng ông muốn Mỹ có quan hệ tốt với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh cần đối xử “công bằng” với đối tác.
Với việc “khai hỏa” cuộc chiến thương mại ngày 6/7, Tổng thống đã chọn phương án cuối cùng để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ, qua đó bảo vệ việc làm cho người Mỹ trước sự đe dọa từ Trung Quốc.
Ai là người thắng cuối cùng?
Nhiều chuyên gia cảnh báo một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất-nhì thế giới sẽ khiến cả hai “lưỡng bại câu thương”, và ảnh hưởng xấu đến kinh tế thế giới.
Trong khi đó, Tổng thống Trump từng cho rằng Mỹ “dễ thắng trong các cuộc chiến tranh thương mại” (trade wars are easy to win). Riêng với Trung Quốc, niềm tin đó của ông càng cao.
Lý thuyết của ông khá đơn giản: Hiện Mỹ xuất khoảng 200 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc, trong khi Trung Quốc xuất sang Mỹ khoảng 500 tỷ USD hàng hóa, chênh lệch khoảng 300 tỷ USD.
Vì vậy, nếu Mỹ áp thuế hàng hóa Trung Quốc trong vòng 200 tỷ USD, Bắc Kinh có thể đáp trả tương ứng, nhưng nếu Washington áp thuế trên 200 tỷ USD hàng hóa, Trung Quốc lại chẳng thể nâng thêm.
(Ảnh: SHUTTERSTOCK)
Hồi tháng 5, Trung Quốc đã từng điều đình với Mỹ để ngăn chặn một cuộc chiến thương mại. Theo giới phân tích, việc Bắc Kinh nhượng bộ trước rất đáng chú ý, vì nước này dường như ngầm thừa nhận sự yếu kém.
Milton Ezrati, kinh tế trưởng của Vested ở New York kiêm biên tập viên tạp chí The National Interest, cho rằng khó khăn rõ thấy nhất của Trung Quốc nằm ở mô hình tăng trưởng thiên về xuất khẩu, điều mà nhiều người ở phương Tây nhầm lẫn là sức mạnh của cường quốc đông dân nhất thế giới.
Do Trung Quốc quá chú trọng đến việc sản xuất, họ đã tạo ra sự dư thừa, có thể dẫn đến lãng phí nếu các công ty quốc doanh không thể bán hết được chúng.
Không có người mua, các bó cốt thép, động cơ phản lực và những sản phẩm tương tự sẽ trở nên han gỉ trong các sân kho nhà máy. Điện thoại iPhone và hàng triệu áo phông in sẵn logo sẽ gây ra vấn đề lưu kho nghiêm trọng.
Mô hình tăng trưởng như trên phụ thuộc vào sự thịnh vượng ở các nước khác, những nơi tiêu thụ sản phẩm của Trung Quốc. Các báo cáo về tăng trưởng kinh tế gần đây của Trung Quốc đã chỉ rõ sự phụ thuộc này.
Ngay cả Tổng cục Thống kê Trung Quốc cũng quy tốc độ tăng trưởng ở Mỹ và châu Âu là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển nhảy vọt của nước này.
Dĩ nhiên, chiến tranh thương mại sẽ có những tổn hại trước mắt cho một số doanh nghiệp Mỹ, nhưng lợi ích về lâu dài có thể lớn hơn.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang ở trong giai đoạn “nở rộ” với tốc độ tăng trưởng cao và thất nghiệp thấp sẽ cho Tổng thống Trump thêm nhiều “vũ khí” để chiến đấu với Trung Quốc.