Trung Quốc có thể xây dựng ảnh hưởng lớn ở Syria nói riêng và cả khu vực Trung Đông mà không tốn quá nhiều tâm sức vì TQ quá nhiều tiền.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: Reuters
Trung Quốc sẽ giúp đỡ tái thiết Syria?
Trong thời gian qua, Syria đang kêu gọi các nỗ lực của Trung Quốc nhằm đảm bảo an ninh và cải thiện môi trường kinh tế ở Trung Đông, ngược lại, Bắc Kinh cũng đang chìa bàn tay giúp đỡ Syria bị tàn phá do chiến tranh trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Ả Rập (CASCF).
Bàn về sự hiện diện của Trung Quốc ở Trung Đông, nhà phân tích và chuyên gia kinh tế Syria tại Bắc Kinh là ông Munir Gneim đã đưa ra lời giải thích tại sao Bắc Kinh luôn quan tâm rất nhiều đến các vấn đề Syria.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng, Trung Quốc luôn luôn nhấn mạnh đặc biệt đến Syria do vị trí địa-chính trị quan trọng của đất nước này trong khu vực. Về mặt quan điểm chính trị, Bắc Kinh cũng như Moscow đều coi chính phủ Syria hợp pháp là một đối tác đáng tin cậy và lâu dài, nên họ sẽ xây dựng các mối quan hệ kinh tế chiến lược với Syria.
Sự bất hợp tác của phương Tây để giúp xây dựng lại Syria làm cho Trung Quốc trở thành một sự thay thế khả thi. Bắc Kinh, với núi tiền khổng lồ của mình, đã sẵn sàng để đóng góp cho quá trình tái thiết Syria và đã được Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh.
Vào tháng 1 đầu năm nay, Nga đã đã mời Bắc Kinh tham gia Đại hội Đối thoại Quốc gia Syria tại khu nghỉ mát Sochi ở vùng Biển Đen, với vai trò là một quan sát viên. Moscow tin rằng Trung Quốc với địa vị và khả năng tài chính của mình xứng đáng có một vai trò trong quá trình mang hòa bình đến đất nước bị chiến tranh tàn phá hoàn toàn như Syria.
Trước đây, Trung Quốc đã khởi động Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” (BRI) đầy tham vọng, nhằm tái hiện thực hóa “Con đường Tơ lụa trên bộ mới”, tức là một dự án phát triển cơ sở hạ tầng liên lục địa, được đầu tư nhiều tỷ USD, trong đó, Syria được coi là “một đối tác chuyển tuyến”.
Để thực hiện sáng kiến này, Bắc Kinh sẽ vung các khoản đầu tư trên khắp thế giới trong tương lai và Syria có thể là người thụ hưởng một phần trong số đó. Nguồn ngân sách của Trung Quốc cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, những người bảo lãnh quá trình Astana.
Từ trước đến nay, Bắc Kinh đã đóng một vai trò quan trọng nhưng kém tích cực trong tiến trình hòa bình Syria, bởi không có sự tham gia trực tiếp của quân đội nước này. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, việc tái thiết sau chiến tranh là quá sức đối với Nga và Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và họ sẽ cần một nỗ lực toàn diện mang tính quốc tế; do đó, cái túi tiền đầy ắp của Trung Quốc sẽ phát huy tác dụng trong giai đoạn này.
Xuất phát từ nguyên nhân này, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ có thể mời Trung Quốc trở thành quốc gia bảo lãnh chính thức thứ tư cho định dạng hòa bình Astana. Nỗ lực này có thể mở rộng đối với các thành viên khác của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), bao gồm Ấn Độ và Pakistan. Các quốc gia này chưa bao giờ có mặt trong cuộc xung đột Syria và do đó có thể được tin cậy để hoạt động như những người trung gian công bằng.
Giới chức lãnh đạo Bắc Kinh tuyên bố, ngoài kinh tế, Trung Quốc có thể cung cấp hỗ trợ về quân sự và các hình thức trợ giúp khác cho Syria, bởi họ cũng có lợi trong việc giải quyết cuộc xung đột, làm giảm nguy cơ lính đánh thuê từ Tân Cương sẽ trở về quê hương để tấn công khủng bố.
Vừa qua, các doanh nhân Trung Quốc đã tới Syria, khám phá các cơ hội đầu tư. Sau đó, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch xây dựng một khu công nghiệp trị giá 2 tỷ USD cho 150 công ty Trung Quốc.
Gneim nói với Sputnik tiếng Ả Rập rằng, Bắc Kinh quan tâm đến việc ổn định tình hình Syria và khu vực Trung Đông, ngược lại, đối với Syria hiện đang thiếu sự ổn định cả về mặt chính trị và kinh tế, sự hiện diện của Trung Quốc cũng được đánh giá một cách tích cực.
Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông
Vào ngày 10 tháng 7, Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Ả Rập (CASCF) đã khởi động tại Bắc Kinh. Đại diện của 21 quốc gia Ảrập, cũng như Tổng thư ký Liên đoàn các quốc gia Ả Rập (LAS) Ahmed Abu Al-Gheit đã tham gia sự kiện này.
Một trong những nhiệm vụ chính của sự kiện này là thúc đẩy thương mại liên vùng và hợp tác kinh tế trong khuôn khổ sáng kiến của chính phủ Trung Quốc mang tên “Một vành đai, một con đường”.
Thư ký báo chí của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo, “việc thành lập quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-Ả Rập trong tương lai sẽ dược tực hiện theo định hướng hợp tác toàn diện và phát triển chung”.
Trong một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Adel bin Ahmed Al-Jubeir của Saudi Arabia và Tổng thư ký Ahmed Aboul Gheit của Liên đoàn Ảrập; Ủy viên Quốc vụ viện, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gọi Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ tám của CASCF là một cuộc họp tạo nên lịch sử.
Theo The South China Morning Post, Bắc Kinh thực hiện cam kết của mình bằng hành động cung cấp hơn 23 tỷ USD trong các khoản vay và viện trợ cho các quốc gia Ả Rập. Ngoài ra, Trung Quốc đã cam kết viện trợ nhân đạo cho Syria, Jordan và Yemen số tiền 90,5 triệu USD.
Phát biểu với Sputnik Trung Quốc vào ngày 12 tháng 7, Wang Zhimin, giám đốc Trung tâm Toàn cầu hoá và Hiện đại hóa tại Viện Kinh tế và Ngoại thương của Trung Quốc nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh quyết tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế Trung Quốc-Arab trong khuôn khổ “Sáng kiến Một vành đai, Một con đường”.
Theo ông này, triết lý của Trung Quốc là: “cùng nhau thảo luận, cùng nhau xây dựng và chia sẻ”. Hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Ảrập không gây ra bất kỳ tác hại kinh tế nào đối với Thế giới Ả rập và được xây dựng dựa trên nguyên tắc ‘Hiểu biết lẫn nhau, cùng chung lợi ích, sự chân thành và lòng bao dung” – Wang nhấn mạnh.
Với túi tiền đầy ắp, Trung Quốc hy vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái thiết Syria |
Về phần mình, Giáo sư Vladimir Kolotov, Trưởng bộ môn lịch sử các nước Viễn Đông, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc Khoa Phương Đông – Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg của Nga cho rằng, Trung Quốc đã bắt đầu một “trò chơi vĩ đại” ở Trung Đông.
Bắc Kinh đề xuất với các nước tham gia vào dự án “Một vành đai, Một con đường” của mình và Thế giới Ả Rập đã được cung cấp một sự lựa chọn: Hoặc là tiếp tục con đường đấu đá và sụp đổ mà Mỹ đang thúc đẩy, hoặc là đi theo con đường tham gia vào các dự án quốc tế do Trung Quốc đứng đầu, đảm bảo phát triển và tăng trưởng.
Giáo sư Kolotov nhấn mạnh rằng, nền kinh tế Trung Quốc vẫn là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong năm 2016, IMF và Ngân hàng Thế giới đã xếp hạng cho Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất thế giới về sức mua tương đương (PPP). Năm 2017, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được xếp hạng thứ hai về GDP trong nền kinh tế toàn cầu.
Kolotov nhận định rằng, chính vì sự phát triển như vũ bão này mà một cuộc chiến kinh tế lớn đã nổ ra giữa Trung Quốc và Mỹ.
Bắc Kinh hiểu rằng đối thủ cạnh tranh của mình sẽ phá hoại các công trình mà họ đã dày công xây dựng, do đó, nước này đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ lợi ích kinh tế chiến lược của mình. Trung Quốc hiện đang tìm kiếm các đồng minh và sẵn sàng trả tiền cho họ để thiết lập quan hệ hợp tác và đối tác chiến lược.
Nghiên cứu của Nga chỉ ra rằng, Trung Quốc lại là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới (bình quân 6 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc duy trì mức nhập khẩu 9 triệu thùng/ngày). Phần lớn dầu được sản xuất ở Trung Đông đi đến Đông Á (chỉ tính riêng Saudi Arabia và Iran đã cung cấp tới 1,7 triệu thùng/ngày, tương đương 6,4 triệu tấn dầu).
Do đó, Trung Quốc cần sự ổn định trong khu vực Trung Đông và sẽ làm mọi việc để giữ khu vực này ổn định.