Friday, November 15, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 10/07/2018

Bản tin Biển Đông ngày 10/07/2018

Bản tin Biển Đông ngày 10/07/2018.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích “những nhận định sai lầm của New Zealand” về Trung Quốc và vấn đề Biển Đông

Ngày 9/7, Mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 9/7, đã có phóng viên đặt câu hỏi rằng: phải chăng Chính phủ New Zealand đã thay đổi lập trường của mình đối với Trung Quốc khi tuyên bố sẽ mua bốn máy bay săn ngầm P-8A của Mỹ và thậm chí tuần trước còn ra một “báo cáo chính sách quốc phòng chiến lược” nhằm chỉ trích các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông? Trả lời câu hỏi của phóng viên, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Trung Quốc đã “nghiêm túc lên án” phía New Zealand vì đã có những nhận định sai lầm về Trung Quốc. Mặt khác, bà khẳng định Trung Quốc “luôn là thành viên xây dựng nên hoà bình thế giới, đóng góp vào sự phát triển toàn cầu và bảo vệ trật tự quốc tế”, “sự phát triển của Trung Quốc không đe doạ bất kỳ bên nào mà trái lại còn đem tới những cơ hội lớn cho tất cả những quốc gia khác trên thế giới”. Về vấn đề Biển Đông, bà Hoa Xuân Oánh cương quyết khẳng định lập trường “nhất quán và rõ ràng” rằng “hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên lãnh thổ của mình ở Biển Đông là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp. Không ai có quyền đưa ra những tuyên bố vô trách nhiệm về điều này”. Ngoài ra, bà cho biết: “bên cạnh việc bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, các quyền và lợi ích của Trung Quốc trên Biển Đông, Trung Quốc cam kết giải quyết một cách hoà bình các tranh chấp thông qua đối thoại và đàm phán với các bên liên quan trực tiếp”. Tuy nhiên, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đưa ra thông điệp hết sức cứng rắn: “Trung Quốc yêu cầu New Zealand nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, xem lại những phát biểu và hành động sai lầm đồng thời đóng góp nhiều hơn vào lòng tin chung và sự hợp tác giữa hai quốc gia”.

Philippines và Mỹ bắt đầu diễn tập hải quân trên Biển Đông

Ngày 9/7, The Philippine Star đưa tin, mới đây hải quân Mỹ và Philippines đã khởi động cuộc diễn tập hải quân chung “Sama – Sama” tại căn cứ hải quân Ernesto Ogbinar, thành phố San Fernando, Philippines. Cuộc diễn tập hải quân sẽ được triển khai tại Biển Đông với sự tham gia của tàu vận tải nhanh USNS Millinocket, tàu lặn và cứu hộ USNS Salvor, máy bay trinh sát biển P-8 Poseidon của Mỹ và hai tàu chiến của Philippines là BRP Ramon Alcaraz và BRP Tarlac của Philippines. Hải quân Mỹ cho cho hay hải quân hai nước sẽ tiến hành các cuộc diễn tập phòng thủ trên không nhằm nâng cao năng lực phòng thủ trên không và phòng thủ tên lửa cùng các cuộc diễn tập ngầm và tìm kiếm cứu nạn. Theo The Philippine Star, Lực lượng Tự vệ bờ biển của Nhật Bản cũng sẽ tham dự cuộc diễn tập này với tư cách là quan sát viên.

Chuẩn Đô đốc Joey Tynch, Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm 73 của Hải quân Mỹ cho biết tên cuộc diễn tập hải quân “Sama-Sama” đã phản ánh đầy đủ quan hệ đồng minh giữa Philippines và Mỹ trong 70 năm qua cũng như những lợi ích chung về an ninh biển cùng với niềm tin chung về sự cần thiết của những hoạt động hợp tác giữa các lực lượng hải quân nhằm giải quyết những thách thức khu vực. Trung tướng Emmanuel Salamat, Tư lệnh Bắc Luzon, hải quân Philippines khẳng định cuộc diễn tập đã đem lại cơ hội cho hải quân của cả hai nước mở rộng phạm vi hoạt động và hợp tác trên biển, “mang tới cơ chế hợp tác hữu hiệu giữa hai bên trên tinh thần Hiệp ước chung (Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ – Philippines)”.

Lầu Năm góc khẳng định quyền quá cảnh của tàu Mỹ đi qua vùng biển quốc tế khu vực eo biển Đài Loan trước những cáo buộc vô cớ của phía Trung Quốc

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, ngày 9/7, Đại tá Robert Manning, người đứng đầu cơ quan phát ngôn của Lầu Năm góc khẳng định việc Mỹ đưa hai tàu khu trục mang tên lửa hành trình đi qua vùng biển quốc tế trên khu vực eo biển Đài Loan vào cuối tuần qua “là hành động được phép về mặt pháp lý” sau khi Trung Quốc ngang ngược chỉ trích Mỹ “lạm dụng lá bài Đài Loan” trong bối cảnh tranh chấp căng thẳng về thương mại giữa hai nước. Ông Manning từ chối không bình luận về thời điểm cụ thể của hoạt động này song khẳng định quyền của tàu Mỹ khi “bay, qua lại và hoạt động”. Ông Abraham Denmark, Giám đốc Chương trình Châu Á tại Trung tâm Wilson, Mỹ nhận định rằng: “việc Mỹ đưa các tàu quân sự đi qua eo biển Đài Loan một mặt thể hiện sự ủng hộ của mình đối với Đài Loan, mặt khác cũng thể hiện quyết tâm thực thi các quyền trên biển của Mỹ trên các vùng lân cận lãnh thổ Trung Quốc”.

Theo Thông tấn xã Trung ương Đài Loan cho biết, ngày 8/7, ông Lưu Kết Nhất, Trưởng Phòng các vấn đề về Đài Loan của Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ “sử dụng ván bài Đài Loan” “với một mục đích rõ ràng”. Ông Lưu cũng cảnh cáo: “Trung Quốc phản đối bất kỳ động thái nào gây tổn hại đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc”.

Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông

Ngày 10/7, Mạng tin tức Trung Quốc đưa tin, từ ngày 5 – 7/7, một đội tàu thuộc Hạm đội Nam Hải, Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã triển khai tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông. Trang mạng này cho hay cuộc tập trận được tiến hành nhằm “nâng cao khả năng tác chiến”, tuy nhiên không nói rõ vị trí của cuộc tập trận nằm ở đâu.

Thẩm phán Toà tối cao Philippines: các lực lượng hải quân và không quân trên thế giới đang nỗ lực thực thi Phán quyết Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông

Ngày 10/7, trang Inquirer đưa tin, ngày 9/7, phát biểu tại một diễn đàn được tổ chức ở Manila, Philippines, Thẩm phán Toà án tối cao Philippines, ông Antonio Carpio cho rằng lực lượng hải quân và không quân của các nước siêu cường trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản đang nỗ lực thực thi Phán quyết Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 thông qua việc đi qua các vùng biển quốc tế và vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không, theo như những kết luận đã được rút ra từ Phán quyết. Bên cạnh đó, ông cho rằng cần phải giải thích cho mọi người dân Philippines về giá trị to lớn của Phán quyết đối với lợi ích quốc gia của Philippines và nghĩa vụ bảo vệ giá trị của Phán quyết, để sau đó chính quyền tiếp theo có thể thực thi Phán quyết này.

Ý kiến học giả: ngư trường cá ở Biển Đông có nguy cơ bị phá vỡ trong 10 năm tới

Ngày 10/7, trang Inquirer đưa tin, phát biểu tại diễn đàn chính sách “Kasarinlan” ngày 9/7 tại Philippines, TS. Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Nghiên cứu các vấn đề biển và luật biển, Đại học Philippines cho biết, dựa trên các dữ liệu tài nguyên khác nhau, có thể thấy rằng các ngư trường ở Biển Đông đang bị đe doạ bởi nguy cơ có thể bị phá vỡ trong khoảng 10 năm tới. Ông cho rằng điều đáng lo ngại là “khi hoạt động ngư nghiệp lên xuống, thông thường sau đó sẽ là một sự đổ vỡ đột ngột” và tình hình trở nên xấu đi do hoạt động động khai thác quá mức san hô và trai khổng lồ do người Trung Quốc thực hiện thời gian qua. Trongg bối cảnh đó, ông Batongbacal nhấn mạnh rằng Philippines cần bảo vệ môi trường sống trên biển và các đàn cá ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới