Vũ khí đã trở thành một công cụ sắc bén của Trung Quốc để đạt được những ảnh hưởng về chính trị và quyền lợi về kinh tế ở châu Phi.
Trung Quốc mở căn cứ quân sự, giúp châu Phi chống hải tặc
Hiện nay, Trung Quốc đang thúc đẩy hợp tác quốc phòng với các nước châu Phi. Bắc Kinh tiếp tục củng cố vị thế địa-chính trị của mình ở lục địa đen, nơi mà ngoài các hoạt động đầu tư và cái gọi là ngoại giao đường sắt, Bắc Kinh đang gia tăng doanh số bán vũ khí cho các quốc gia ở đây.
Vào ngày 26 tháng 6 vừa qua, Bắc Kinh đã tổ chức Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Trung Quốc – Châu Phi đầu tiên, quy tụ các đại diện đến từ 50 quốc gia châu Phi và Liên minh châu Phi.
Theo ông Yang Mian, một nhà phân tích chính trị tại Trung tâm Quan hệ Quốc tế tại Viện Truyền thông Trung Quốc, khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực đang hiện diện ở nhiều quốc gia khác nhau ở châu Phi.
Các tổ chức khủng bố địa phương và quốc tế như Boko Haram và chi nhánh Al-Qaeda châu Phi như Islamic Maghreb (AQIM) đang đẩy mạnh hoạt động ở lục địa đen. Do đó, chính quyền các nước trong khu vực cần tăng cường khả năng phòng thủ của họ và Trung Quốc có thể hỗ trợ họ.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh rằng, các bên cần phải đẩy mạnh các nỗ lực chống khủng bố. Đề cập đến vấn đề chống vấn nạn lớn nhất ở khu vực này là cướp biển, Yang đề nghị Trung Quốc và châu Phi có thể giải quyết vấn đề hải tặc cùng với Hoa Kỳ.
Theo ông này, Trung Quốc gửi các biên đội tàu hộ tống hàng hải (thường là một nhóm 3 tàu) tuần tra đến Vịnh Aden thuộc vùng biển Ấn Dộ Dương, giáp với Biển Đỏ (ngoài khơi của Somalia) để hộ tống các thương thuyền, giúp các nước trong khu vực chống hải tặc quốc tế.
Cơ sở hậu cần-kỹ thuật (căn cứ bảo đảm hải quân) của Trung Quốc ở Djibouti không chỉ có thể cung cấp hỗ trợ quân sự cho châu Phi, mà còn giúp đội tàu chiến chống hải tặc dọc theo bờ biển Đông Phi và tiến hành các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Các chuyên gia nghiên cứu đến từ Bắc Kinh thường xuyên nhấn mạnh rằng, sự hợp tác toàn diện về mọi mặt giữa Trung Quốc và châu Phi có nguồn gốc lịch sử sâu sắc.
Trong thế kỷ 20, Bắc Kinh đã hỗ trợ các nước châu Phi thoát ách thuộc địa, trong cuộc chiến giành độc lập với các chính quyền thực dân đô hộ. Những mối quan hệ lịch sử này đã đặt nền tảng cho sự tin tưởng lẫn nhau và quan hệ làm việc tốt đẹp giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Phi, trong khuôn khổ “Sáng kiến một vành đai, một con đường”.
Do dó, giới pân tích cho rằng, Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Trung Quốc – Châu Phi vừa qua là sự tiếp nối truyền thống hợp tác giữa hai bên. Bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất, các quốc gia tham gia diễn đàn đã tạo ra một bầu không khí hoàn toàn mới về hợp tác.
Ngoài ra, diễn đàn này sẽ là một công cụ hiệu quả để Bắc Kinh đẩy mạnh bán vũ khí cho các quốc gia trong khu vực tiềm tàng xung đột này, đạt được những lợi ích kinh tế to lớn của mình ở châu Phi; cùng với đó là sự mở rộng ảnh hưởng địa-chính trị, cạnh tranh với Mỹ và châu Âu.
Trung Quốc lấy xuất khẩu vũ khí để mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc sang châu Phi từ năm 2013 đến năm 2017 đã tăng 55% so với giai đoạn 5 năm trước đó (từ năm 2008 đến năm 2012).
Điều đặc biệt là mặc dù châu Phi đã giảm tổng lượng nhập khẩu vũ khí xuống 22% so với cùng kỳ, nhưng thị phần vũ khí châu Phi của Trung Quốc lại tăng từ 8,6% lên 17%. Kết quả là, Trung Quốc đã vượt Mỹ, chỉ chiếm 11% xuất khẩu vũ khí sang Lục địa Đen.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã mở rộng đáng kể doanh số bán vũ khí, đồng thời với sự mở rộng về số lượng các nước châu Phi tham gia vào các thỏa thuận và sự đa dạng hóa các loại vũ khí và trang thiết bị quân sự đang được xuất khẩu.
Ví dụ như Trung Quốc đã cung cấp xe tăng và xe bọc thép cho Tanzania, Chad, Gambia, Namibia, Rwanda, Burundi, Mozambique và Gabon, theo Cơ quan đăng kiểm vũ khí của Liên Hiệp Quốc (UNROCA).
Các nguồn tin tương tự nói rằng Bắc Kinh đã bán máy bay chiến đấu và các phương tiện trinh sát không người lái (UAV) cho Nigeria, Tanzania, Zambia, Namibia, Zimbabwe và Ghana. Còn Morocco, Sudan và Yemen đã được cung cấp tên lửa và bệ phóng phóng tên lửa. Ngoài ra, Congo, Ghana, Sudan, Cameroon, Tanzania, Niger và Rwanda đã nhập khẩu các hệ thống pháo binh của Trung Quốc.
Ông Nikolai Shcherbakov, một nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Phi của Viện Lịch sử Tổng hợp của Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS), cho rằng, Bắc Kinh đang tìm cách củng cố vị thế của mình như một nhà cung cấp vũ khí lớn cho Lục địa Đen.
Tanzanian đã mua xe tăng Type 59G, máy bay chiến đấu J-7…, của Trung Quốc |
Nhà phân tích này giải thích rằng, theo truyền thống, phần lớn các nước châu Phi chủ yếu nhập khẩu thiết bị quân sự từ (các cường quốc thuộc địa cũ trong khu vực), hoặc sớm hơn là từ Liên Xô và các nước Đông Âu. Nhưng hiện nay, người Trung Quốc tin rằng họ có đủ khả năng để ép các nhà cung cấp truyền thống ra khỏi thị trường châu Phi và thay thế các nước này để trở thành nhà cung cấp vũ khí và trang thiết bị hàng đầu ở châu lục này.
Lý do của Trung Quốc đằng sau việc mở rộng này là khá dễ hiểu, vì Bắc Kinh đang tìm cách bảo vệ tài sản và các dự án cơ sở hạ tầng của nó trên Lục địa Đen. Trung Quốc từ lâu đã được biết đến với các khoản đầu tư của châu Phi và các dự án đường sắt quy mô lớn trong khu vực.
“Điều này có thể là sự ‘bảo vệ trực tiếp’, ví dụ như ở vùng Darfur của Sudan (có sự hỗ trợ của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc), hoặc ‘bảo vệ gián tiếp’, khi Trung Quốc đạt được ảnh hưởng ở một số quốc gia châu Phi” – ông Shcherbakov giải thích.
Vị chuyên gia này cũng nói thêm rằng, sở dĩ Bắc Kinh vượt Mỹ để trở thành nhà cung cấp vũ khí và trang thiết bị hàng đầu cho châu Phi là do vũ khí của Trung Quốc rẻ hơn so với các sản phẩm tương tự của phương Tây, nhưng chất lượng thì không phải là quá kém.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn cam kết không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước châu Phi, đồng thời cung cấp thêm các điều kiện hấp dẫn về tài chính, cả về đầu tư trong lĩnh vực kinh tế, lẫn các khoản vay dài hạn để cung cấp vũ khí, mà đổi lại là các ưu đãi trong lĩnh vực đầu tư.