Thursday, November 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBáo TQ nhận định Mỹ chống Nga đến cùng

Báo TQ nhận định Mỹ chống Nga đến cùng

Phân tích về mối quan hệ Nga-Mỹ, tạp chí Trung Quốc nhận định “chỉ cần Putin cầm quyền, Mỹ sẽ phản đối Nga đến cùng”.

Sự bi quan của Trung Quốc

Tạp chí Hòa bình và Phát triển của Trung Quốc mới đây có bài viết phân tích về mối quan hệ Nga-Mỹ, trong đó nêu ra nhận định “chỉ cần Putin cầm quyền, Mỹ sẽ phản đối Nga đến cùng”.

Theo tạp chí Trung Quốc, sau khi ông Putin lần thứ 4 được bầu làm Tổng thống Nga, cho dù là ông Donald Trump hay người khác lên làm Tổng thống Mỹ, quan hệ Nga-Mỹ trong 6 năm tới đều khó có thể thoát khỏi lời nguyền “không có tồi tệ nhất, chỉ có tồi tệ hơn”.

Nguyên nhân được chỉ ra là do nhà lãnh đạo Nga tuy bày tỏ mong muốn cải thiện lại quan hệ với Mỹ, nhưng với tiền đề: Một là Mỹ thừa nhận thực tế Crimea thuộc về Nga, đồng thời xóa bỏ trừng phạt kinh tế; hai là Mỹ phải tôn trọng Nga, chung sống bình đẳng với Nga; ba là Mỹ không coi là Nga kẻ thù.

Giới phân tích Trung Quốc cho rằng dù ai cầm quyền ở Mỹ, cả 3 điều kiện trên đều khó đạt được, đặc biệt là Quốc hội và các chính quyền Mỹ dường như đã hình thành nhận thức chung – chỉ cần Putin cầm quyền, Mỹ sẽ phản đối Nga đến cùng.

Từ cuối năm 2017 đến nay, Mỹ đã đưa ra 4 báo cáo chiến lược – báo cáo chiến lược an ninh quốc gia, báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân, báo cáo về các mối đe dọa toàn cầu, báo cáo quốc phòng, trong đó đều coi Trung Quốc và Nga là đối thủ cạnh tranh.

Theo đánh giá của tạp chí Trung Quốc, những năm gần đây, Nga và Mỹ dường như đi 2 con đường hoàn toàn khác nhau về chính trị, lợi ích chung ngày càng ít, mâu thuẫn và bất đồng liên tục tăng lên, trong rất nhiều vấn đề đã đạt đến mức độ “như nước với lửa”.

Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã hủy bỏ rất nhiều biện pháp chính sách đối nội và đối ngoại của người tiền nhiệm Obama, nhưng trước áp lực của Quốc hội, ông Trump đã ký sắc lệnh duy trì tất cả các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Sau đó, Bộ Tài chính Mỹ căn cứ phán quyết trừng phạt đối với Nga do Thượng viện và Hạ viện đưa ra vào tháng 7/2017, vào ngày 30/1/2018 đưa ra Báo cáo Điện Kremlin, tuyên bố sẽ đưa 114 chính trị gia, trừ Tổng thống Putin, từ Thủ tướng Medvedev đến các bộ trưởng trong đó có Ngoại trưởng Sergei Lavrov, lãnh đạo lưỡng viện trong Quốc hội, văn phòng tổng thống, thị trưởng thành phố Moscow và 96 doanh nhân vào danh sách trừng phạt.

Bao Trung Quoc nhan dinh My chong Nga den cung
Ông Trump không thể “bẻ lái” xu hướng quan hệ Nga-Mỹ vì Tổng thống Putin tiếp tục tại nhiệm?

Hành động này của Mỹ dường như đã ngăn cản con đường trao đổi quan chức ngoại giao các cấp giữa Mỹ và Nga, ngừng tiến hành hợp tác kinh tế thương mại với các doanh nghiệp chủ yếu của Nga. Mức độ trừng phạt này cũng là hiếm thấy trong lịch sử thế giới, nhưng không loại bỏ khả năng Mỹ còn bổ sung thêm biện pháp trừng phạt khác trong tương lai.

Vì vậy, khả năng Nga và Mỹ cải thiện quan hệ về chính trị và ngoại giao trong vài năm tới là rất nhỏ, trái lại có thể rơi vào cục diện bế tắc lặp lại giữa trừng phạt và chống trừng phạt, kiềm chế và chống kiềm chế kéo dài.

Đối đầu quyết liệt

Theo tạp chí Trung Quốc, quân sự là lĩnh vực mà Nga và Mỹ cạnh tranh trực tiếp và quyết liệt nhất, từ đối đầu Xô-Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đến đối đầu Nga-Mỹ hiện nay, hai bên luôn muốn áp đảo đối phương hoặc ít nhất duy trì sự cân bằng chiến lược trên cơ sở hủy diệt nhau.

Tháng 9/2017, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump và Quốc hội Mỹ đạt được sự nhất trí, chi tiêu quân sự năm 2018 tăng lên đến 692 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với năm trước đó.

Chi tiêu quân sự tăng thêm sẽ chủ yếu được dùng vào việc mua vũ khí kiểu mới cho lực lượng hải lục không quân và mở rộng biên chế lực lượng an ninh mạng, cũng như hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và thay mới vũ khí hạt nhân, để tăng thêm năng lực răn đe chiến lược trên toàn cầu của quân đội Mỹ.

Chỉ cách đây khoảng nửa năm, ông Trump đã công bố dự toán ngân sách năm tài chính 2019 là 4.400 tỷ USD, trong đó chi tiêu quân sự là 716 tỷ USD.

Trong 18 năm ông Putin cầm quyền, cùng với kinh tế khởi sắc, chi tiêu quân sự luôn duy trì xu thế tăng lên ổn định. Năm 2018 vì chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế, ngân sách quốc phòng Nga được xác định là 2.800 tỷ ruble (khoảng 52 tỷ USD), giảm 1.000 tỷ ruble so với năm trước đó.

 
Tổng thống V. Putin giới thiệu loạt vũ khí mới của Nga khi đọc Thông điệp liên bang hồi tháng 3 vừa qua

Trong tình hình không thể đối đầu với Mỹ về số lượng, Nga tập trung bổ sung và phát triển về chất lượng, lấy trang thiết bị mũi nhọn mang tính phi đối xứng để duy trì sức mạnh ngang hàng với Mỹ.

Ngày 4/3/2018, khi đọc Thông điệp liên bang, Tổng thống Putin đã dùng video để giới thiệu tình hình vũ khí kiểu mới mà Nga phát triển trong những năm gần đây, trong đó có đầu đạn siêu âm Avangard (thông thường hoặc hạt nhân), tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng Sarmat (RS-28), tên lửa phóng từ trên không Kinzhal, ngư lôi hạt nhân, hệ thống vũ khí laser 1K17…

Nhà lãnh đạo Nga đã tự tin những vũ khí kiểu mới này là “không có đối thủ”, cũng là những vũ khí Mỹ không có, là vũ khí kiểu mới có thể phá vỡ bất kỳ hệ thống phòng phủ tên lửa nào của Mỹ.

Ngày 19/3/2018, khi gọi điện chúc mừng ông Putin thắng cử, Tổng thống Trump cũng đã bày tỏ sự bất an đối với vũ khí mới nhất của Nga do Tổng thống Putin giới thiệu.

 
Trung Quốc đang lo ngại khả năng Nga-Mỹ hóa giải mâu thuẫn?

Xuất phát từ báo cáo an ninh quốc gia mới của chính quyền Tổng thống Trump, tạp chí Trung Quốc cho rằng Mỹ đang đầu tư năng lực quân sự mới cũng như năng lực phá vỡ sự ổn định của không gian mạng nhằm vào Nga, trong đó Mỹ rất không yên tâm đối với hệ thống vũ khí hạt nhân tạo thành mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ, quyết tâm thông qua thực lực bảo vệ hòa bình, tái thiết quân đội để làm cho Mỹ duy trì được ưu thế, răn đe đối thủ, khi cần thiết sẽ chiến đấu và giành chiến thắng.

Ngược lại, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, Nga cũng rất quan ngại đối với việc Mỹ liên tục nghiên cứu vũ khí và hệ thống phòng thủ tên lửa mới, tỏ ra bất an đối với việc Mỹ không nghiêm túc thực hiện Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3) ký năm 2010.

Chính sự hoài nghi và lo ngại nhau này đã làm cho cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga và Mỹ liên tục bị đẩy lên cao và nảy sinh cái mới, trong tương lai có thể dự đoán, xu thế này chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục.

Ngoài thế đối đầu quân sự, tạp chí Trung Quốc cũng phân tích về thế đối đầu kinh tế, thương mại giữa Nga và Mỹ, qua đó kết luận rằng sự không tin tưởng ăn sâu bén rễ sẽ khiến sự phát triển của quan hệ song phương giữa hai cường quốc này trong tương lai chứa đựng đầy rủi ro và tính khó đoán định.

RELATED ARTICLES

Tin mới