Saturday, January 18, 2025
Trang chủBiển nóngVới "nước cờ" RIMPAC, Mỹ có chặn được mưu đồ kiểm soát...

Với “nước cờ” RIMPAC, Mỹ có chặn được mưu đồ kiểm soát Đông Nam Á của Bắc Kinh?

“Bắc Kinh hiện có khả năng kiểm soát toàn bộ Đông Nam Á trong tất cả các viễn cảnh đối đầu với Mỹ”, Đô đốc Mỹ nhận định.

RIMPAC 2012. Ảnh: USN

Vũ khí chính trị quyền lực mềm của Mỹ

Cuộc diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) là diễn tập hải quân đa phương lớn nhất thế giới, được tổ chức hai năm một lần và được chủ trì, quản lí bởi Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ.

Theo Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương, RIMPAC “giúp cải thiện năng lực tương tác giữa các lực lượng vũ trang trên Thái Bình Dương, là hoạt động tăng cường ổn định khu vực và đem lại lợi ích xứng đáng cho tất cả các nước tham gia”.

Ý tưởng về RIMPAC được tạo nên từ Chiến tranh Lạnh. Cuộc tập trận lần đầu tiên, năm 1971, có sự góp mặt của các đồng minh của Mỹ, bao gồm Australia, Canada, New Zealand và Anh – với mục tiêu nhằm “đe dọa” Liên Xô.

Sau nhiều năm, RIMPAC đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác ngoài quân sự, tập trung vào những vấn đề được các nước nhỏ trong khu vực quan tâm – ví dụ như hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn, chống khủng bố và chống hải tặc. Nga (năm 2012) và Trung Quốc (năm 2014, 2016) cũng từng tham gia RIMPAC.

RIMPAC năm 2018 bắt đầu vào ngày 27/6 tại vùng biển xung quanh Hawaii và với sự góp mặt của 27 quốc gia, bao gồm một số nước từ Đông Nam Á – Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Mark J. Valencia, học giả cấp cao tại Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia (Trung Quốc) cho rằng: Trên thực tế, RIMPAC – sự kiện mà có những người liều lĩnh gọi là “bữa tiệc cocktail trên biển lớn nhất thế giới” – là một vũ khí chính trị quyền lực mềm của Mỹ.

Theo ông Peter Layton, một chuyên gia tại Viện Châu Á Griffith của Australia, sự kiện RIMPAC lần này đã tạo cơ hội để Mỹ chiếm được ưu thế hơn Trung Quốc tại vùng biển khu vực. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để Mỹ thể hiện những công nghệ quốc phòng tiên tiến và phát hiện điểm yếu của những nước tham gia.

Mỹ hủy lời mời với Trung Quốc

Năm 2014, Mỹ đã không mời Nga tham gia RIMPAC vì căng thẳng leo thang sau sự kiện ở Ukraine. Lần gần đây nhất Mỹ sử dụng RIMPAC với mục đích chính trị là hủy bỏ lời mời Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập. Hành động ấy của Mỹ đã khiến Trung Quốc “mất mặt” trên thế giới nhưng cùng lúc khiến Mỹ có nhiều “quyền lực” hơn.

Trung Quốc đã bị công khai “hủy lời mời” bởi “liên tục đưa quân đội và khí tài tới Biển Đông”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói: “Hành vi của Trung Quốc đã không tuân thủ các quy tắc và mục đích của cuộc diễn tập RIMPAC”.

Tuy nhiên, Mỹ là nước chủ trì và tự đơn phương đưa ra những “quy tắc và mục đích” của RIMPAC.

Lời hủy hẹn của Mỹ với Trung Quốc không chỉ là một sự kiện đơn thuần, mà còn có mối liên hệ trực tiếp tới những căng thẳng leo thang giữa quan hệ Mỹ – Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Phát biểu ngày 30/5, Đô đốc đã nghỉ hưu Harry Harris khẳng định: “Trung Quốc vẫn là thách thức lâu dài lớn nhất đối với Mỹ. Nếu không có sự hợp lực giữa Mỹ cùng các đồng minh và đối tác, Trung Quốc sẽ sớm đạt được mục tiêu kiểm soát châu Á”.

Đô đốc Philip Davidson tại Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương nhận định: “Bắc Kinh hiện có khả năng kiểm soát toàn bộ Đông Nam Á trong tất cả các viễn cảnh đối đầu với Mỹ”.

Trong khuôn khổ cuộc diễn tập, Mỹ đang đề xuất – và thúc giục – một “Bộ Tứ” mới với các thỏa thuận tiềm năng về an ninh, với sự góp mặt của Ấn Độ, Australia và Nhật Bản. Trung Quốc sẽ hiểu rằng đây là cách “kìm chế” sức mạnh của Bắc Kinh và đã chuẩn bị sẵn sàng cho mâu thuẫn sắp tới.

Ông Valencia nhận định, kỳ thực, các tuyên bố và hành động của Mỹ có thể sẽ phản tác dụng và dẫn tới tình trạng Trung Quốc củng cố lập trường, đồng thời hướng tới một phương thức “có vay có trả” tại biển Đông.

Trung Quốc và ASEAN đã nhất trí và hiện đang lên kế hoạch tiến hành cuộc tập trận hàng hải chung đầu tiên vào cuối năm nay tại khu vực biển này.

Theo vị học giả, Trung Quốc có thể ngụ ý rằng việc các quốc gia ASEAN tham gia tập trận thể hiện “sự ủng hộ mang tính bị động” đối với quan điểm của Trung Quốc về biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới