Trung Quốc đang khuyến khích đầu tư vào các hòn đảo và vùng biển ở Biển Đông, tập trung ở quần đảo Hoàng Sa, theo một thông báo vào tuần trước.
Sở Hải dương và Ngư nghiệp của tỉnh Hải Nam, tỉnh quản lý các đảo và vùng biển tranh chấp mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, sẽ cho phép các cá nhân thuê các đảo nhỏ cho mục đcíh du lịch và xây dựng với thời gian có thể lên đến 50 năm.
Dự án phát triển sẽ tập trung chủ yếu ở các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, hay còn gọi là Tây Sa theo cách gọi của Bắc Kinh, theo tờ Japan Times.
Theo bản thông báo này, các dự án nuôi trồng thủy sản sẽ được phép sử dụng trong 15 năm, các dự án du lịch và giải trí được 25 năm, ngành công nghiệp muối mỏ 30 năm, phúc lợi xã hội 40 năm và các dự án xây dựng cầu cảng là 50 năm.
“Việc phát triển trên các hòn đảo không người ở sẽ đảm bảo sự ổn định của Nam Hải và loại bỏ các mục đích xâm lược và xâm chiếm của các nước khác đối với chủ quyền lãnh thổ của chúng ta,” nghiên cứu sinh tại Học viên quốc gia Hải Nam, Chen Xiangmao nói.
Quần đảo Hoàng Sa đã thuộc quyền sở hữu không chính thức của Trung Quốc kể từ sau trận Hải chiến Hoàng sa năm 1974.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Hình ảnh bãi Đá Chữ thập chụp bằng vệ tinh hôm 26/5/2018
Kể từ đó Trung Quốc đã xây dựng nhiều tiền đồn, đặc biệt là tại đảo Phú Lâm, hay còn được Bắc Kinh gọi là đảo Vĩnh Hưng – cơ sở đầu não cho các hoạt động của Bắc Kinh tại vùng biển tranh chấp.
Tờ Japan Times nhận định các chuyên gia cho rằng các dự án này là để thắt chặt quyền kiểm soát không chính thức của Trung Quốc tại các đảo ở Biển Đông, nơi có ba đảo nhân tạo của Trung Quốc nằm ở chuỗi đảo Trường Sa phía nam Hoàng Sa – trên ba bãi đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn – đều có sân bay cấp quân sư.
Cũng trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã nâng cấp nhanh chóng cơ sở và thiết bị quân sự tại Biển Đông.
Tháng Tư, đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình tham gia quan sát cuộc diễn tập hải quân quy mô lớn với hàng ngàn binh sĩ, hàng chục máy bay chiến đấu và đặc biệt là không mẫu hạm Liêu Ninh.
Đầu tháng Năm, Trung Quốc bắt đầu thiết lập hệ thống tên lửa chống tàu và hệ thống tên lửa đất-đối-không trên một số tiền đồn ở quần đảo Trường Sa.
Đến giữa tháng Năm, Trung Quốc lần đầu tiên cho phi cơ ném bom hạ cánh xuống các tiền đồn ở Hoàng Sa.
Đến đầu tháng Bảy, lại có thông tin Trung Quốc đang bí mật thử nghiệm các thiết bị tác chiến điện tử mới được lặp đặt ở các tiền đồn ở Hoàng Sa.