Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCuộc chiến thương mại: Mối đe dọa hay nước cờ của Donald...

Cuộc chiến thương mại: Mối đe dọa hay nước cờ của Donald Trump?

Những căng thẳng thương mại giữa Mỹ với các nước, đặc biệt là Trung Quốc ngày càng tăng cao khi chỉ còn vài tháng nữa là tới cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến các thị trường chao đảo khi ông tuyên bố sẽ áp mức thuế lên tới 500 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc, bất chấp các hậu quả có thể kéo theo cả về kinh tế và chính trị. Phát biểu với CNBC, ông Trump nói: “Tôi sẽ không làm điều này vì các mục đích chính trị. Tôi làm vì những điều đúng cho đất nước của chúng ta”.

Rủi ro trước bầu cử giữa kỳ

Các nhà phân tích thị trường, các chuyên gia công nghiệp, các nhà kinh tế trưởng đều cảnh báo, những hậu quả về kinh tế từ chính sách thuế của ông Trump sẽ chỉ căng thẳng thêm trong những tháng tới và nó có thể lên đến đỉnh điểm trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ.

“Chúng ta đã thấy những lời phàn nàn từ các công ty. Và đến thời điểm diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ, chúng ta sẽ nghe thêm nhiều lời phàn nàn từ các thống đốc, các thị trưởng, các thành viên Quốc hội về chi phí giá cả tăng, cùng nhiều vấn đề khác”, Carlos Gutierrez, Bộ trưởng Thương mại dưới thời Tổng thống George W. Bush nói với Politico.

Sẽ phải mất nhiều tháng để hầu hết người tiêu dùng cảm nhận được tác động của các chính sách thuế mà ông Trump đang và dự định sẽ áp dụng. Càng đến gần cuộc bầu cử, người tiêu dùng sẽ càng thấy rõ tất cả mọi thứ từ hàng tạp phẩm đến các thiết bị dụng cụ bắt đầu tăng giá đối với các nhà bán lẻ lớn trên khắp nước Mỹ.

Tất nhiên, Đảng Dân chủ sẽ không bỏ qua cơ hội sử dụng chính vấn đề này như một lá bài chính trị nhằm giành lại thế kiểm soát trong Quốc hội trước đảng Cộng hòa.

Vì “Nước Mỹ trước tiên”?

Tổng thống Trump nói rằng ông đơn giản chỉ thực hiện những gì mà mình đã cam kết trong chiến dịch tranh cử, đó là “thẳng tay” với các đối tác thương mại, thậm chí là các đồng minh thân thiết và đặt “Nước Mỹ trước tiên”.

Từ tháng 3/2018, ông đã áp thuế đối với hầu hết các sản phẩm thép và alumin nhập khẩu, và đặc biệt, áp mức thuế 34 tỷ USD đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Đổi lại các nước cũng đã có sự đáp trả tương xứng với mọi mặt hàng từ nông sản của Mỹ, rượu whisky bourbon Kentucky tới xe Harley-Davidson.

Ông Trump và đảng Cộng hòa của ông có thể sẽ sớm đối mặt với những hậu quả khi các công ty trong những tháng tới bắt đầu báo cáo về doanh thu giảm, đánh giá lại chuỗi cung cấp của mình, thậm chí xem xét lại các khoản đầu tư. Theo các chuyên gia, tất cả những yếu tố này sẽ tác động trực tiếp tới nền kinh tế, dẫn tới sự giảm tốc, thậm chí là suy giảm kinh tế Mỹ.

Một phân tích mới từ Tax Foundation cho thấy, nếu tất cả các chính sách thuế đang được đề xuất hiện nay có hiệu lực, nó sẽ khiến GDP lâu dài của Mỹ giảm khoảng 0,47% – tương đương 118 tỷ USD – trong dài hạn và có thể làm mất hơn 364.000 việc làm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cũng đã cảnh báo, căng thẳng thương mại có thể khiến sản lượng toàn cầu giảm 400 tỷ USD đến năm 2020 và Mỹ “đặc biệt dễ tổn thương” đối với những tác động của sự giảm tốc toàn cầu.

Người tiêu dùng Mỹ cũng là nạn nhân

Giá cả tăng sẽ thay đổi theo sản phẩm từ quy mô vài cent một thùng bia cho tới 6.000 USD cho một chiếc xe ô tô, nếu chính quyền Mỹ thực hiện các chính sách thuế đặc biệt đối với xe ô tô mà nước này đã đe dọa.

Ngay cả nếu ông Trunp không thực hiện các biện pháp thuế bổ sung nào, thì những gì mà ông Trump từng tuyên bố sẽ vẫn gây ra sự bất ổn. Nó sẽ khiến một số công ty bắt đầu “thu hồi” các khoản đầu tư về nghiên cứu và phát triển. Họ sợ rằng nếu họ phát triển sản phẩm cho các thị trường nước ngoài, thì các thị trường này có thể sẽ không thể tiếp cận được với họ trong 6 tháng hoặc 1 năm.

Lĩnh vực nông nghiệp lại đặc biệt “dễ tổn thương”: các nước như Mexico đã bắt đầu đa dạng hóa các thị trường nhập khẩu của mình bằng cách mua thêm ngũ cốc và đậu nành từ Brazil thay vì Mỹ.

“Nếu những căng thẳng hiện nay leo thang thành một cuộc chiến thương mại toàn diện, thì những nạn nhân vô tội chính là người tiêu dùng Mỹ. Đó là điều mà chúng ta muốn tránh”, Matthew Shay, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Hiệp hội bán lẻ quốc gia (National Retail Federation) cho biết.

Mối đe dọa hay nước cờ?

Theo cuộc thăm dò dư luận gần đây, ông Trump vẫn có sự ủng hộ nhất định về vấn đề thuế quan. Khoảng 73% các cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa hoặc có xu hướng ủng hộ đảng Cộng hòa phản hồi trong cuộc khảo sát của Pew Research tuần trước rằng, họ cảm thấy tăng thuế sẽ có lợi cho nước Mỹ.

Trong khi đó, 77% cử tri ủng hộ đảng Dân chủ và có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ lại cảm thấy điều ngược lại.

Tuy nhiên, kết quả tổng quan thì không được tích cực như vậy. Có tới 49% số người tham gia khảo sát cho rằng, các chính sách thuế mà ông Trump muốn áp dụng là điều tồi tệ đối với nước Mỹ, tăng 4 điểm % so với cuộc khảo sát tương tự hồi tháng 5.

Nếu những căng thẳng thương mại hiện nay leo thang thành một cuộc chiến thương mại toàn diện, thì đây có thể sẽ là vết trượt chính trị lớn của Tổng thống Donald Trump cũng như đảng Cộng hòa, đặc biệt trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới.

Đảng Dân chủ cố chỉ ra một nền kinh tế Mỹ đang bị những chính sách của ông Trump tàn phá. Còn Nhà Trắng thì phản bác rằng, những lợi ích về lâu dài của nước Mỹ là đáng để đánh đổi.

Khó mà nhận định được những chính sách thương mại, thuế quan mà ông Trump theo đuổi sẽ thành công hay thất bại. Cần lưu ý rằng, chính slogan “Nước Mỹ trước tiên” đã giúp ông Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Ông Trump không phải là một chính trị gia kỳ cựu. Trước khi trở thành Tổng thống Mỹ, người ta biết đến Donald Trump là một tỷ phú. Tỷ phú có thể là thước đo cho một doanh nhân thành công, nhưng nó có đảm bảo sự thành công trong chính sách kinh tế, thương mại hay thuế quan của một Tổng thống hay không, thì thời gian sẽ cho ta câu trả lời.

RELATED ARTICLES

Tin mới