Mạng tin Đa Chiều ngày 1/8 đã có bài bình luận về chuyến thăm Trung Quốc mới đây của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và khả năng tăng cường hợp tác giữa hai nước trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh.
Tổng thống Edorgan và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau tại Bắc Kinh ngày 29/7 (Ảnh AFP)
Trong chuyến thăm Bắc Kinh giữa tuần trước, Tổng thống Erdogan đã khẳng định với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Ankara luôn tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ của Trung Quốc, cũng như phản đối bất cứ hành động khủng bố nào nhằm vào nước này và sẽ không để bất cứ thế lực nào đe dọa tới mối quan hệ song phương.
Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết ông đánh giá cao những cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ về việc sẽ không để thế lực nào sử dụng lãnh thổ nước này để gây bất ổn tới lợi ích và an ninh quốc gia của Trung Quốc. Ông cũng khẳng định Trung Quốc mong muốn tăng cường hợp tác an ninh với Thổ Nhĩ Kỳ.
“Trung Quốc ủng hộ quá trình trao đổi giữa cơ quan lập pháp và các bộ ngành giữa hai nước nhằm cải thiện sự tin tưởng và hiểu biết về chính sách của hai nước, cũng như để bảo đảm mối quan hệ Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ luôn tiến lên đúng hướng”, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố.
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Erdogan diễn ra trong thời điểm nhạy cảm sau khi xảy ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, những người tộc Duy Ngô Nhĩ sống tại khu vực tự trị Tân Cương đã yêu cầu chính quyền Bắc Kinh tôn trọng văn hóa và tôn giáo của họ, trong khi chính phủ Trung Quốc cáo buộc những người Duy Ngô Nhĩ âm mưu thực hiện các vụ tấn công khủng bố ở trong và và ngoài khu vực Tân Cương.
Bắc Kinh cũng cáo buộc phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, được thành lập bởi các nhà hoạt động người Duy Ngô Nhĩ ở phía Tây Trung Quốc, đã cử các thành viên tới Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia lớp huấn luyện của các tổ chức cực đoan ỏ Syria và Iraq như nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) để có thể quay lại Trung Quốc phát động “thánh chiến”. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cáo buộc các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Nam Á đã tạo điều kiện để những người Duy Ngô Nhĩ tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Trích dẫn truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, mạng tin Đa Chiều cho biết Bắc Kinh có vẻ như đã đề nghị Ankara ngưng hỗ trợ và bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc bằng tuyên bố có thể sẽ ủng hộ người Cuốc ở Thổ Nhĩ Kỳ để đáp trả.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng để ngỏ khả năng cử quan chức từ sứ quán nước này ở thủ đô Baghdad tới các khu vực của người Cuốc tại Iraq là Sulaymaniyah và Erbil.
Theo Đa chiều, cả Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đang toan tính các phương án để thúc đẩy lợi ích riêng song Bắc Kinh luôn tỏ ra thận trọng vì chiến lược của nước này không đồng nghĩa với việc giúp Ankara trở thành một thế lực tại Trung Đông.
Thổ Nhĩ Kỳ, dù là một quốc gia thuộc NATO nhưng vẫn chưa gia nhập Liên minh châu Âu và không nhận được sự ủng hộ của các quốc gia Arab ở vùng Vịnh, biết rằng họ cần các khoản đầu tư để thực hiện các mục tiêu đối với người Cuốc và Syria. Trang tin Đa chiều cho rằng Tổng thống Erdogan hiểu rõ chính phủ của ông sẽ gặp rắc rối nếu ông không thể cải thiện được tình hình kinh tế của đất nước trong thời gian tới.
Đây là lý do tại sao tăng cường quan hệ với Trung Quốc là một phần quan trọng trong chiến lược của Tổng thống Erdogan. Thời gian qua, Bắc Kinh đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của Thổ Nhĩ Khi khi liên doanh giữa hai nước đã xây dựng một hệ thống đường tàu theo gói cho vay trị giá 750 triệu USD mà Bắc Kinh cho Ankara vay.
Trung Quốc cũng là một phần trong dự án của Thổ Nhĩ Kỳ về “cánh cửa năng lượng” tới châu Âu và các thị trường khác trên toàn cầu. Ankara hiện đang cố gắng xây dựng một chiến lược nhất quán, bao gồm các hệ thống đường ống dẫn, với sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc và dự án “Con đường tơ lụa” mới nối Iran và khu vực Caucasus.
Nếu thành công trong việc kết hợp các chính sách của mình với hai sáng kiến nêu trên của Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được hưởng lợi khi dòng vốn đầu tư của Trung Quốc “chảy” qua nước này, điều sẽ giúp mang lại sự ổn định cho chính phủ của Tổng thống Erdogan và tăng cường vị thế của Thổ Nhĩ kỳ tại Trung Đông.
Nếu viễn cảnh đó thành hiện thực, Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng sẽ tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng người Cuốc ở miền Bắc Syria. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng trước khi người Thổ có thể thực hiện được các mục tiêu của mình, điều họ cần làm lúc này là phải có những bảo đảm với Trung Quốc về việc sẽ không để lãnh thổ của họ trở thành nơi “trung chuyển các phần tử khủng bố người Duy Ngô Nhĩ”.
Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu chiến dịch “chống khủng bố”. Đây là động thái được khẳng định là nhằm trả đũa những vụ tấn công của IS, nhưng cũng có ý kiến cho rằng đây là chiến dịch để thử khả năng phòng vệ của lực lượng người Cuốc tại Syria, hơn là một cuộc chiến thực sự nhằm vào IS.