Bản tin Biển Đông ngày 13/07/2018.
Học giả Philippines: cần ít nhất 3 biện pháp nếu muốn bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ
Ngày 13/7, trang Inquirer đưa tin, ngày 12/7, tại diễn đàn kỷ niệm 2 năm Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc ngày 12/7/2016 tổ chức ở Philippines, GS. Jay Batongbacal, Giám đốc Viện các vấn đề biển và Luật biển, Đại học Philippines cho rằng Philippines cần thay chính sách hoà dịu hiện nay bằng một chính sách tích cực và chủ động hơn, không tiếp cận theo hướng hiếu chiến mà sẽ tiếp cận một cách nghiêm túc “dựa trên sự tôn trọng và bình đẳng”. Ông Batongbacal cho biết những biện pháp này sẽ không nhằm thực thi phán quyết cũng như không tậo ra những thay đổi căn bản trong chính sách đối ngoại hiện tại song nó sẽ là tín hiệu cho thấy rằng Philippines và Trung Quốc sẵn sàng duy trì trật tự dựa trên luật lệ trên Biển Đông. Những đề xuất mà GS. Batongbacal đề xuất gồm: (i) yêu cầu Trung Quốc cùng hợp tác để khôi phục lại bãi cạn Scarborough cũng như có những biện pháp để bù đắp thiệt hại gây ra trên các rạn san hô, (ii) dỡ bỏ lệnh cấm đối với các hợp đồng dịch vụ dầu khí trên Biển Đông để tiếp tục thụ hưởng những lợi ích từ tài nguyên thiên nhiên thuộc quyền chủ quyền của mình và thúc đẩy sự phát triển quốc gia, (iii) yêu cầu Trung Quốc đưa ra cam kết rõ ràng để loại bỏ/không lắp đặt các vũ khí tầm trung và tầm xa cũng như không đặt các máy bay chiến đấu tầm xa tại các căn cứ quân sự của nước này trên Biển Đông, nhất là khu vực Đá Vành Khăn.
Ông Batongbacal nhận định đây là một thách thức đối với Philippines để nước này “thể hiện một số nội dung cốt lõi” trong chính sách đối ngoại hiện nay của mình đồng thời cũng để chứng minh rằng chính sách đối ngoại là nhằm phục vụ cho lợi ích của người Philippines chứ không phải vì Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông cho rằng đây cũng là thách thức đối với Trung Quốc để nước này “chứng minh sự thiện chí và sự tự kiềm chế cần thiết để cho thấy rằng nước này không có tham vọng bành trướng hiếu chiến ở khu vực”
Đề xuất của ông Batongbacal đã được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục hành động một cách hung hăng trên Biển Đông bất chấp việc Phán quyết Toà Trọng tài đã bác bỏ yêu sách lịch sử phi lý của nước này ở khu vực.
73% người dân Philippines mong muốn Chính phủ khẳng định các quyền của nước này ở Biển Đông
Ngày 13/7, The Philippine Star đưa tin, theo kết quả khảo sát mới nhất của Công ty Pulse Asia, có 73% người dân Philippines mong muốn chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte khẳng định các quyền trên biển của nước này ở Biển Đông. Pulse Asia cho hay kết quả khảo sát này được thực hiện từ 15 – 25/6 nhân dịp kỷ niệm 2 năm Philippines giành được chiến thắng pháp lý trước người láng giềng Trung Quốc – Phán quyết Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 bác bỏ yêu sách đường chín đoạn phi lý của Trung Quốc.
Thẩm phán Toà án tối cao Philippines: Philippines cần ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông để bảo vệ các quyền của chính mình
The Philippine Star đưa tin, ngày 12/7, phát biểu tại một diễn đàn được tổ chức tại Viện nghiên cứu Stratbase ADR, thành phố Makati, Philippines, ông Antonio Carpio, Thẩm phán Toà án tối cao Philippines cho rằng Philippines cần ủng hộ các hoạt động tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông bởi những hoạt động này có thể thúc đẩy việc thực thi Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc ngày 12/7/2016. Ông Carpio nhấn mạnh: “những hoạt động này góp phần thực thi những điểm pháp lý cốt lõi được kết luận từ Phán quyết, đó là sự tồn tại của các vùng biển quốc tế trên Biển Đông, cũng như sự tồn tại của các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển, trong đó có vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông”. Bên cạnh đó, ông kêu gọi Tổng thống Duterte cần đảm bảo quân đội Philippines sẽ tiến hành tuần tra trên biển và trên không ở vùng đặc quyền kinh tế của nước này một cách thường xuyên. Ông Carpio khẳng định Hiến pháp năm 1987 của Philippines đã quy định quân đội là lực lượng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Thêm vào đó, ông cũng cho rằng “nhiệm vụ bảo vệ các vùng biển của Philippines ở Biển Đông sẽ là một cuộc đấu tranh lâu dài qua nhiều thế hệ”. Ông cũng cho rằng những hoạt động này cũng sẽ góp phần cản trở Trung Quốc hiện thực hoá tham vọng biến Biển Đông thành vùng biển riêng của mình. Ông Carpio cho biết Philippines có thể thực thi Phán quyết mà không cần Trung Quốc bằng cách cùng các nước Đông Nam Á khác trong khu vực ký kết và thực hiện các thoả thuận về biên giới trên biển.