Thursday, September 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiChiến lược cường quốc biển của TQ: Âm mưu đáng sợ ở...

Chiến lược cường quốc biển của TQ: Âm mưu đáng sợ ở Biển Đông

Ngay sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc đã từng bước đề ra và triển khai chiến lược xây dựng cường quốc biển nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, phát triển kinh tế và thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”. Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp, luật hóa nhiều quy định nhằm từng bước độc chiếm Biển Đông, phát triển lực lượng hải quân có khả năng tác chiến tại những vùng biển xa, đẩy mạnh khai thác tài nguyên biển…

Tàu chiến Trung Quốc hộ tống tàu sân bay Liêu Ninh tập trận ở Biển Đông hồi tháng 4/2018

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhấn mạnh việc xây dựng cường quốc biển có ý nghĩa trọng đại đối với việc “thúc đẩy phát triểnkinh tế, bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích của Trung Quốc, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội toàn diện và giàu có, thực hiện công cuộc phục hưng dân tộc Trung Hoa”.

Trung Quốc đã xây dựng Chiến lược biển với bốn yếu tố cơ bản là: xác định việc mở rộng quản lý biển là hạt nhân của chiến lược chính trị biển; khẳng định việc xây dựng chiến lược cường quốc biển là hạt nhân của chiến lược phát triển kinh tế biển; xác định an ninh biển và an ninh quốc gia là vấn đề trọng tâm trong chiến lược phòng vệ biển; khẳng định và coi trọng việc sử dụng kỹ thuật cao kết hợp với kỹ thuật thông thường trong chiến lược khoa học – kỹ thuật biển.

Về chiến lược phát triển kinh tế biển của Trung Quốc:

Thứ nhất, Trung Quốc chú trọng phát triển “toàn diện” kinh tế biển: Thực hiện đồng thời hoạt động khai thác tài nguyên ở các khu vực ven biển với việc khai thác tại các vùng biển ngoài xa. Ngoài ra, Trung Quốc cũng xây dựng và phát triển nhiều ngành, nghề kinh tế biển như nghề cá biển, giao thông vận tải biển, nghề khai thác dầu khí biển, nghề làm muối biển, phát triển nghề đóng tàu biển, nghề du lịch biển…

Thứ hai, Trung Quốc phát triển kinh tế biển “hiệu quả cao”: Tích cực xây dựng và phát triển những nghề mới về biển, tăng cường năng lực hoạt động của các nghề khai thác thủy sản truyền thống, nâng cao khả năng cạnh tranh của các nghề và sản phẩm biển trên thị trường trong và ngoài nước.

Thứ ba, không ngừng hoàn thiện các chính sách và pháp luật về quản lý biển, tạo môi trường xã hội công bằng và công khai trong việc phát triển kinh tế biển. Thời gian qua, Trung Quốc đã lần lượt ban hành các chính sách, pháp luật về biển như: “Quy hoạch phát triển biển quốc gia”, “Đề cương quy hoạch phát triển biển toàn quốc”, “Luật Nghề cá nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, “Quy tắc quản lý tầu thuyền nước ngoài của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, “Điều lệ hợp tác, khai thác dầu mỏ biển với bên ngoài của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”… nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Ngoài ra, Trung Quốc cũng dần kiện toàn, củng cố hệ thống cơ quan quản lý biển, tăng cường xây dựng cơ cấu quản lý hành chính biển, tạo điều kiện để phát triển mạnh kinh tế biển.

Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc công bố “Kế hoạch phát triển kinh tế hải dương Trung Quốc từ năm 2016 đến 2020”, trong đó cho biết Trung Quốc đã xác lập mục tiêu tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hải dương hàng năm ở mức 8% và tới năm 2015 thì tổng giá trị sản lượng kinh tế hải dương sẽ đạt tỷ lệ 10% GDP; từ năm 2015 tới 2030 lên 18% GDP; từ năm 2031 tới 2045 lên 25% GDP. Ngoài ra, Trung Quốc có 14 tỉnh, thành phố, đặc khu ven biển với dân số chiếm khoảng 40% tổng nhân khẩu, diện tích chiếm gần 20% tổng diện tích, tuy nhiên hiện nay GDP của 14 tỉnh này đã vượt quá 60% tổng GDP của cả Trung Quốc.  

Những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng tăng quy mô kinh tế biển, thúc đẩy xây dựng hệ thống công nghiệp biển hiện đại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế biển Trung Quốc hai năm nay gần đây bắt đầu chậm lại, tập trung vào việc nâng cao hiệu suất sử dụng tài nguyên biển, đẩy mạnh điều chỉnh cơ cấu và chuyển hình nâng cấp.

Về chiến lược khoa học kỹ thuật biển:

Bắc Kinh định ra phương châm, chính sách lấy kỹ thuật cao-mới làm hạt nhân, thực hiện qui hoạch “dựa vào khoa học-kỹ thuật chấn hưng biển”, thực hiện bước chuyển dịch chiến lược điều chỉnh hợp lý nghề biển và phát triển kinh tế biển; nâng cao trình độ kỹ thuật thực tiễn, nắm chắc cải tạo kỹ thuật. Trong khi đẩy mạnh khai thác biển, từng bước hình thành hệ thống phát triển kỹ thuật biển đáp ứng nhu cầu kinh tế biển Trung Quốc.

Về chiến lược phát triển hải quân:

Trung Quốc quyết tâm xây dựng cường quốc biển là nhằm đảm bảo một số lợi ích cốt lõi.“Sách trắng về Phát triển hòa bình Trung Quốc” từng khẳng định, 6 vấn đề lợi ích cốt lõi của Trung Quốc bao gồm: Chủ quyền quốc gia; an ninh quốc gia; toàn vẹn lãnh thổ; thống nhất quốc gia; chế độ chính trị và cục diện ổn định xã hội mà Hiến pháp Trung Quốc đã quy định; những đảm bảo cơ bản cho phát triển bền vững kinh tế xã hội. Điều này cho thấy Trung Quốc đưa vấn đề biển đảo (bao gồm chủ quyền, kinh tế và ảnh hưởng) thành một trong những vấn đề cốt lõi và phải thực hiện bằng được. Trung Quốc cũng cho rằng, trong thế kỷ XXI, thế giới sẽ tập trung khai thác và tận dụng tài nguyên biển, mở rộng các ngành nghề biển và phát triển kinh tế biển quy mô lớn. Do đó, Trung Quốc xác định mục tiêu và các giai đoạn để tiến ra biển: (1) xây dựng Trung Quốc trở thành “cường quốc biển” để trở thành cường quốc thế giới; (2) lấy xây dựng kinh tế biển làm trung tâm, có quy hoạch tổng thể khai thác về biển, sử dụng hợp lý tài nguyên biển và thúc đẩy phát triển nhịp nhàng các ngành sản xuất biển, khai thác nguồn tài nguyên biển hợp lý, thực hiện quy hoạch đồng bộ việc bảo vệ môi trường biển, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào khai thác biển.

Tính đến giai đoạn hiện nay, hải quân Trung Quốc đang sở hữu một số lượng lớn các tàu chiến, tàu ngầm và các trang thiết bị vũ khí hiện đại khác. Văn phòng Tình báo Hải Quân Mỹ (9/4/2015) công bố bản báo cáo khảo sát năng lực của hải quân Trung Quốc, cho thấy Trung Quốc có 01 tàu sân bay, 05 tàu ngầm hạt nhân, 59 tàu ngầm Diesel, 26 tàu khu trục, 52 tàu khu trục nhỏ, 56 tàu đổ bộ, 52 tàu tuần tra tên lửa, 20 tàu hộ tống nhỏ. Dự kiến, đến năm 2030, Hải quân Trung Quốc sẽ sở hữu 415 tàu chiến, trong đó gồm có 99 tàu ngầm, 4 tàu sân bay, 102 tàu khu trục và tàu hộ vệ, 26 tàu tuần tra, 73 tàu chiến đổ bộ cùng với 111 tàu tên lửa. Lực lượng Không quân Hải quân Trung Quốc cũng được trang bị một số lượng lơn các loại hình máy bay chiến đấu, trinh sát, quan trắc và chống ngầm. Trong đó có một số loại hình máy bay thuộc loạt hiện đại nhất trên thế thới. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 1.321 may bay chiến đấu các loại, 134 máy bay ném bom hạng nặng, 700 trực thăng chiến đấu. Đáng chú ý, Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên sở hữu và chế tạo ra hai kiểu máy bay tàng hình J-20 và J-31. Các tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu của Trung Quốc được trang bị nhiều loại vũ khi tấn công hiện đại, có khả năng tấn công các mục tiêu ở xa, độ chính xác cao và đặc biệt là được trang bị các loại hình tên lửa đạn đạo Đông Phong có khả năng tiêu diệt các mục tiêu di động như tàu sân bay.

Về vấn đề chủ quyền: Trung Quốc nhấn mạnh việc bảo vệ “chủ quyền và quyền chủ quyền ở biển Hoa Đông và Biển Đông”; thúc đẩy các cơ hội và khả năng thu hồi Đài loan, ngăn chặn Mỹ can dự vào khu vực và phá thế bao vây, kiềm chế Trung Quốc của Mỹ và các nước đồng minh. Về mặt bảo vệ quyền lợi biển, thực hiện đột phá về bảo vệ chủ quyền đảo Điếu Ngư, thực hiện kiểm soát hiệu quả ở bãi Hoàng Nham/Scarborough và xây dựng một số đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam).

Về vấn đề kinh tế: Trung Quốc tập trung bảo vệ và phát triển các trung tâm kinh tế nằm dọc bờ biển như Quảng Châu, Thượng Hải và vùng duyên hải Trung Quốc; kiểm soát và mở rộng phạm vi kiểm soát đối với các tuyến hàng hải huyết mạch; thực thi hiệu quả “quyền chủ quyền” của Trung Quốc, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mở rộng của Trung Quốcvà đẩy mạnh khai thác tài nguyên biển.

Về vấn đề ảnh hưởng: Trung Quốc đang thực hiện nhiều biện pháp như tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực như cứu trợ, cứu nạn, tham gia ngày càng nhiều vào xử lý các vấn đề toàn cầu hay xuyên quốc gia như chống khủng bố, cướp biển và cướp có vũ trang trên biển,… qua đó “nâng cao vai trò, vị thế và ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc”.

Một số nét về chiến lược biển của Trung Quốc

Thứ nhất, mục tiêu của Trung Quốc là phấn đấu đến năm 2050 vươn lên trở thành siêu cường thế giới ngang hàng với Mỹ trên cơ sở ‘cải cách, mở cửa’ và ‘trỗi dậy hòa bình’. Trung Quốc cho rằng thời gian từ nay đến năm 2020 là cơ hội tốt nhất cho Trung Quốc phát triển. Vì vậy, xu thế chính trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong những năm tới là cố gắng giải quyết các mâu thuẫn bên trong và bên ngoài một cách hài hòa, tránh các biện pháp cực đoan, không đối đầu với Mỹ, phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng, duy trì môi trường hòa bình, hữu nghị.

Thứ hai, Trung Quốc bắt đầu xây dựng và triển khai chiến lược biển mới, đẩy mạnh sự kiểm soát và khai thác các vùng biển gần và vươn ra các đại dương.

Thứ ba, Trung Quốc chủ trương “khai thác biển xa trước, biển gần sau, biển có tranh chấp trước, biển thuộc chủ quyền Trung Quốc sau”, “ngoại giao đi trước, hải quân đi sau”; phân hóa, chia rẽ ASEAN, tranh thủ và hạn chế Mỹ, Nhật Bản.

Thứ tư, Trung Quốc chủ trương lấy giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương trực tiếp với các nước liên quan, tập trung đẩy mạnh khai thác cạn kiệt tài nguyên, khoáng sản ở Biển Đông.

Để thực hiện chiến lược biển của mình, trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã ráo riết triển khai nhiều biện pháp đối nội và đối ngoại, trên bàn đàm phán và trên thực địa để khẳng định chủ quyền của mình

Thứ nhất, Trung quốc chính thức đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” vào tháng 5/2009.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, giáo giục ý thức “quốc gia đại dương”, khẳng định các yêu sách chủ quyền biển.

Thứ ba, ráo riết tiến hành công tác xây dựng Pháp luật về biển để làm cơ sở pháp lý triển khai chiến lược biển.

Thứ tư, ra sức tăng cường xây dựng tiềm lực quốc phòng, đặc biệt là không quân và hải quân (tàu sân bay, tàu ngầm, tàu khu trục tên lửa, máy bay SU 27, SU 30, tiếp dầu trên không, tổ chức tập trận hải quân).

Thứ năm, củng cố và mở rộng các vị trí đã chiếm đóng phi pháp trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thứ sáu, thực hiện chính sách vừa lôi kéo vừa chia rẽ các nước ASEAN, dùng nước này ép nước kia; hạn chế vai trò và ảnh hưởng của các nước lớn khác như Mỹ, Nhật Bản.

Thứ bảy, sử dụng sức mạnh quân sự, kinh tế, ngoại giao, chính trị để ép các nước trong khu vực ủng hộ và thực hiện chủ trương “Gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn khi triển khai chiến lược cường quốc biển. Những khó khăn này xuất phát chủ yếu từ việc Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép vùng biển của các nước ven Biển Đông. Hành động này khiến cộng đồng quốc tế phản ứng, phối hợp ngăn chặn những tham vọng phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ngoài ra, ngay chính trong nội bộ Trung Quốc cũng tồn tại nhiều khó khăn, bất ổn, cụ thể: (1) Hiện nay nền kinh tế của Trung Quốc có xu hướng bước vào giai đoạn phát triển chậm lại, đi kèm đó là nhiều những bất cập và thách thức về kinh tế khiến đầu tư cho hải quân cũng bị ảnh hưởng theo. (2) Năng lực hải quân còn hạn chế so với các nước lớn trên thế giới. Ngay cả ở phạm vi khu vực, năng lực hải quân Trung Quốc vẫn thua xa Nhật Bản. Vì vậy, Trung Quốc mới ở tầm vóc của một cường quốc khu vực, với mục tiêu “phòng vệ biển gần”, hoạt động chủ yếu ở Biển Đông và phía bên trong phạm vi chuỗi đảo thứ nhất. (3) Hải quân Trung Quốc phải dàn trải trên nhiều vùng biển khác nhau. Do vị trí địa lý tiếp giáp với nhiều vùng biển và tồn tại tranh chấp chủ quyền với nhiều nước trong khu vưc, nên hải quân Trung Quốc phải dàn đều ra cả 03 Hạm đội, không thể tập trung sâu vào một khu vực nhất định. (4)Căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải khiến Trung Quốc khó triển khai hợp tác khu vực và quốc tế để phát triển kinh tế hải dương. (5) Phát triển kinh tế biển thiếu sự chỉ đạo, phối hợp và quy hoạch vĩ mô, các ngành truyền thống vẫn trong giai đoạn phát triển theo bề rộng, trình độ tổng thể của khoa học kỹ thuật tương đối thấp, một số ngành mới nổi lên chưa hình thành qui mô lớn; chưa ngăn chặn có hiệu quả xu thế môi trường sinh thái biển xấu đi, nguồn cá ở vùng biển gần bị phá hoại nghiêm trọng, một số loài vật biển quý hiếm đứng trước nguy cơ tuyệt chủng; tại một số vùng biển và hải đảo, trật tự khai thác hỗ loạn, mâu thuẫn sử dụng biển nổi bật, trình độ thăm dò, khai thác biển thấp, số liệu tài nguyên quan trọng có thể khai thác không rõ ràng, các công trình cơ sở và trang bị kỹ thuật để phát triển kinh tế biển còn khá lạc hậu…

Nhìn chung, Trung Quốc đưa ra “Chiến lược cường quốc biển” rất hoàn tráng, song đây cũng chỉ là biện pháp tuyên truyền cho những hoạt động xâm phạm chủ quyền của các nước ở Biển Đông. Qua Chiến lược này có thể thấy rõ âm mưu, ý đồ và quyết tâm của Trung Quốc trong việc độc chiếm Biển Đông để thúc đẩy phát triển kinh tế, phá vỡ thế bao vây của Mỹ và các nước đồng minh, tạo bàn đạp để Bắc Kinh vươn ra Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới