Chính quyền Trung Quốc từ lâu đã nổi tiếng về những hành xử gây quan ngại cộng đồng quốc tế, không chỉ trong các vấn đề như Biển Đông hay thương mại, mà còn về lĩnh vực nhân quyền và tự do tín ngưỡng.
Một trong những vấn đề mà Trung Quốc bị lên án mạnh mẽ trong những năm gần đây là cuộc đàn áp đối với Pháp Luân Công hay Pháp Luân Đại Pháp, môn khí công theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn mà nhiều người cho biết đã đem lại cho họ những lợi ích về sức khỏe và tinh thần.
Hôm nay (13/5), tròn 26 năm Pháp Luân Công được giới thiệu ra công chúng, một câu hỏi được đề cập đến là vì sao chính quyền Trung Quốc lại đi ngược với xu hướng của các quốc gia trên thế giới khi bức hại những người sống theo Chân – Thiện – Nhẫn? Trong khi hàng triệu người trên khắp năm châu được tự do tập luyện Pháp Luân Công, các học viên ở Trung Quốc có nguy cơ bị chính quyền bắt giữ và giết hại suốt gần hai thập kỷ qua. Đó là sự tương phản có thể thấy rõ khi nhìn vào những điều mà người dân thế giới ghi nhận về Pháp Luân Công.
“Pháp Luân Đại Pháp là một môn thiền định mà bạn có thể tập luyện hàng ngày. Môn này bao gồm các bài tập đơn giản và thiền định, cùng với triết lý sống giản dị giúp con người hướng thiện”, theo Bác sĩ Hoa Kỳ Damon Noto, người từng 5 lần giành Giải thưởng sự lựa chọn của bệnh nhân (Honoree of the Patient Choice Award), Giải thưởng Bác sỹ Nhân hậu (Compassionate Doctor Award) và Giải thưởng Top 10 Bác sỹ ở New York và New Jersey).
Bác sỹ Noto cho biết: “Đây mới đúng là môn rèn luyện cả tâm lẫn thân, hiện đang rất phổ biến ở phương Tây”.
Bác sỹ Damon Noto (Mỹ) cho biết Pháp Luân Công là môn khí công thiền định hiện rất phổ biến ở phương Tây (Ảnh chụp từ video)
Được đơn truyền từ cổ xưa qua nhiều thế hệ, lần đầu tiên Pháp Luân Đại Pháp được giới thiệu rộng rãi ra công chúng vào ngày 13/5/1992 tại Trường Xuân, Trung Quốc, vào đúng ngày sinh nhật của nhà sáng lập Pháp Luân Công, Đại sư Lý Hồng Chí.
Hiện là công dân Hoa Kỳ, Đại sư Lý Hồng Chí từng 5 lần được đề cử giải Nobel Hòa bình, ông cũng là ứng viên Giải thưởng Sakharov về Tự do Tư tưởng của Nghị viện châu Âu, và từng được trao Giải thưởng Tự do Tín ngưỡng Quốc tế của tổ chức Freedom House.
Đại sư Lý Hồng Chí phát biểu ngày 25/6/1999, khi ông nhận các bản tuyên bố vinh danh ông và Pháp Luân Công từ Thống đốc bang Illinois, Bộ trưởng ngân khố bang Illinois và Thị trưởng thành phố Chicago, Hoa Kỳ. (Ảnh: Minh Huệ)
26 năm kể từ ngày đầu tiên công chúng biết đến Pháp Luân Đại Pháp, môn tập này hiện thu hút hơn 100 triệu học viên trên khắp thế giới và nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới lãnh đạo và người dân các nước.
“Pháp Luân Công là tốt”
Nghị sỹ Australia Craig Kelly phát biểu tại một lễ kỷ niệm ngày Pháp Luân Đại Pháp thế giới 2016: “Tôi thấy mình có trách nhiệm phải lên tiếng rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt, và Chân – Thiện – Nhẫn là những giá trị mà chúng ta tôn trọng trên khắp thế giới”.
“Pháp Luân Công là tốt”, Nghị sỹ Craig Kelly phát biểu tại sự kiện chào mừng ngày Pháp Luân Đại Pháp thế giới 2016 tại Australia (Ảnh chụp từ video)
Nghị sỹ Canada Nathaniel Erskine-Smith cho biết trong lá thư của ông gửi Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Toronto năm 2017: “Tại Canada, chúng ta có đặc ân để có thể tận hưởng đầy đủ các giá trị của một xã hội dựa trên sự cởi mở và tự do, chúng ta nhận thấy tầm quan trọng của các nguyên lý trong Pháp Luân Đại Pháp; Chân, Thiện và Nhẫn.”
Anh Mark Luburic, một cựu người mẫu và hiện là giám đốc của công ty Anima Creative Management ở Ấn Độ, cũng tập Pháp Luân Công. Anh cho biết môn tập này đem lại những lợi ích “không chỉ về thể chất mà còn cả tinh thần”. Anh nói thêm rằng: “Nhân sinh quan của tôi đã thay đổi hoàn toàn… Đúng là một hành trình ngoạn mục”.
Anh Mark Luburic giám đốc điều hành công ty quản lý nhân tài Anima Creative Management tại Ấn Độ và vợ chụp cùng người mẫu nổi tiếng Pooja Mor và nhà tạo mẫu tóc của năm – Keiichiro Hirano tại lễ trao giải của tạp chí Vogue Beauty (Ảnh trái). Ảnh Phải – Anh Mark thời còn là một mẫu nam nổi tiếng.
Cô Daksha Devnani (Ấn Độ) nói với Đài truyền hình NTD trong cuộc diễu hành tại thành phố New York nhân ngày Pháp Luân Đại Pháp thế giới 2017: “Tôi bắt đầu tập từ năm 8 tuổi. Cả gia đình tôi đều tu luyện Pháp Luân Đại Pháp nên không khí gia đình cải thiện rất nhiều. Chúng tôi hiểu nhau hơn, gắn bó hơn, lúc nào cũng hòa thuận. Đó là một trong những lợi ích lớn nhất. Còn nữa, tôi không phải gặp bác sỹ suốt 16 năm qua. Với tôi thì đó là lợi ích lớn nhất.”
Cô Daksha Devnani (Ấn Độ) cho biết cô tập Pháp Luân Công từ năm 8 tuổi và không phải gặp bác sỹ 16 năm qua (Ảnh chụp từ video)
Cũng trong sự kiện này, cô Alian Jin, người Hàn Quốc nói với NTD: “Qua những trải nghiệm của mình, tôi thấy mình trở nên tích cực hơn, hạnh phúc hơn và cân bằng hơn”.
Anh Valentin Schmid, đến từ Munich, Đức, biên tập viên tin tức kinh doanh tại một trong những tờ báo độc lập lớn nhất trên thế giới, cho biết ai cũng có thể tập luyện Pháp Luân Công. Anh nói: “Tôi nghĩ ai cũng có thể thụ ích, chắc chắn là như vậy… Dù bạn thuộc giai tầng xã hội nào, làm nghề gì, có gia đình hay chưa, trẻ hay già đều như vậy”.
Anh Valentin Schmid, học viên Pháp Luân Công người Đức, cho biết ai cũng có thể tập luyện và thụ ích từ Pháp Luân Đại Pháp (Ảnh chụp từ video)
Không may mắn như người dân tại các quốc gia khác, người Trung Quốc bị chính quyền ngăn cấm và đàn áp vì tập Pháp Luân Công. Chính sách này khiến Bắc Kinh rơi vào tình thế lạc lõng trong con mắt của các nước tự do dân chủ vốn ủng hộ các giá trị của Pháp Luân Đại Pháp. Nguyên nhân từ sự việc này bắt nguồn từ quyết định cá nhân của cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân từ cách đây gần hai thập kỷ.
Di họa từ cựu lãnh đạo Trung Quốc
Theo lệnh của cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân vào năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc, với hàng loạt các vụ bắt giữ quy mô lớn, tra tấn bằng nhục hình, cưỡng bức lao động, và thậm chí mổ cướp nội tạng của các học viên. Đây là một hình thức tội ác mà các chuyên gia so sánh với nạn diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc Xã.
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công do cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân phát động được so sánh với tội ác của Hitler đối với người Do Thái. (Ảnh: DW News, Jewish Virtual Library)
Dù đối mặt với những lời chỉ trích của cộng đồng quốc tế về việc bức hại những người tập Pháp Luân Công, chính quyền đương nhiệm tại Trung Quốc không dễ dàng chấm dứt di họa mà ông Giang để lại vì mạng lưới lợi ích được hình thành trong cuộc đàn áp.
Nhằm khiến người dân Trung Quốc quay lưng lại với môn khí công thu hút 70-100 triệu người tập vào năm 1999, ông Giang Trạch Dân huy động toàn bộ hệ thống tuyên truyền trong và ngoài nước, bắt đầu rầm rộ bôi nhọ Pháp Luân Công là tà đạo.
Tuy nhiên, nhiều nhân sỹ trên thế giới đã bác bỏ lời vu khống mà chính quyền Trung Quốc tuyên truyền suốt gần 20 năm qua.
Các học viên Pháp Luân Công tập luyện trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại New York, Mỹ ngày 11/5/2017 (Ảnh: Minh Huệ)
Pháp Luân Công không phải tà đạo
Ông Edward McMillan-Scott, Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu (2004-2014), cho biết trong cuộc họp với các đồng nghiệp vào năm 2010: “Ngay cả khi nghị quyết đã chỉ rõ vấn đề như thế này thì vẫn có trở ngại, vì tuyên truyền tràn ngập của chính quyền Bắc Kinh vu khống Pháp Luân Công là giáo phái cực đoan. Như tôi đã nói, tôi đã gặp hàng trăm học viên Pháp Luân Công. Họ không phải giáo phái, không phải tà giáo, không thu tiền, không tẩy não… không có bất cứ đặc điểm nào của tà giáo. Họ chỉ là tự mình tập luyện các bài tập tinh thần”.
Ông giải thích lý do của cuộc đàn áp: “Như tôi đã nói, có khoảng 70-100 triệu người tập Pháp Luân Công vào năm 1999 nên Giang Trạch Dân, bấy giờ là lãnh đạo ĐCSTQ, coi đây là mối đe dọa đối với vị thế của ông ta. Tất nhiên, không phải vậy, nhưng ông ta đã nhân cơ hội đó để dựng lên một thế lực thù địch. Cũng như thời Thế chiến, Đức Quốc Xã gán cho người Do Thái các đặc điểm riêng để cô lập rồi tàn sát họ. Điều tương tự đang xảy ra với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Đó là lý do tại sao tôi gọi đây là tội diệt chủng và nó vô cùng nghiêm trọng”.
Pháp Luân Công không phải tà đạo, theo ông Edward McMillan-Scott, Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu (2004-2014). Trong bức ảnh, ông McMillan-Scott phát biểu cạnh bà Madeline Albright, cựu Ngoại trưởng Mỹ, tại Brussels ngày 14/3/2011. (Ảnh: European Union 2011).
Ông David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh Canada, Ứng viên giải Nobel Hòa bình, cho biết tại Hội nghị Bàn tròn – The Coalition Roundtable 2017: “Ở Canada có một vụ xét xử mà tòa án ra phán quyết rằng Pháp Luân Công không phải là một tà giáo. Nếu bạn nhìn vào mọi dấu hiệu tà giáo, thì Pháp Luân Công không có một điểm nào như thế. Đó chỉ là những gì tuyên truyền phỉ báng nói, cứ tùy tiện gán cho cái nhãn ấy. [Luật sư] David và tôi đã gặp các học viên Pháp Luân Công từ khoảng 50 quốc gia. Họ thuộc mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi, mọi nền văn hóa, trình độ học vấn. Tôi thấy đó là một nhóm người tuyệt vời”.
Ông Kilgour và luật sư nhân quyền Canada David Matas cho biết chiếc mũ ‘tà giáo’ mà chính quyền Trung Quốc quy chụp cho Pháp Luân Công “chỉ là một công cụ được chế tạo ra cho cuộc đàn áp, chứ không phải là nguyên nhân của cuộc đàn áp”, trích báo cáo “Thu hoạch đẫm máu” (Bloody Harvest) về nạn mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc.
Luật sư nhân quyền David Matas (bên trái) và cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour, cầm cúp Peabody được trao tặng cho bộ phim tài liệu Human Harvest (Tạm dịch: Thu hoạch Nhân thể) tại thành phố New York vào ngày 31/5/2015. Nội dung bộ phim có đề cập đến cuộc điều tra của hai ông về nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc. Hai ông đều được đề cử giải Nobel Hòa bình cho cống hiến phơi bày tội ác này của chính quyền Trung Quốc (Ảnh: Benjamin Chasteen / Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh)
Giáo sư Wendy Rogers, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giá trị và Đạo đức, Đại học Macquarie (Australia) cũng bác bỏ lời tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc về Pháp Luân Công: “Không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Pháp Luân Công là một tà đạo. Không có bằng chứng nào cho thấy họ có hành động chính trị nhằm lật đổ chính quyền Trung Quốc. Không có bằng chứng nào cho thấy điều gì ngoài một mong muốn sâu sắc là được làm theo niềm tin mà không bị bỏ tù và giết hại.”
Không có điều gì cho thấy Pháp Luân Công là tà đạo hay làm chính trị, theo Giáo sư Wendy Rogers, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giá trị và Đạo đức Australia (Ảnh chụp từ Youtube)
Cam kết của Hoa Kỳ và Canada về Pháp Luân Công
Những hành xử ngang ngược của chính quyền Trung Quốc đã được đề cập thẳng thắn trong một số động thái chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngày 18/12/2017, Tổng thống Trump công bố Chiến lược An ninh Quốc gia, trong đó xác định Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu, “muốn định hình một thế giới đối nghịch với các giá trị và lợi ích của Hoa Kỳ”.
Một trong những giá trị mà Hoa Kỳ đặc biệt tôn vinh là quyền tự do tín ngưỡng. Tổng thống Trump từng nhiều lần khẳng định vai trò của đức tin đối với sự thịnh vượng của nước Mỹ. Ngày 8/2, ông Trump phát biểu Hoa kỳ là “quốc gia của những người có tín ngưỡng” và cam kết sẽ bảo vệ các sinh mệnh có đức tin trên khắp thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết bảo vệ tự do tín ngưỡng toàn cầu. Trong ảnh, Tổng thống Trump chào các phóng viên trước khi ông lên trực thăng Marine One tại Nhà Trắng ở Washington để tới Mar-a-Lago, Florida, vào ngày 23/3/2018. (Ảnh: Samira Bouaou / Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh)
Trái lại, Trung Quốc là một trong 10 quốc gia đáng lo ngại nhất về tự do tín ngưỡng. Ngày 15/8/2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã công bố Báo cáo thường niên về Tự do Tín ngưỡng Quốc tế, trong đó lên án thực trạng tồi tệ ở Trung Quốc, nơi chính quyền tra tấn và bắt giữ hàng ngàn người thực hành tín ngưỡng của họ. Ông Tillerson nói rằng “hàng chục học viên Pháp Luân Công đã chết trong trại giam” kể từ năm 2016.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng có chung mối quan ngại với chính quyền Tổng thống Trump về vấn đề này. Nhiều nghị sỹ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Pháp Luân Công. Thượng nghị sỹ Bob Menendez trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình NTD nhân ngày Pháp Luân Đại Pháp thế giới 2017: “Tôi nghĩ Pháp Luân Công là môn tập dựa trên nền tảng tinh thần và ôn hòa. Môn tập này nên được phát triển mạnh mẽ mà không bị áp bức bởi bất kỳ chính phủ nào”.
Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Bob Menendez nhận định Pháp Luân Công là môn tập ôn hòa, không nên bị đàn áp bởi bất kì chính phủ nào. (Ảnh chụp từ video)
Thượng nghị sỹ Macro Rubio, một trong hai nhà lập pháp đề xuất dự luật trừng phạt Trung Quốc về các hành vi ngang ngược ở Biển Đông, nói với NTD: “Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ không chỉ cho các học viên Pháp Luân Công, mà cho cả bất kỳ ai khao khát tự do và sự tôn trọng nhân quyền ở Trung Quốc hay bất cứ nơi nào trên thế giới. Chúng tôi lên án cuộc áp bức đang diễn ra; chúng tôi lên án cuộc đàn áp đang tiếp diễn, nó đã tồn tại quá lâu rồi. Chúng tôi sẽ tiếp tục cho họ biết rằng chúng tôi ủng hộ họ, sẽ tiếp tục lên tiếng về vấn đề của họ và không để thế giới lãng quên nó.”
Thượng nghị sỹ Macro Rubio, người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc về Biển Đông, cho biết ông sẽ tiếp tục lên tiếng cho các học viên Pháp Luân Công và bất cứ ai khao khát tự do và nhân quyền (Ảnh chụp từ video)
Pháp Luân Công cũng nhận được ủng hộ từ giới lãnh đạo Canada, quốc gia láng giềng của Hoa Kỳ và là một trong những nước thịnh vượng nhất thế giới.
Ông Irwin Cotler, cựu Bộ trưởng Tư pháp, cựu Nghị sỹ Canada, tuyên bố tại lễ kỷ niệm ngày Pháp Luân Đại Pháp thế giới 2017 được tổ chức bên cạnh tòa nhà Nghị viện Canada: “Chúng tôi sẽ không ngừng nghỉ, cho đến khi đảm bảo được công lý cho Pháp Luân Công”.
Cũng trong sự kiện này, Nghị sỹ Elizabeth May, Lãnh đạo Đảng Xanh Canada, phát biểu: “Hỡi chính phủ và giới lãnh đạo của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chúng tôi xin nhắc các vị rằng, giờ đã là thế kỷ thứ 21, đã đến lúc hòa nhập với cộng đồng thế giới, hãy tôn trọng pháp quyền, hãy hiểu những yêu cầu cơ bản về tôn trọng nhân quyền, và chấm dứt cuộc đàn áp đối với Pháp Luân Đại Pháp hay Pháp Luân Công”.
Bà Elizabeth May, lãnh đạo Đảng Xanh Canada, kêu gọi Trung Quốc chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công (Ảnh: Campbellriver)
Dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đã hiểu rằng việc chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công mà người tiền nhiệm để lại là điều không thể tránh khỏi. Ông Tập đã thể hiện một số dấu hiệu về việc gỡ bỏ bộ máy đàn áp mà ông Giang gây dựng, trong đó có việc đóng cửa các trại lao động cưỡng bức – một công cụ chủ yếu cho hoạt động bóc lột sức lao động, tra tấn và ngược đãi các học viên Pháp Luân Công.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối mặt với áp lực từ cộng đồng quốc tế về việc chấm dứt di họa đàn áp mà người tiền nhiệm Giang Trạch Dân gây ra đối với Pháp Luân Công. Trong ảnh, ông Tập đi ngang qua cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 8/11/2012 (Ảnh: Getty)
Tuy nhiên, việc gỡ bỏ cuộc đàn áp không phải là điều có thể thực hiện “một sớm một chiều” đối với ông Tập Cận Bình, vì mạng lưới các quan chức có liên quan đến phe Giang Trạch Dân vẫn tồn tại trong chính quyền Trung Quốc, dù đang bị ông Tập thanh trừng liên tiếp thông qua chiến dịch chống tham nhũng. Hơn nữa, mối lợi ích khổng lồ từ việc thu hoạch nội tạng của các học viên không phải là điều dễ từ bỏ khi hoạt động này mang lại cho Trung Quốc khoảng 9 tỷ USD mỗi năm, theo ước tính của cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour.