Kể từ khi Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 ra phán quyết liên quan vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông đến nay, giá trị pháp lý và tính ràng buộc của phán quyết đối với Trung Quốc, Philippines và các nước vẫn là một vấn đề tranh cãi.
Trên khía cạnh luật quốc tế, các phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế (bao gồm cả tòa án và trọng tài) có tính chất ràng buộc với các nước là một bên trong vụ kiện và không có giá trị ràng buộc với các nước khác. Phán quyết của Tòa giữ nguyên giá trị pháp lý và nghĩa vụ tuân thủ đối với trường hợp một bên từ chối tham gia vụ kiện và không công nhận cũng như không tuân thủ phán quyết. Theo Điều 296 của UNCLOS quy định: “Tính chất tối hậu và bắt buộc của các phán quyết: (1) Các phán quyết do tòa án có thẩm quyền theo mục này đưa ra là có tính chất tối hậu và tất cả các bên tranh chấp phải tuân theo. (2) Các quyết định đó chỉ có tính chất bắt buộc đối với các bên và trong trường hợp riêng biệt được xem xét”. Trong khi đó, theo Điều 11 Phụ lục VII UNCLOS quy định về tính chất chung thẩm của phán quyết trọng tài như sau: “Phán quyết sẽ có tính chất chung thẩm và không thể phúc thẩm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận trước về một thủ tục phúc thẩm. Phán quyết phải được các bên tranh chấp tuân thủ”.
Từ hai quy định trên cho thấy phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc mang tính chất ràng buộc về pháp lý và tính đến thời điểm hiện tại cả Trung Quốc và Philippines đều không có thỏa thuận song phương về việc phúc thẩm. Vì vậy, phán quyết của Tòa Trọng tài có tính chất ràng buộc, các nước liên quan có nghĩa vụ phải tuân thủ, thực thi phán quyết.
Đối với Trung Quốc: Trên thực tế, trong hai năm qua, Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm phi lý của mình liên quan vụ kiện, đó là: Tòa Trọng tài không có thẩm quyền xét xử; Trung Quốc không tuẩn thủ phán quyết; Trung Quốc không thực thi phán quyết. Hành động này của Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích, lên án, phê phán của cộng đồng quốc tế, trong đó có cả 1 bộ phận tầng lớp thanh niên, tri thức Trung Quốc. Song song với hoạt động tuyên truyền bác bỏ phản quyết, Bắc Kinh cũng chủ động thúc đẩy các hoạt động trên thực địa nhằm khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông, bao gồm: Hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, đưa quân ra đồn trú, triển khai phi pháp trang thiết bị vũ khí trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam); tiến hành tập trận bắn đạn thật trong khu vực; thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên (dầu khí, băng cháy, hải sản…) trong khu vực “đường 9 đoạn”; gia tăng các hoạt động kiểm soát trên thựa địa (triển khai hệ thống giám sát dưới đáy biển, giám sát qua hệ thống vệ tinh); thúc đẩy các dự án cung cấp năng lượng cho số đảo, đá, bãi cạn đang chiếm đóng phi pháp (điện hạt nhân trên biển, điện gió, sản xuất điện từ sóng biển…); hỗ trợ ngư dân tiến hành các hoạt động đánh bắt hải sản mang tính tận diệt và phá hủy nghiêm trọng môi trường sinh thái ở Biển Đông; gia tăng đầu tư, mua sắm trang thiết bị vũ khí cho lực lượng chấp pháp trên biển….
Ngoài việc không tuân thủ phán quyết, Bắc Kinh cũng thúc đẩy các chiến dịch, hoạt động tuyên truyền làm lu mờ, phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài. Bắc Kinh tổng động viên các cơ quan nghiên cứu, giới chuyên gia, học giả trong và ngoài nước viết các bài phân tích, cung cấp chứng cứ (đều là ngụy tạo) ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông nói chung và vụ kiện nói riêng. Đáng chú ý, có rất nhiều trương hợp, để tạo được “niềm tin” đối với cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã chi rất nhiều tiền để được đăng những bài viết trên các tạp chí uy tín trên thế giới nhằm đánh lạc hướng và tạo hiệu ứng dây chuyền để phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài.
Đối với Philippines: Là nước giành chiến thắng trong vụ kiện, Philippines về bản chất luôn tuân thủ và thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài. Tuy nhiên, cách mà Philippines áp dụng lại mang tính thực tế và đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Ngay sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết, Philippines đã có bước điều chỉnh chiến lược, mang tính bước ngoặt và có phần thái quá khi gác lại tất cả những nội dung liên quan đã kiện Trung Quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, có lẽ Philippines kiện Trung Quốc chỉ nhằm tạo bằng chứng và căn cứ để mặc cả, thỏa thuận với Bắc Kinh. Và thực tế đã chứng minh, Philippines đã gác lại tranh chấp, gác lại phán quyết để đối lấy viện trợ, đầu tư kinh tế từ Trung Quốc. Bắc Kinh đã cam kết cung cấp cho Philippines 9 tỷ USD vốn vay ưu đãi, bao gồm một hạn ngạch tín dụng 3 tỷ USD từ ngân hàng Bank of China; hai bên cũng đã ký các thỏa thuận đầu tư có tổng trị giá 15 tỷ USD trong các lĩnh vực đường sắt, cảng biển, năng lượng và khai mỏ với tổng trị giá 11,2 tỷ USD; Trung Quốc cũng cam kết chi 3,7 tỷ USD vốn vay ưu đãi để Manila triển khai 30 dự án, tập trung trong các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo; hai bên cũng nối lại các thảo luận về hợp tác khai thác năng lượng qua đàm phán giữa công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) và Công ty PXP Energy Philippines; Trung Quốc đồng ý cung cấp 1,7 tỷ USD để mua 900 ngàn tấn gạo và các sản phẩm nông nghiệp của Philippines; cho Manila vay 500 triệu USD để mua sắm trang bị quân sự, cam kết cung cấp gói viện trợ vũ khí cho cuộc chiến chống ma túy, khủng bố và bàn giao cho Philippines 23.000 khẩu súng trường M4…
Chính vì món hời lớn như vậy mà Tổng thống Philippines Duterte đã nhiều lần tuyên bố sẽ “gác lại” phán quyết của Tòa Trọng tài vì “không muốn áp đặt cho Trung Quốc”. Thậm chí, ông Duterte (19/2/2018) còn mạnh dạn cho rằng các thực thể nhân tạo bất hợp pháp do Trung Quốc xây trên Biển Đông là sự phòng thủ trước nước Mỹ, không phải là bàn đạp để tấn công các quốc gia châu Á khác, bao gồm Philippines và rằng nếu muốn “Trung Quốc có thể biến Philippines thành một tỉnh của mình, giống như Phúc Kiến”.
Đối với cộng đồng quốc tế: Về nguyên tắc của luật pháp quốc tế, các phán quyết của cơ quan tài phán chỉ ràng buộc các quốc gia là một bên trong tranh chấp và không ràng buộc bên thứ ba. Do đó phán quyết trong vụ kiện không có hiệu lực ràng buộc với các quốc gia khác. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên những khía cạnh sau: (1) Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”. Vì vậy, hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển này đều là vi phạm luật pháp quốc tế và các nước liên quan hoàn toàn có quyền để can thiệp, ngăn chặn Trung Quốc. (2) Việc xây dựng, cải tạo phi pháp các đá, bãi cạn ở Trường Sa không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa và những hoạt động này của Bắc Kinh không chỉ đe dọa an ninh hàng hải mà còn phá hủy nghiêm trọng môi trường sinh thái ở khu vực. Hành vi của Trung Quốc là vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị huỷ diệt. Cộng đồng quốc tế hoàn toàn có quyền phối hợp bảo vệ sự đa dạng sinh thái ở Biển Đông và ngăn chặn hoạt động phi pháp của Bắc Kinh. (3) Ngoài ra, phán quyết của Tòa Trọng tài cũng là nguồn bổ trợ của luật pháp quốc tế để các nước và cơ quan tài phán có thể dựa vào đó để đối chiếu so sánh khi xét xử, thụ lý những vụ án có tính chất tương tự.
Về tổng thể, phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện của Philippines có độ tin cậy và tính thuyết phục cao. Tòa đã rất cẩn trọng trong việc thu thập chứng cơ, xây dựng lập luận nhằm bảo đảm từng lập luận và tất cả các kết luận có mức độ hợp lý để đưa ra phán quyết công bằng, công tâm đối với cả Philippines, Trung Quốc và các nước liên quan. Vì vậy, phán quyết của Tòa hoàn toàn có giá trị pháp lý và Philippines, Trung Quốc, cũng như cộng đồng quốc tế có trách nhiệm, nghĩa vụ phải tuân thủ và thực thi.