Trong một tuần công du châu Âu, Trump khiến các đồng minh quay cuồng với những phát ngôn gây mất lòng và hành động không thể lường trước.
Khi Trump lên máy bay về nước sau hội nghị thượng đỉnh ngày 16/7 với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Phần Lan, tác động cuối cùng từ cơn cuồng nộ ngoại giao của ông vẫn chưa rõ ràng, theo AFP.
“Chuyến đi của Trump tới châu Âu là chuyến đi hỗn loạn và gây thiệt hại nhiều nhất mà một tổng thống Mỹ từng thực hiện”, chuyên gia ngoại giao Nicholas Burns nhận xét. “Lòng tin của các nước khác với Mỹ đã giảm đi”, ông cảnh báo.
Phải đợi vài tuần hoặc vài tháng nữa mới có thể khẳng định Trump chỉ mới làm căng thẳng hay đã phá hoại vĩnh viễn mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sau chuyến công du tới Brussels, London và Helsinki. Tuy nhiên, có thể rút ra kết luận ngay lập tức rằng không ai đủ khả năng tác động đến Trump, kể cả các cố vấn cao cấp nhất và thành viên nội các. Cách tiếp cận của Trump đối với bất kỳ chính sách đối ngoại nào được hình thành từ quan điểm cố hữu và điều mà ông cho rằng những người ủng hộ theo chủ nghĩa dân tộc mong muốn nhất.
Bữa sáng bất thường ở Brussels
Cơn cuồng nộ của Trump bắt đầu với bữa sáng đơn giản ở Brussels. Theo lịch trình của hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels, bữa sáng của Trump với Tổng thư ký Jens Stoltenberg dường như không có vẻ gì chông gai. Những sự kiện như vậy thường là cơ hội để chụp ảnh hoặc nhận xét ngắn gọn nhằm tán dương quan hệ lâu đời xuyên Đại Tây Dương của liên minh quân sự mạnh nhất thế giới.
Tuy nhiên, Trump đã quyết tâm thiết lập chương trình nghị sự riêng cho hội nghị thượng đỉnh từ những phút đầu. Dù đã lường trước thái độ giận dữ của Trump về chi tiêu quốc phòng, các nước thành viên vẫn sững sờ trước “gáo nước lạnh” mà ông dội vào họ.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg (trái), Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) và Thủ tướng Anh Theresa May trò chuyện trước khi chụp ảnh ở Brussels, Bỉ, ngày 11/7. Ảnh: AFP. |
Khi Thủ tướng Đức Angela Merkel bị gọi là “con tin của Nga” vì ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của nước này, các cố vấn của Trump chỉ còn biết lảng tránh ánh mắt sang hướng khác.
Stoltenberg bối rối nói vài câu để giảng hòa, ca ngợi giá trị của đoàn kết nhưng Trump vẫn không buông tha. Sau đó, khi ông đổi kịch bản và chuyển sang tán dương “mối quan hệ rất tốt” của mình với Merkel, mọi chuyện đã quá muộn.
Đồng minh lục đục
Khi ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh bắt đầu, Trump thậm chí không cần lên tiếng để khiến mọi sự chú ý dồn về mình. Tin đồn đang lan truyền rằng ông đã dọa ra khỏi NATO.
Bầu không khí ngột ngạt đó giảm đi khi Trump bước vào cuộc họp báo. Ông nhận câu hỏi từ tất cả phóng viên tham dự họp báo trong gần một giờ, khoe rằng các đồng minh đã đồng ý tăng chi tiêu nhanh hơn nhưng thông tin sau đó được xác định là không chính xác.
“Giờ chúng ta rất vui mừng và có một NATO rất mạnh mẽ, rất vững chắc, vững chắc hơn nhiều so với hai ngày trước”, ông nói.
Các lãnh đạo châu Âu sau đó giải thích rằng họ chỉ tái khẳng định cam kết hiện tại nhằm đạt mức chi tiêu quốc phòng tương đương 2% GDP vào năm 2024. Dù không hài lòng với điều này, Tổng thống Mỹ vẫn tuyên bố khi rời hội nghị rằng cuộc họp tràn ngập “tình thân ái”.
Hành động gây sốc trước chuyến thăm Anh
“Tôi đã nói cho Theresa May biết bà ấy phải làm thế nào nhưng bà ấy không đồng ý, bà ấy không nghe tôi”, Trump nói với báo Sun trước khi tới London. “Bà May muốn đi con đường khác. Tôi đã nói rằng bà ấy có thể đi theo hướng ngược lại”, ông bình luận về cách tiếp cận của Thủ tướng Anh trong việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit).
Ngay cả những người ủng hộ cách tiếp cận dứt khoát của Trump với các đồng minh của Mỹ cũng cảm thấy ngạc nhiên khi Trump khởi đầu chuyến thăm Anh bằng cách công kích bà May. Cuộc phỏng vấn được công bố ngay khi cà phê được phục vụ sau bữa tối của lãnh đạo hai nước ở Cung điện Blenheim đã để lại vị đắng ngắt cho cả chuyến thăm.
Bà May giữ thái độ bình tĩnh trước sự công kích này và sau đó tiết lộ rằng Trump đã khuyên bà kiện EU – một phương án không tưởng để đạt được thỏa thuận thương mại.
Rõ ràng, Trump đã không tạo được ấn tượng tốt với nước chủ nhà. Nếu mối quan hệ được ca tụng là “đặc biệt” này tiếp tục thì đó chắc chắn không phải nhờ vào cách ứng xử khéo léo của Tổng thống Mỹ với đồng minh, cây bút Jerome Cartillier của AFP bình luận.
Cuộc họp với Putin
Putin trao quả bóng của World Cup 2018 cho Trump trong buổi họp báo ở Helsinki, Phần Lan, ngày 16/7. Ảnh: AFP. |
Trump tự hào khẳng định hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của ông với Tổng thống Nga sẽ là phần dễ dàng nhất trong chuyến công du lần này bất chấp sự thù hận trong lịch sử và những căng thẳng gần đây giữa Washington và Moskva.
Trong cuộc họp báo chung với Putin, Trump khiến những người ủng hộ trung thành nhất cũng ngạc nhiên khi thể hiện rằng ông tin chủ nhân Điện Kremlin hơn tình báo Mỹ.
Cách tiếp cận độc đáo trong ngoại giao của Trump có lẽ cuối cùng đã phản chủ, Cartillier bình luận. “Với việc không thể chấp nhận rằng Moskva có thể đã can thiệp để giúp ích cho mình trong cuộc bầu cử năm 2016, Trump sẽ chịu những tổn thất nặng nề”, ông viết.